Việt Nam liên tục tiếp nhận Su-30MK2

Bình Nguyên |

Với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, Không quân Việt Nam trong vài năm gần đây tiếp tục được trang bị máy bay chiến đấu phản lực thế hệ mới Su-30MK2.

Do ngân sách có hạn và định hướng thay thế dần dần máy bay cũ cho từng trung đoàn không quân chiến đấu, nên số lượng máy bay trong các hợp đồng mua Su-30MK2 của Việt Nam gần đây luôn là bội số của 4 (thường là 8 - 12 chiếc).

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở các hợp đồng này là việc giao hàng, tiếp nhận máy bay thường chia làm 4 chiếc mỗi đợt, với giãn cách vài tháng giữa 2 đợt giao hàng. Đây có thể coi là “phong cách” riêng khá thú vị của Việt Nam, vì sao lại như vậy?

“Hổ mang chúa” Su-30MK2 sẵn sàng xuất kích
“Hổ mang chúa” Su-30MK2 sẵn sàng xuất kích

Thứ nhất, ngân sách mua sắm có hạn khiến Việt Nam đặt hàng theo hợp đồng nhỏ (8 - 12 chiếc). Vì vậy, việc thanh toán phải được chia làm nhiều lần theo tiến độ bàn giao để phù hợp với khả năng thu xếp tài chính của Việt Nam.

Thứ hai, mua sắm theo hợp đồng nhỏ và cách thức giao hàng như trên sẽ ít gây chú ý của dư luận quốc tế, nhất là các quốc gia có liên quan trong khu vực.

Điều này thể hiện rằng Việt Nam mua sắm vũ khí mới nhằm mục đích thay thế các máy bay đã cũ và chỉ mang tính phòng vệ chứ không để tấn công bất kỳ quốc gia nào khác.

Do đó sẽ ngăn ngừa nguy cơ bị nhận định rằng Việt Nam tiến hành chạy đua vũ trang, ảnh hưởng đến an ninh và cán cân quân sự trong khu vực.

Su-30MK2 tại Đoàn Không quân Yên Thế

Thứ ba, việc huấn luyện phi công chiến đấu, nhất là phi công Su-30MK2 là cực kỳ khó khăn.

Chúng ta không thể “một sớm, một chiều” đào tạo được đội ngũ phi công có khả năng làm chủ vũ khí hiện đại, thực hiện tốt nhiều khoa mục như bay trong điều kiện thời tiết phức tạp, bay biển, bay đêm, bay xa.

Với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn”, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có những bước đi hợp lý, đào tạo thành công nhiều thế hệ phi công Su-30MK2 kế tiếp nhau, phù hợp và bám sát tiến độ tiếp nhận máy bay mới.

Các phi công trẻ của Đoàn Không quân Biên Hòa trao đổi kinh nghiệm sau ban bay

Thứ tư, việc liên tục tiếp nhận vũ khí mới đi kèm theo máy bay tạo thuận lợi cho tính toán sử dụng hoặc niêm cất và có thể áp dụng phương thức quản lý kiểu “first in - first out”.

Phương thức trên tức là vũ khí nào về trước sẽ được ưu tiên sử dụng cho nhiệm vụ trực chiến trước, vũ khí nào về sau sẽ đưa vào niêm cất, chỉ dùng khi cần thiết.

Điều này không những cho phép giảm đáng kể chi phí bảo quản, sửa chữa mà còn đảm bảo luôn có một lượng lớn vũ khí mới, có niên hạn sử dụng dài ở tình trạng kỹ thuật tốt nhất.

Tên lửa R-27 của Su-30MK2 luôn ở trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất

Thứ năm, mỗi đợt giao hàng, chuyên gia của bạn phải sang Việt Nam để lắp ráp, bay nghiệm thu, bàn giao.

Đây là cơ hội cực tốt để phi công và nhân viên kỹ thuật Việt Nam quan sát, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý giá “miễn phí” và hoàn toàn “tự nhiên”, không có trong công tác đào tạo, huấn luyện theo khuôn khổ của hợp đồng.

Ngoài ra mỗi lần chuyên gia bạn sang Việt Nam, những máy bay đã giao trước đó có thể được kiểm tra kỹ thuật và khắc phục nhanh chóng các trục trặc (nếu có).

Chuyên gia và phi công Nga chuẩn bị bay nghiệm thu, bàn giao máy bay Su-30MK2

Thứ sáu, những tin tức mới nhất liên quan đến kinh nghiệm tác chiến, vận hành của không chỉ dòng máy bay Su-30MK2 mà còn của nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại trên thế giới cũng sẽ được cập nhật.

Qua đó, giúp phi công Việt Nam “biết người, biết ta” để áp dụng vào thực tế huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại