Hạ đo ván EF-2000, Su-30MKI bất ngờ lại sáng giá với Việt Nam?

Bình Nguyên |

Su 30MKI đã hoàn toàn làm chủ cuộc chơi, hạ đo ván tiêm kích hàng đầu châu Âu EF-2000 trong cuộc tập trận Anh-Ấn mới đây. Liệu Su-30MKI có trở thành ứng viên sáng giá với Việt Nam?

Hạ "knock-out" tiêm kích EF-2000 - niềm tự hào của châu Âu

Trong khuôn khổ cuộc tập trận chung giữa Không quân Ấn Độ và Không quân Hoàng gia Anh, các phi công của Ấn Độ điều khiển những chiếc Su-30MKI đã hoàn toàn làm chủ cuộc chơi. 

Trong các bài không chiến tầm gần (Within Visual Range) với tình huống giả định 1 đánh 1, 2 đánh 2 và 2 đánh 1, Su-30MKI đều giành thắng lợi, chiến thắng áp đảo 12-0 trước đối thủ EF-2000 Euro Typhoon, vốn được coi là "niềm tự hào của châu Âu".

Thậm chí, trong bài tập 1 chiếc Su-30MKI phải đương đầu với cùng lúc 2 chiếc EF-2000 nhưng phi công Ấn Độ đã xuất sắc bắn rơi cả 2 máy bay của đối phương.

Các cuộc không chiến tầm xa 4 đánh 4, 8 đánh 8 được tổ chức với đội hình hỗn hợp Su-30 và EF-2000, các phi công Ấn Độ tuy không duy trì được phong độ toàn thắng, nhưng nhìn chung, các máy bay của họ vẫn vượt trội so với đối thủ EF-2000 của Anh.

Ashu Srivastav - Chỉ huy lực lượng Không quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận đã nhận định rằng màn thể hiện của các phi công Ấn Độ là “chấp nhận được” và họ có khả năng thích nghi và linh hoạt dù rằng họ phải thực hiện cuộc tập trận trong môi trường hoàn toàn mới.

Như vậy, có thể thấy, một khi đã giành chiến thắng và thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội so với EF-2000, một trong những loại máy bay tiêm kích thế hệ 4+ tiên tiến nhất thế giới hiện nay thì Su-30MKI hoàn toàn có thể tự tin đương đầu với mọi đối thủ.

Liệu với chiến thắng hoàn hảo kể trên, có khiến Su-30MKI trở thành ứng viên sáng giá với Việt Nam?

Trong các cuộc không chiến tầm gần, Su-30MKI đã hạ đo ván tiêm kích EF-2000 với tỷ số kinh hoàng: 12-0.

Những cái "được"...

Có lẽ không cần thiết phải đi sâu vào các tính năng kỹ chiến thuật của Su-30MKI bởi đã có khá nhiều bài phân tích sâu về vấn đề này. Điều đáng quan tâm là dòng máy bay trên có những điểm sáng nào đủ sức thuyết phục Việt Nam lựa chọn để trang bị cho Không quân.

Thứ nhất, hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cuối tháng 5 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta, đã được Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đón tiếp hết sức trọng thị.

Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định: Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gần gũi và gắn bó của Việt Nam. Vì vậy, trong chính sách hướng Đông của mình, Ấn Độ xác định Việt Nam là một trong những nước ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng ấn độ
Narendra Modi
Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên 5 lĩnh vực trụ cột, trong đó có quốc phòng nhằm đưa hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam ở những thời khắc khó khăn, đồng thời coi trọng việc duy trì và không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng
Đại tướng Phùng quang thanh
Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống hữu nghị, có sự gắn bó lịch sử, hai bên chia sẻ rất nhiều lợi ích tương đồng. Trên nền tảng đó nhân dân và Quân đội Việt Nam hết sức trân trọng và sẽ làm hết sức mình để giữ gìn và xây đắp mối quan hệ gắn bó này.

Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Manohar Parrikar, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cảm ơn Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tạo điều kiện cho các sỹ quan quân đội Việt Nam được sang đào tạo tại Ấn Độ.

Thời gian tới hai bên sẽ nâng cao hơn nữa quan hệ song phương, trong đó có tập trung vào trao đổi đoàn các cấp; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn; trao đổi kinh nghiệm nhất là trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Đồng thời tăng cường hợp tác đào tạo theo hướng chuyên ngành; hợp tác về công nghiệp quốc phòng; hợp tác trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Theo trang tin vpk-news.ru (Nga), cuối năm 2015, Ấn Độ sẽ bắt đầu đạo tạo phi công chiến đấu cho Việt Nam trên máy bay Su-30MKI của nước này. Như vậy, đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy Việt Nam có quan tâm đến dòng máy bay tiêm kích hiện đại Su-30MKI.

Dòng máy bay tiêm kích bom Su-22 của Việt Nam vẫn còn bay tốt nhưng cũng sắp đến lúc phải thay thế. Ảnh: Airliners.net

Nhu cầu thay thế các máy bay cũ như MiG-21 hay Su-22 của Việt Nam là tất yếu bởi chúng đã cũ, số giờ bay dự trữ còn không nhiều nên trong vài năm tới có thể bị loại biên. Điều này đồng nghĩa với việc phải tìm ứng viên thay thế.

Thế nên, Su-30MKI đang hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi để hiện diện trong biên chế Không quân Việt Nam.

Thứ hai, giá thành chấp nhận được. Căn cứ theo các hợp đồng đã ký giữa Ấn Độ và Nga về việc cùng phối hợp sản xuất, hiện nay, giá thành mỗi chiếc Su-30MKI tiêu chuẩn vào khoảng trên dưới 60 triệu USD, tương đương với Su-30MK2 mà Việt Nam mua từ Nga.

Tất nhiên, nếu Su-30MKI được xuất khẩu cho Việt Nam có thể mức giá sẽ nhỉnh hơn, những cũng không quá cao, vẫn đảm bảo hài hòa, cân bằng các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, hợp lý khi so với tính năng và những điểm vượt trội của Su-30MKI.

Mặc dù vậy, nếu Việt Nam chọn mua phiên bản Su-30MKI nâng cấp thì giá có thể sẽ đội lên khá cao, nhưng đổi lại, chúng có radar và hệ thống điện tử hàng không mạnh hơn và mang được nhiều vũ khí mới hiện đại, đầy uy lực.

Thứ ba, đồng bộ với họ tên lửa Brahmos. Theo Tạp chí Moscow Defense Brief (Nga), Việt Nam có thể là khách hàng đầu tiên mua tên lửa Brahmos hiện đại của Ấn Độ và một nhánh của nó sinh ra để giành cho Su-30MKI - phương tiện mang phóng hết sức thích hợp.

Sức mạnh của Không quân Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể nếu có cặp "song sát" Su-30MKI cùng tên lửa Brahmos. Không quân và Hải quân Việt Nam có thể chia sẻ, dùng chung cơ sở bảo đảm kỹ thuật cho họ tên lửa này, giúp giảm đáng kể chi phí.

Cặp "song sát" Su-30MKI và tên lửa Brahmos liệu có tạo thành sức mạnh mới của Không quân Việt Nam?

... và những "rào cản" cần vượt qua

Do Su-30MKI là sản phẩm liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, nên nếu Ấn Độ muốn bán cho Việt Nam cần phải có sự đồng ý của phía Nga. Chưa kể, máy bay này có dùng một số thiết bị của Pháp, Israel và một số nước khác nên cũng cần được các nước này nhất trí.

Tuy xác suất bị từ chối không cao bởi Việt Nam vốn có mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương và đa phương với các quốc gia kể trên, nhưng vẫn tiềm ẩn những ràng buộc "tế nhị" khiến mọi việc đi theo ngã rẽ khác.

Bên cạnh đó, đã có những sự cố xảy ra với Su-30MKI mà nguyên nhân đến từ nhiều phía, có cả từ lỗi con người, nhất là phi công và đội ngũ đảm bảo kỹ thuật của Không quân Ấn Độ, có cả lỗi do linh kiện sản xuất tại Ấn Độ chưa đạt chuẩn.

Ngoài ra, việc dùng chung nhiều chủng loại thiết bị có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau nên dễ này sinh sự cố ngoài mong muốn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới những rắc rối trong việc bảo hành sản phẩm và khắc phục sự cố đối với Su-30MKI lắp ráp tại Ấn Độ.

Những yếu tố này sẽ khiến Việt Nam phải cân nhắc rất kỹ để không bị lặp lại tình trạng máy bay bị nằm sân hàng loạt như đã từng xảy ra với Không quân Ấn Độ.

Do vậy, mặc dù nhiều chỉ dấu cho thấy Việt Nam có sự quan tâm nhất định đến những loại vũ khí đỉnh cao của Ấn Độ như Su-30MKI và tên lửa Brahmos, nhưng còn quá sớm để khẳng định cặp "song sát" hoặc 1 trong 2 loại trên sẽ chính thức được đặt mua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại