“Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị chúng tôi phát triển thế hệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. Dự án đang được thực hiện và đã đạt mức thí nghiệm công nghệ”, ông Y. Konyushko nói.
Mô hình của nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ Pamir. Ảnh minh họa.
Dự kiến, nguyên mẫu nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ đầu tiên sẽ được giới thiệu cho Quân đội Nga ngay trong cuối năm 2015.
“Sau khi hoàn thành quá trình phát triển, công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ sẽ được tiếp tục hoàn thiện công nghệ trong vòng 2 năm tới”, ông Y. Konyushko cho biết.
Giám đốc IECIP tuyên bố, quá trình sản xuất hàng loạt nhà máy điện hạt nhân di động mới sẽ được bắt đầu từ năm 2020. “Chúng tôi đang cố gắng để mọi việc diễn ra đúng tiến độ”, ông Y. Konyushko nói.
Hiện tại, các thông tin khác về nhà máy điện hạt nhân di động mới của Nga chưa được tiết lộ.
Tuy nhiên, theo thông tin từ IECIP, lò phản ứng hạt nhân mới được thiết kế dạng module và có kích cỡ đặt vừa trên xe tải hạng nặng MAZ hoặc KamAZ. Khi hoạt động ở vùng băng tuyết, nó có thể đặt trên các xe đặc chủng bánh xích.
“Nguyên mẫu nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ đầu tiên phải đảm bảo khả năng hoạt động trong 30 ngày liên tục ở vùng băng giá như Bắc Cực. Nó phải vận chuyển được bằng máy bay hoặc trực thăng”, ông Y. Konyushko cho biết.
Mục tiêu của IECIP hiện là kéo dài thời gian hoạt động của lò phản ứng cỡ nhỏ và giảm số người vận hành hệ thống này để tiến tới điều khiển hoàn toàn từ xa thông qua vệ tinh.
Liên Xô từng phát triển nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ từ những năm 1960. Kết quả của quá trình này là nguyên mẫu Pamir nặng 60 tấn đặt trên khung gầm xe vận tải MAZ-537 ra đời.
Tới năm 1986, đã có hai tổ hợp điện hạt nhân loại này được chế tạo, nhưng dự án sau đó đã bị dừng lại sau vụ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.