Tên lửa SPYDER có thể được bố trí theo nguyên tắc nào?

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Việc xác định mục tiêu bảo vệ phù hợp với THTLPK SPYDER là yếu tố quan trọng nhằm phát huy tối đa hiệu quả khai thác chiến đấu của tổ hợp, cũng như khép chặt thế trận phòng không.

SPYDER nên ưu tiên bảo vệ những mục tiêu nào?

Kẻ thù giả định thường tổ chức tập kích đường không phủ đầu nhằm vào các mục tiêu có giá trị chiến lược về quân sự (counterforce targets) trước khi tiến hành không kích vào các mục tiêu có ý nghĩa kinh tế chính trị (countervalue targets) khác.

Mục đích cao nhất nhằm buộc bên bị tập kích rơi vào thế bất lợi chiến lược dẫn tới thất bại trong xung đột quân sự.

Quá trình xác định tính chất và thi hành nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu chịu đòn tập kích đường không của bên kia được kẻ thù giả định tiến hành ở cả cấp độ chiến lược lẫn ở cấp độ chiến dịch không kích và ở từng trận, từng đòn đột kích không quân.

Do đó, việc xác định mục tiêu bảo vệ phù hợp với đặc tính kỹ chiến thuật của tổ hợp tên lửa phòng không (THTLPK) SPYDER là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Qua đó, nhằm phát huy tối đa hiệu quả khai thác chiến đấu của tổ hợp, cũng như khép chặt thế trận phòng không để đánh bại các chiến dịch tập kích đường không của kẻ thù giả định.

Đối với nước ta, các sân bay quân sự hoặc sân bay lưỡng dụng nằm gần đầu mối các tuyến giao thông đường bộ quan trọng và các căn cứ hải quân liên hợp là nơi trú đóng và triển khai chiến đấu của các lực lượng phục vụ phòng thủ đất nước.

Đây là các mục tiêu có giá trị chiến lược về quân sự của đất nước và cũng là đối tượng bảo vệ đầu tiên của bộ đội phòng không quốc gia, trong đó nòng cốt là bộ đội tên lửa phòng không.

Định hướng lớn trong giai đoạn mới của QC PK-KQ là tổ chức tác chiến phòng không theo phương thức tác chiến mạng trung tâm, trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng cơ động tự hành cao, chuyển cấp chiến đấu nhanh và ngắm bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc.


Các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER tầm ngắn và tầm trung phối hợp với nhau tạo thành lưới lửa đan kín bầu trời.

Các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER tầm ngắn và tầm trung phối hợp với nhau tạo thành lưới lửa đan kín bầu trời.

Theo đó, với những đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt, THTLPK SPYDER thích hợp cho nhiệm vụ phòng không bảo vệ các mục tiêu có giá trị chiến lược về quân sự của đất nước trước các đòn tập kích đường không của kẻ thù giả định.

Chính vì vậy, THTLPK SPYDER cần được ưu tiên bố trí để bảo vệ các mục tiêu có giá trị chiến lược về quân sự của đất nước như sân bay kết hợp kinh tế với quốc phòng và các căn cứ hải quân trong giai đoạn ta mới tiếp nhận, huấn luyện và làm chủ tổ hợp tên lửa này.

Kinh nghiệm triển khai SPYDER ở một số quốc gia

Một số quốc gia như Gruzia, Ấn Độ, Singapo và Peru đã mua sắm và đưa vào trang bị các TLTLPK SPYDER, trong đó Gruzia có 2 SPYDER-SR, Ấn Độ có 18 SPYDER-MR, Singapo có 12 SPYDER-SR và Peru có 6 SPYDER-SR.

SPYDER-SR có khả năng triển khai các xe phóng cách xe chỉ huy 10 km và giữa các xe phóng cũng là 10 km.

Vì thế, mỗi THTLPK SPYDER-SR có khả năng phòng không cho một khu vực có diện tích 2.000 km vuông, tương ứng với vành đai phòng không có bán kính 25 km tính từ xe chỉ huy.

THTLPK SPYDER-SR tổ chức trực ban và chiến đấu theo phương thức tác chiến mạng trung tâm.


THTLPK tầm gần SPYDER-SR.

THTLPK tầm gần SPYDER-SR.

Theo đó, mệnh lệnh chỉ huy chiến đấu được truyền theo 2 kênh từ xe chỉ huy trực tiếp tới các xe phóng hoặc từ xe chỉ huy chuyển tiếp qua xe phóng trong trận địa mạng tới xe phóng khác trong cùng tổ hợp.

Hầu hết các nước kể trên đều trang bị THTLPK SPYDER-SR cho các đơn vị phòng không bảo vệ căn cứ không quân để chống bị tập kích sân bay căn cứ và bảo vệ cho máy bay chiến đấu cất hạ cánh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Tại Gruzia, THTLPK SPYDER-SR lần đầu tiên tham gia thực chiến ngay trong giai đoạn kiểm nghiệm thực địa và đã lập được thành tích bắn rơi 01 máy bay cường kích Su-24M của Không quân Nga vào ngày 09/08/2008 trong cuộc chiến tranh Gruzia-Nam Osetia.

THTLPK SPYDER-MR đảm bảo phòng không cho khu vực có diện tích 11.500 km vuông, tương ứng với vành đai phòng không có bán kính 60 km tính từ xe chỉ huy.

Tổ hợp này thích hợp cho nhiệm vụ phòng không các căn cứ liên hợp, bảo vệ mục tiêu kinh tế, chính trị trọng yếu và các đầu mối giao thông quan trọng.

Hiện nay, Không quân Ấn Độ trang bị THTLPK SPYDER-MR cho các đơn vị phòng không cơ động bảo vệ các địa bàn mục tiêu chiến lược chống tập kích đường không.


Xe bệ phóng tự hành của THTLPK tầm trung SPYDER-MR.

Xe bệ phóng tự hành của THTLPK tầm trung SPYDER-MR.

Những kinh nghiệm này có thể là một căn cứ tham khảo cho việc biên chế tên lửa SPYDER ở Việt Nam... Tất nhiên, việc bố trí vũ khí, trang bị mới ở đâu phải được xem xét rất cẩn trọng và khoa học dựa trên nhiều yếu tố.

Nhưng xét có thể thấy sự chuẩn bị bài bản, chu đáo, nhất là về mặt con người, chứng tỏ Quân chủng PK-KQ và Bộ Tổng Tham mưu đã có sự tính toán kỹ càng trước khi chọn mua các THTLPK SPYDER, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lực lượng PK-KQ trong giai đoạn mới.

*** Bài viết thể hiện nhận định riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại