Mỹ sắp công bố siêu máy bay ném bom tầm xa cực kỳ hiện đại

Trần Khánh |

Không quân Mỹ sắp công bố bên thắng thầu dự án siêu máy bay ném bom thế hệ mới thay thế cho các oanh tạc cơ cũ từ thời Chiến tranh Lạnh.

Theo AFP, dự án lắp ráp mang tên Máy bay ném bom tầm xa (LRSB) trị giá hàng tỷ USD của Mỹ là cuộc chạy đua quyết liệt giữa tập đoàn Northrop Grumman và liên doanh giữa hai tập đoàn Boeing và Lockheed Martin.

Siêu oanh tạc cơ trị giá nửa tỷ USD

Bên thắng thầu LRSB sẽ có trách nhiệm lắp ráp 80-100 máy bay ném bom chiến lược tầm xa thay thế các mẫu máy bay B-52 và B1 cũ.

Cho đến nay, mọi thông tin về dự án LRSB vẫn được giữ kín. Thông tin duy nhất được công bố là mỗi máy bay này có trị giá 550 triệu USD vào thời điểm năm 2010.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 do Tập đoàn Northrop Grumman chế tạo. Ảnh AFP 
Máy bay ném bom tàng hình B-2 do Tập đoàn Northrop Grumman chế tạo. Ảnh AFP 

Các chuyên gia quân sự cho rằng, mẫu máy bay ném bom mới sẽ khác rất nhiều so với những máy bay tiền nhiệm.

Thay vì chỉ vận chuyển bom thông thường hoặc bom hạt nhân, máy bay ném bom mới còn là một cỗ máy thu thập thông tin tình báo từ trên cao được trang bị rất nhiều thiết bị cảm biến và trinh sát.

Chuyên gia hàng không Richard Aboulafia cho biết, mẫu máy bay ném bom mới còn có thiết kế đặc biệt để tăng khả năng tàng hình và khiến các radar rất khó phát hiện ra.

Ngoài ra, mẫu máy bay này sẽ có khả năng “dấu” các tín hiệu điện tử của mình và được trang bị các máy gây nhiễu cực mạnh để ngăn chặn kẻ thù phát hiện.

Mẫu máy bay này sẽ không bay với tốc độ siêu thanh bởi điều này sẽ gây tốn kém nhiêu liệu cũng như giới hạn đáng kể tầm hoạt động của máy bay và khiến máy bay dễ bị phát hiện ra.

“Không gây quá nhiều tiếng ồn, không phát ra tín hiệu điện tử, bay cao nhất có thể và có các thiết bị gây nhiễu khiến đối thủ không thể phát hiện ra”, ông Aboulafia nói về dòng máy bay mới này.

Trước đó, Mỹ đã có mẫu máy bay ném bom tàng hình B-2, có khả năng biến mất hoàn toàn trước mọi loại radar và có thiết kế giống như một chiếc boomerang khổng lồ.

Tuy nhiên, Mỹ ít khi điều động máy bay B-2 ra nước ngoài vì muốn bảo vệ bí mật về loại máy bay này. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ sản xuất 20 chiếc B-2.

Tính năng hiện đại có là con dao hai lưỡi?

Không những kế thừa những đặc điểm nổi trội của B-2, Lầu Năm Góc còn muốn mẫu máy bay mới có khả năng bay không người lái và tiếp nhiên liệu trên không.

Tuy nhiên theo ông Aboulafia, việc điều khiển từ xa một máy bay ném bom chưa hẳn là ý tưởng hay bởi máy bay có thể trở thành mục tiêu bị các hacker xâm nhập. Khi đó, khả năng phải phá hủy hoàn toàn máy bay là rất cao.

Pháo đài bay B-52- từng một thời làm mưa làm gió trong Chiến tranh vùng Vịnh nay đã quá lỗi thời. Ảnh AFP 
Pháo đài bay B-52- từng một thời "làm mưa làm gió" trong Chiến tranh vùng Vịnh nay đã quá lỗi thời. Ảnh AFP 

“Việc sử dụng phi công là cách bảo đảm an toàn tốt nhất”, ông Aboulafia nói và cho biết, các phi công hoàn toàn có thể đưa máy bay bay khỏi nơi nguy hiểm nếu cần thiết.

Trong khi đó, khả năng bay cực cao là một ưu điểm của mẫu máy bay mới này bởi nó giúp máy bay bay vượt khỏi tầm bắn của rất nhiều máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không.

Nhiều nước như Nga và Trung Quốc hiện đang đầu tư rất mạnh vào hệ thống tên lửa phòng không và radar cực kỳ hiện đại để có thể đối đầu với loại máy bay này.

Chưa thể thay thế B-52 và B-1

Các chuyên gia cho rằng, dù đã đi trước thời đại khá nhiều nhưng mẫu máy bay này vẫn cần thêm vài ba năm thử nghiệm trước khi có thể được đưa vào sử dụng.

Dự kiến, việc thử nghiệm các mẫu máy bay ném bom hiện đại này sẽ chỉ được tiến hành vào giữa những năm 2020 và mẫu máy bay mới sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2030.

Điều đó có nghĩa rằng, Lầu Năm Góc sẽ phải tiếp tục sử dụng máy bay B-52 lỗi thời được phát triển từ hơn 60 năm trước.

Độ tuổi trung bình của các máy bay B-52 được Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh vùng Vịnh là 51 năm. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của máy bay B-1 là 29 năm.

Các máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer nằm chờ bảo dưỡng tại Căn cứ Không quân Davis-Monthan. Ảnh AFP 
Các máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer nằm chờ bảo dưỡng tại Căn cứ Không quân Davis-Monthan. Ảnh AFP 

Dù vậy, hai mẫu máy bay này sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến năm 2040. Mỹ hiện có 76 máy bay B-52 và 63 máy bay B-1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại