Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, trong nhiều thập kỷ, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ trở thành lực lượng thống trị trên khắp các đại dương thế giới.
Thậm chí, một thế lực hùng mạnh như Liên Xô cũng chưa từng tạo ra được thách thức thật sự đối với quyền làm chủ của Hải quân Mỹ trên các vùng biển.
Tuy nhiên gần đây, đang có một sự lo ngại ngày càng lớn rằng Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ làm được điều mà Liên Xô không thể.
Liệu Trung Quốc thực sự có khả năng đó? Bài viết của tác giả Dave Majumdar trên tạp chí The National Interest (Mỹ) đã đi tìm đáp án cho câu hỏi này.
Theo đó, Liên Xô trước đây chủ yếu theo đuổi chiến lược “phong tỏa biển” với sự kết hợp của 3 lực lượng: máy bay ném bom Backfire, tàu ngầm và các tàu tác chiến mặt nước trang bị tên lửa chống hạm tầm xa.
Ngày nay, Trung Quốc có vẻ cũng đang tập trung phát triển chiến lược chống tiếp cận với phương pháp tương tự.
Song, giống như quân đội Liên Xô vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc dường như đang có ý định phát triển một lực lượng hải quân viễn dương, có khả năng tạo ra thách thức với Hải quân Mỹ ở những vùng biển xa.
“Nhặt nhạnh” những gì Liên Xô để lại, Trung Quốc đã tân trang chiếc tàu cũ, mục nát Varyag – cùng lớp với tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga – thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Tàu sân bay Liêu Ninh
Tuy nhiên, Liêu Ninh mới chỉ là xuất phát điểm, PLAN có vẻ sẽ dùng chiếc tàu này làm phương tiện huấn luyện để phát triển những kỹ năng cần thiết cho việc vận hành lực lượng không quân trên hạm.
Đây là kỹ năng mà Hải quân Mỹ phải mất nhiều thập kỷ mới làm chủ được, sau rất nhiều thử nghiệm và sai sót.
Để xây dựng lực lượng tiêm kích hạm, Trung Quốc đã lợi dụng nguyên mẫu Su-33 của Liên Xô – phiên bản trên hạm của mẫu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Flanker.
Chiếc máy bay này đã góp phần giúp Trung Quốc cho ra đời tiêm kích hạm J-15.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang phát triển một loạt các máy bay hỗ trợ, chúng sẽ có mặt trong lực lượng không quân trên hạm của PLAN trong tương lai.
Hiện tại, thành phần của lực lượng này bao gồm 24 tiêm kích J-15, 6 trực thăng chống ngầm Z-18F, 4 trực thăng cảnh báo sớm Z-18J và 1 cặp trực thăng cứu hộ Z-9C.
Có thể thách thức Hải quân Mỹ?
Trong bản báo cáo năm 2015 về sức mạnh quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết với thành phần hiện tại, Liêu Ninh và lực lượng không quân trên tàu chưa đủ khả năng triển khai tới các vùng biển xa, kể cả khi chúng đã đạt được khả năng hoạt động đầy đủ.
Con tàu này quá bé, chỉ phù hợp nhất với vai trò cung cấp năng lực phòng không và tăng cường lực lượng không quân yểm hộ cho một hạm đội hoạt động xa bờ.
“Liêu Ninh sẽ không đủ khả năng triển khai lực lượng tầm xa như các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ” – Bản báo cáo viết.
Vấn đề là, ngay cả khi J-15 có những vượt trội về hiệu suất khí động học so với các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ thì thiết kế boong phóng kiểu nhảy cầu của Nga vẫn khiến các máy bay Flanker bị giới hạn về mức tải trọng và nhiên liệu mang theo khi cất cánh.
“Kích cỡ khiêm tốn của Liêu Ninh làm hạn chế số máy bay trang bị trên tàu, còn thiết kế boong phóng kiểu nhảy cầu hạn chế mức tải trọng và nhiên liệu mà các máy bay có thể mang theo” – Bản báo cáo nhận định.
Đó không chỉ là đánh giá của riêng Lầu Năm Góc, Trung Quốc cũng nhận thức được vấn đề này.
Boong phóng trên tàu sân bay Liêu Ninh làm hạn chế mức tải trọng mà máy bay có thể mang theo.
Trung Quốc có kế hoạch đóng hoặc đã xúc tiến đóng thêm tàu sân bay tiếp sau Liêu Ninh. Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc sẽ đóng tới và chiếc và chúng sẽ được thiết kế tối ưu để có thể tận dụng hết khả năng của J-15.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải mất một khoảng thời gian tương đối lớn để thực hiện điều này.
Nhà máy đóng tàu Newport News đã có rất nhiều năm kinh nghiệm đóng tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford.
Trong khi đó, Trung Quốc lại không có kinh nghiệm nào trong lĩnh vực chế tạo tàu sân bay hay các loại tàu có kích cỡ tương đương, thậm chí là một con tàu cỡ trung như Liêu Ninh.
Ngay cả nếu Trung Quốc hoàn thiện được các tàu sân bay có thể tối ưu khả năng của các máy bay trên tàu, vẫn còn vấn đề mà nước này phải cân nhắc.
Mặc dù Super Hornet không phải là loại tiêm kích nhanh nhất hay cơ động nhất trên bầu trời nhưng nó có những cảm biến và hệ thống hàng không tuyệt vời.
Với sự hỗ trợ của máy bay tác chiến điện tử EA-18G, tiêm kích Super Hornet trên tàu sân bay Mỹ có thể phóng tên lửa tầm xa tiêu diệt tàu khu trục Type 052D Trung Quốc.
Quan trọng hơn là, các máy bay Super Hornet của Hải quân Mỹ không chiến đấu một mình.
Lực lượng không quân trên tàu sân bay Mỹ sẽ hiệp đồng tác chiến, nhất là khi Hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp và giành ưu thế trên không (NIFC-CA) được Hải quân Mỹ đưa vào vận hành.
Với NIFC-CA, các tiêm kích Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay cảnh báo sớm E-2D, các tàu khu trục Aegis, tàu tuần dương và những thành phần khác trong nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ hoạt động theo một đội hình liền mạch, phối hợp.
Tức là tàu tuần dương Aegis có thể phóng tên lửa Standard SM-6 vào mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn của tàu, nhờ sử dụng dữ liệu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D.
Hoặc một ví dụ khác là tiêm kích Supert Hornet có thể phóng tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) vào tàu khu trục Type 052D (Trung Quốc), với sự hỗ trợ của máy bay tác chiến điện tử EA-18G.
Tóm lại, Trung Quốc có thể phát triển một tàu sân bay mới, phát triển lực lượng không quân trên hạm hay thậm chí là một nhóm tác chiến tàu sân bay. Tuy nhiên, vũ khí chưa phải là nhân tố quyết định.
PLAN sẽ còn phải mất nhiều thời gian mới đạt đến cấp độ năng lực đủ để đối đầu với Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Liệu họ có làm được điều này không? Có thể, nhưng sẽ mất tời hàng thập kỷ.
**Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Dave Majumdar.