Mỹ nên đối phó với kho tên lửa Trung Quốc như thế nào?

Nhật Huy |

Chuyên gia Evan Braden Montgomery cho rằng Washington nên cân nhắc chỉnh sửa hiệp ước INF để cho phép triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á.

Tạp chí National Interest (Mỹ) đăng bài viết của chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Đánh giá Ngân sách và Chiến lược Mỹ Evan Braden Montgomery cho hay:

Hiệp ước loại trừ tên lửa tầm trung (INF) mà Mỹ ký với Liên Xô vào 1987 ngăn cấm 2 nước triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung phóng từ trên bộ, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, mang đầu đạn hạt nhân hay thông thường. Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ ngoại giao Mỹ chính thức xác nhận việc Nga đã vi phạm hiệp ước này bằng việc thử nghiệm một loại tên lửa hành trình mới, mặc dù điều này đã được báo giới đề cập nhiều lần trước đó.

Sự xác nhận này tất yếu dẫn đến nhiều ý kiến về việc Mỹ nên phản ứng như thế nào. Một trong số đó kêu gọi Mỹ xem xét sửa đổi INF để đối phó với nguy cơ ngày càng tăng từ công nghệ tên lửa Trung Quốc. Qua đó mở đường cho việc triển khai tên lửa tầm trung tại Châu Á, đồng thời vẫn tiếp tục không triển khai chúng tại Châu Âu.

Hình ảnh được cho là của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C. Ảnh: Asian Defense

Hình ảnh được cho là của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C Trung Quốc

Trung Quốc không chịu sự giới hạn của INF, do đó có thể xây dựng một kho tên lửa tầm trung với số lượng lớn, có thể đe dọa các căn cứ chính và căn cứ tiền phương của Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Nếu Mỹ cũng phát triển loại vũ khí tương tự thì họ sẽ tăng khả năng răn đe và xử lý khủng hoảng trong khu vực. Và cũng giống như Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, nếu Trung Quốc bị buộc phải chạy đua vũ trang, họ nhiều khả năng sẽ phải ngồi vào bàn thương lượng và tham gia các hiệp ước cắt giảm quân bị tương tự như INF.

Cũng có ý kiến khác phản đối việc Mỹ chỉnh sửa INF và triển khai tên lửa tầm trung tại Châu Á. Nếu được triển khai tại chuỗi đảo thứ nhất, những giàn phóng tên lửa này có thể dễ dàng bị phá hủy trong trường hợp Trung Quốc tấn công trước. Do đó thay vì là vũ khí răn đe, chúng lại khuyến khích việc tấn công phủ đầu.

Tuy nhiên trừ khi đang trong quá trình chuẩn bị phóng, tên lửa có thể được cất giữ trong những hầm chứa kiên cố. Ngoài ra, các giàn phóng cơ động cũng giúp tăng khả năng tồn tại sau đòn tấn công của đối phương, đặc biệt nếu chúng được triển khai ở những hòn đảo có diện tích lớn như Kyushu (Nhật) và Luzon (Philippines). Những giàn phóng này chỉ cần vài phút để di chuyển sau khi đã phóng tên lửa. Nhật Bản trong một số cuộc tập trận gần đây đã bắt đầu triển khai các giàn phóng tên lửa diệt hạm di động trên các đảo nhỏ ở khu vực tây nam của nước này. Những giàn phóng di động này được xem là phương tiện tối ưu cho tác chiến chống tiếp cận của Nhật đối với Trung Quốc vì khả năng di chuyển ngay sau khi khai hỏa.

Tên lửa tầm trung tất nhiên không phải là giải pháp duy nhất để kiềm chế Trung Quốc, nhưng chúng có thể gây xáo trộn cho các kế hoạch chiến tranh hiện có của nước này. Để phá hủy những hầm chứa tên lửa kiên cố, Trung Quốc sẽ cần sử dụng tên lửa trang bị đầu đạn xuyên, thay vì đầu đạn chứa bom chùm có thể gây thiệt hại trên diện rộng. Mỗi tên lửa chỉ có thể được trang bị 1 đầu đạn xuyên, do đó Trung Quốc sẽ sử dụng hết cơ số tên lửa của mình nhanh hơn.

Bên cạnh đó, truy tìm và tiêu diệt các giàn phóng di động là 1 nhiệm vụ rất khó khăn, chính quân đội Mỹ từng trải qua điều này khi săn tìm các giàn phóng Scud của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh. Nó yêu cầu một số lượng lớn các phương tiện trinh sát, thám sát, phương tiện tấn công và các loại vũ khí chính xác được triển khai thường trực, cùng với đó là hệ thống thông tin, chỉ huy luôn trong tình trạng sẵn sàng để nhanh chóng xử lý thông tin trinh sát và ra mệnh lệnh tấn công. Những yêu cầu này đòi hỏi một nguồn lực lớn mà Trung Quốc không thể dùng cho những nhiệm vụ khác.

Four crew members of the SSBN / SSGN Ohio Class submarine with a good view

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio

Tất nhiên hiện nay Mỹ vẫn có những phương án thay thế cho tên lửa tầm trung, nhưng chúng có những hạn chế riêng. Tàu ngầm rất hiệu quả trong môi trường có sự hiện diện dày đặc của đối phương do chúng rất khó bị phát hiện. Nhưng số lượng vũ khí mà tàu ngầm có thể mang theo khá hạn chế. Khuyết điểm này càng dễ bộc lộ khi tàu ngầm ngày càng phải thực hiện nhiều loại nhiệm vụ hơn.

Máy bay ném bom B-2 và B-52

Máy bay ném bom B-2 và B-52

Máy bay ném bom tầm xa có lợi thế là có thể xuất phát từ những căn cứ nằm ngoài tầm tác chiến của máy bay và tên lửa Trung Quốc nhưng số lượng máy bay ném bom là có hạn, đặc biệt là những loại có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không như B-2 hay B-1. Chúng cũng phụ thuộc vào những phương tiện hỗ trợ như máy bay tiếp nhiên liệu trên không và máy bay chế áp điện tử. Ngoài ra, Trung Quốc biết rõ việc Mỹ sở hữu tàu ngầm và máy bay ném bom từ lâu, và chắc chắn đã xây dựng các phương án đối phó.

Tên lửa tầm trung, nếu được triển khai, sẽ không phải là loại vũ khí tác chiến độc lập mà bổ sung cho các phương án tấn công bằng tàu ngầm và máy bay ném bom. Ngoài ra, nó cũng phù hợp với tác chiến đa quân chủng, vì tàu ngầm thuộc về hải quân, máy bay ném bom thuộc về không quân, và tên lửa tầm trung phóng từ trên bộ do lục quân đảm nhiệm.

Việc Nga vi phạm INF một mặt đặt ra câu hỏi về tính bền vững của các hiệp ước kiểm soát và giải trừ quân bị, nhưng mặt khác tạo ra cơ hội để Mỹ tái trang bị những loại vũ khí mà họ có thể cần trong những cuộc xung đột trong tương lai tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại