1. Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41
Bệ phóng di động tên lửa DF-41 - Ảnh: The Washington Free Beacon
Dongfeng-41 (DF-41) là loại tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và di động, có khả năng mang nhiều đầu đạn nhắm vào các mục tiêu khác nhau. Tên lửa DF-41 có đường kính 2.25 m, dài 21 m, nặng khoảng 80 tấn và có khả năng mang được 10 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 250 kiloton. Tên lửa có tầm bắn lên tới 15.000 km và với tốc độ Mach 25.
2. Bom Neutron (Bom N)
Bom Neutron hay bom N là loại vũ khí dùng tia neutron được thiết kế chuyên chỉ để giết người và giảm tối thiểu sức tàn phá cơ sở vật chất so với các đầu đạn hạt nhân thông thường. Năm 1999, Trung Quốc công bố rằng, họ đã nắm trong tay công nghệ để chế tạo một quả bom N. Hiện nay, trên thế giới, chỉ có ba nước sở hữu loại vũ khí hủy diệt đáng sợ này đó là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
3. Hệ thống tên lửa chống tăng HJ-9
Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển HJ-9 (Red Arrow-9) được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép (kể cả xe tăng trang bị giáp phản ứng nổ ERA) trong điều kiện ban ngày và ban đêm, mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống HJ-9 được trang bị 4 đạn tên lửa trên bệ sẵn sàng bắn với 8 đạn dự trữ. Tên lửa có tầm bắn lên tới 5.000m.
4. Hệ thống pháo phản lực phóng loạt WS-2D
WS-2D là một biến thể của hệ thống rocket phóng loạt WS-2. WS-2D được trang bị 4 tên lửa có đường kính 425mm, mang các đầu đạn khác nhau (tầm bắn 450km). Tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh Beidou. Hệ thống tên lửa này còn có khả năng phóng mini-UAV để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất (UAV tự sát).
5. Hệ thống pháo phản lực phóng loạt WS-3
WS-3 là một biến thể hiện đại hóa sâu của hệ thống rocket phóng loạt WS-2. WS-3 được trang bị 2 ống phóng tên lửa mang tên lửa đường kính 400mm với các đầu đạn khác nhau. Tên lửa cũng được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu. Xét về tầm bắn, hệ thống WS-2 và WS-3 đạt tầm xa giống nhau, vào khoảng 70–200 km, tuy nhiên, WS-3 được nâng cao rất nhiều về độ chính xác.
6. Hệ thống tên lửa chiến thuật SY-400
SY-400 là một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn được biết tới năm 2008. Hệ thống tên lửa này được cho là có sử dụng công nghệ của Raytheon RGM-165 hoặc SM-4. SY-400 được trang bị 4 ống phóng tên lửa với các tên lửa nhiên liệu rắn. Các tên lửa được phóng thẳng đứng và được trang bị hệ thống dẫn hướng GPS/INS. Một số nguồn tin cho rằng SY-400 có tầm bắn 400km nhưng theo trang Missile threat (Viện nghiên cứu George C.Marshall và Claremont - Mỹ), SY-400 có tầm bắn 150-200km.
7. Xe bọc thép chở quân ZBL-09
ZBL-09 là một xe bọc thép chở quân bánh hơi 8x8 được Trung Quốc "trình làng" lần đầu tiên trong năm 2009. Xe có trọng lượng 16 tấn, kíp lái 3 người và có thể chở theo 7 lính. ZBL-09 trang bị động cơ công suất 330 mã lực cho phép nó có thể đạt tốc độ tối đa 100 km/h và tầm hoạt động 800km.
8. Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99A2
Type 99A2 được Trung Quốc phát triển dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99. Một số xe tăng Type 99A2 bắt đầu được dùng thử nghiệm trong Quân đội Trung Quốc từ năm 2009. Xe tăng có trọng lượng 30 tấn, trang bị pháo cỡ nòng 140mm bắn được nhiều loại đạn trong đó có đạn tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser. Vũ khí phụ trên Type 99A2 sẽ gồm đại liên phòng không QJG02 cỡ 14.5mm và súng máy 7.62mm. Type 99A2 có thể đạt tốc độ 80km/h trên đường quốc lộ và 60km/h trên đường có chướng ngại vật.
9. Trực thăng tấn công WZ-10
Trực thăng WZ-10 của Trung Quốc thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/2003 sau nhiều lần trì hoãn do khó khăn trong việc thiết kế động cơ. Trực thăng có khả năng mang tới 1.500 kg vũ khí, trong đó có 8 tên lửa không đối đất, tên lửa chống tăng và một súng máy 23mm được gắn ở mũi trực thăng. Trung Quốc tin rằng WZ-10 là một trong ba loại trực thăng tấn công tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
10. Tên lửa TY-90
TY-90 là một tên lửa không đối không được phát triển để trang bị cho các trực thăng tấn công. Tên lửa có chiều dài 1.9m, đường kính 90mm, trọng lượng 20 kg và tầm bắn hiệu quả 6km. Tên lửa TY-90 có khả năng tiêu diệt máy bay trực thăng như AH-64, Mi-28, Ka-50, Ka-52, Tiger, A129 và các loại trực thăng khác.
Việc Trung Quốc đầu tư một khoản tiền khổng lồ cho việc phát triển và mua sắm vũ khí mới, đồng thời thường xuyên sử dụng các phương tiện truyền thông để rêu rao về tính năng, sức mạnh của các vũ khí này cho thấy Bắc Kinh rõ ràng muốn phô trương sức mạnh cơ bắp, chạy đua vũ trang, gây bất ổn trong khu vực và trên thế giới.