Mi-24 trở thành biểu tượng của Quân đội Liên Xô như thế nào? (P2)

Quang Minh |

(Soha.vn) - “Chúng tôi không sợ người Xô Viết mà chỉ sợ những chiếc trực thăng của họ”, một chỉ huy Taliban nói về Mi-24 - biểu tượng sự hủy diệt với biệt danh “Cỗ xe của Satan".

Mi-24 trở thành biểu tượng của Quân đội Liên Xô như thế nào? (P1)

Tung hoành trên nhiều chiến trường

Trực thăng vũ trang Mi-24 có lịch sử chinh chiến phải nói là dày dạn nhất nhì trong hệ thống vũ khí Liên Xô. Đó là cuộc chiến Ogaden (1977 - 1978) trong thành phần lực lượng Ethiopia chống lại quân Somali, tiếp đó là cuộc chiến 10 năm của Liên Xô tại Afghanistan (1979 - 1989), ở đó Mi-24 cùng với cường kích Su-25 đã làm nên cặp đôi “song sát” cực kỳ lợi hại.

Mi-24 cần mẫn len lỏi trên những vùng núi trùng điệp của Afghanistan để hộ tống các đoàn xe Liên Xô hay yểm trợ cho các cao điểm bị quân Taliban đe dọa, chiếc “xe tăng bay” với kho vũ khí đa dạng gồm súng máy, pháo hàng không, rocket, bom, tên lửa này thực sự là vị cứu tinh của binh lính trên bộ và ác mộng với quân thù, lớp giáp dày của Mi-24 khiến hỏa lực AK, 12,7 mm hay thậm chí 23 mm của đối phương trở nên bất lực, một chỉ huy Taliban đã phải nói rằng: “Chúng tôi không sợ người Xô Viết, chúng tôi chỉ sợ những chiếc trực thăng của họ”.

Mi-24 như “lá bùa hộ mệnh” của binh sĩ Liên Xô/Nga trên mọi chiến trường

Mi-24 chỉ thực sự gặp đối thủ khi Mỹ cung cấp cho Taliban tên lửa phòng không vác vai hiện đại FIM-92 Stinger có khả năng bám theo nguồn nhiệt từ động cơ máy bay. Mặc dù vậy, Mi-24 vẫn tiếp tục tung hoành trên chiến trường và gây cho Taliban nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến mức sự sợ hãi pha lẫn kính nể sức mạnh của loại trực thăng này khiến Taliban phải đặt cho nó biệt danh “Cỗ xe của Satan”.

Sự góp mặt tiếp theo của Mi-24 là trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988), với phiên bản xuất khẩu Mi-25 phục vụ trong quân đội Iraq. Tại cuộc chiến đẫm máu này Mi-25 đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, mặc dù phiên bản xuất khẩu cho Iraq không có những loại vũ khí và hệ thống điện tử mới nhất. Ngoài thành tích yểm trợ mặt đất, Mi-25 Iraq đã bắn hạ 1 chiếc trực thăng UH-1 và 1 chiến đấu cơ F-4 “Con Ma” của Iran. Tuy vậy, Mi-25 cũng “dính” vào một sự việc đen tối khi được Iraq sử dụng trong cuộc tấn công hóa học vào người Kurd ở miền Bắc nước này.

Mi-25 của không quân Iraq

Sau đó là vô số những cuộc chiến từ chiến tranh Vùng Vịnh 1991, cuộc chiến Chechnya, Kosovo, Croatia, Afghanistan 2001, Iraq 2003. Ba Lan đã sử dụng Mi-24 để yểm trợ quân đội nước này tại Afghanistan, Nga và Gruzia đều sử dụng Mi-24 trong cuộc chiến năm 2008, hay như tại Iraq lúc này Mi-35 đang đóng vai trò tối quan trọng trong việc tiêu diệt phiến quân IS.

Phong phú trong các thiết kế

Mi-24 có quá trình phát triển rất đa dạng với nhiều phiên bản được chế tạo, về cơ bản thì có thể chia thành 5 nhóm chính gồm: Hind-A, Hind-B, Hind-C, Hind-D và Hind-F. Loại Hind-B không có vũ khí ở mũi và gắn radar R-860 UHF trên lưng. Hind-A có 1 khẩu súng máy 12,7 mm ở đầu, buồng lái vuông vức (phiên bản này Việt Nam từng sử dụng). Bản Hind-C lại không có vũ khí ở mũi và có hệ thống thả mồi nhiễu ở phía đuôi. Hind-D là bản thường thấy nhất với súng máy nòng xoay Yak-B 12,7 mm ở mũi còn Hind-F lại gắn pháo 30 mm nòng kép ở bên hông.

Mi-24VP với pháo 23 mm nòng kép

“V-24” được dùng để ký hiệu mẫu thử nghiệm đầu tiên sử dụng 2 động cơ TV2-117A công suất 1.700 mã lực mỗi chiếc của trực thăng Mi-8, mẫu thử V-24 không có súng máy ở mũi và hệ thống phóng tên lửa.

Phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên của Mi-24 được biết tới với tên gọi Hind-A, còn Mi-24 Hind-B là phiên bản sử dụng để kiểm tra hoạt động các thành phần mới. Mi-24BMT là biến thể với hệ thống quét mìn.

Mi-24D Hind-D xuất hiện năm 1973 có thiết kế khác so với dòng Mi-24 Hind-A ở buồng lái tách biệt hẳn 2 phi công, dạng tròn chứ không vuông vức. Bản này tăng cường khả năng tấn công cao hơn khá nhiều hơn so với bản cũ.

Mi-24V với súng máy 4 nòng Yak-B 12,7 mm

Mi-24PTRK là bản chỉnh sửa nhẹ để đánh giá việc trang bị tên lửa chống tăng điều khiển bằng sóng radio “Shturm-V” (AT-6 Spiral) sẽ được sử dụng nhiều ở Mi-24V, còn Mi-24DU là biến thể huấn luyện của Mi-24D.

Mi-24V là phiên bản được sản xuất với số lượng nhiều nhất, khoảng 1.500 chiếc, trang bị 8 tên lửa Shturm-V. Mi-24VM là mẫu nâng cấp của Mi-24V được trang bị hệ thống điện tử, vũ khí, thông tin liên lạc mới và có khả năng tác chiến ban đêm.

Mi-24P Hind-F là mẫu trang bị pháo GSh-30K 30 mm nòng kép gắn cố định bên phải đầu máy bay, Mi-24PM tiêu chuẩn như Mi-24VM nhưng dựa trên nền Mi-24P. Tương tự, mẫu Mi-24PN là phiên bản đánh đêm với hệ thống FLIR, cánh quạt kiểu Mi-28, loại này đang phục vụ trong không quân Nga.

Mi-24VP năm 1989 trang bị pháo nòng kép 23 mm, chỉ có 25 chiếc loại này được sản xuất. Mi-24VU là mẫu sản xuất cho Ấn Độ dựa trên Mi-24V, còn Mi-24VF là bản thử nghiệm gắn súng máy ở đuôi.

Mi-24P với pháo GSh-30K 30 mm

Mi-24RKhR là biến thể được sửa đổi để làm nhiệm vụ phòng chống NBC (vũ khí hủy diệt lớn) khi xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, ngoài ra chúng có tên gọi khác như Mi-24R, Mi-24RK, Mi-24RKh. Mi-24RR là mẫu phát triển từ Mi-24R làm nhiệm vụ phát hiện nguy cơ phóng xạ, thu thập mẫu thử nghiệm.

Mi-24RA là mẫu nâng cấp từ Mi-24V, còn Mi-24K là phiên bản “hạng nhẹ” làm nhiệm vụ trinh sát chiến trường hay chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh.

Mi-24M là bản nâng cấp từ Mi-24 nguyên thủy, Mi-24VN dựa trên nền Mi-24V với những thay đổi từ Mi-24VM nhưng thêm khả năng đánh đêm. Mi-24PS dùng riêng cho lực lượng an ninh, cảnh sát.

Mi-25 là phiên bản xuất khẩu của Mi-24D, tương tự Mi-35 là bản xuất khẩu của Mi-24, Mi-35M/M1 là bản xuất khẩu với khả năng đánh đêm, Venezuela mua Mi-35M2 là bản hiện đại hóa của Mi-35M1 còn Mi-35M3 chính là Mi-24VM xuất khẩu.

Mi-35M2 của Venezuela với pháo 23 mm, tên lửa AT-9 Ataka và rocket

Mexico mua Mi-35O dựa trên Mi-24VN, tích hợp hệ thống FLIR mới, buồng lái có các màn hình kỹ thuật số và hệ thống điện tử hiện đại. Mi-35P là bản xuất khẩu của Mi-24P, Mi-35U không gì khác hơn là phiên bản huấn luyện của Mi-35.

Nam Phi cũng có gói nâng cấp Mi-24 với các thiết bị phương Tây được gọi là “Super Hind”, hay Israel có gói nâng cấp Mi-24HMOSP. Điều này thể hiện sức hút vẫn rất lớn của Mi-24 trên thị trường vũ khí quốc tế.

Mi-24 “Super Hind” của Nam Phi

Sức mạnh của trực thăng tấn công Mi-24

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại