Mi-24 trở thành biểu tượng của Quân đội Liên Xô như thế nào? (P1)

Quang Minh |

(Soha.vn) - Trực thăng tấn công Mi-24 là một biểu tượng sức mạnh của Quân đội Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh và vẫn còn chỗ đứng trong thời đại ngày nay.

Sự lên ngôi của thời đại trực thăng

Mil Mi-24 Hind của Liên Xô là loại trực thăng tấn công nổi tiếng nhất thế giới trong phân khúc của mình, hỏa lực mạnh cùng lớp giáp giày giúp Mi-24 tung hoành trên bầu trời suốt hơn 40 năm qua, uy danh của nó phủ bóng lên lãnh địa trực thăng tấn công bất chấp sự xuất hiện của những đàn em Mi-28, Ka-52 hay AH-64 sau này. Vậy sự ra đời của Mi-24 diễn ra như thế nào? Chúng ta hãy quay trở lại hơn 45 năm trước, khi một cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra tại Việt Nam.

Trên chiến trường Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng rộng rãi nhiều loại trực thăng trong đó có Bell UH-1 cho các nhiệm vụ đa dạng, nhưng chính yếu là vận chuyển binh lính và yểm trợ hỏa lực mặt đất. Mặc dù có rất nhiều máy bay bị Quân đội Nhân dân Việt Nam bắn hạ, nhưng năng lực của trực thăng trên chiến trường ngày càng được khẳng định. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến ý chí của Quân đội Liên Xô về một loại trực thăng mới cho riêng họ để cuối cùng ra đời mẫu trực thăng có thể nói là một trong những biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Rocket và súng máy trên UH-1 Gunship trong chiến tranh Việt Nam

Lúc mới bắt đầu giai đoạn thiết kế Mi-24, Liên Xô đã tham khảo hoạt động của trực thăng Mỹ tại Việt Nam, và có lẽ họ ấn tượng với chiếc UH-1 Gunship, một phiên bản UH-1 chở quân nhưng có trang bị rocket, súng máy, súng phóng lựu để yểm trợ hỏa lực mặt đất. Lúc đầu Liên Xô dự tính vũ trang cho trực thăng Mi-4 sẵn có trong kho nhưng họ sớm nhận ra cách làm này chỉ mang tính tạm thời chứ không phải là một sự lựa chọn hoàn hảo.

 

Mi-4 với các “bọc” rocket

Sự ra đời của một huyền thoại

Cục thiết kế Mil, đứng đầu là Mikhail Mil nhận nhiệm vụ thiết kế một loại trực thăng vũ trang mới với các tiêu chuẩn như hai động cơ, hỏa lực mạnh nhưng giáp cũng phải dày để có thể áp đảo mặt đất và khả năng sống sót cao trên chiến trường, yêu cầu chính thức được đưa ra ngày 6/5/1968. Đến tháng 2/1969, thiết kế của Mil (sau này là Mi-24) được chấp thuận.

Quá trình phát triển Mi-24 cũng thu thập những kinh nghiệm có được từ dòng trực thăng huyền thoại Mi-8 ra đời trước, đó là động cơ cũng như chỉnh sửa một chút ở cánh quạt chính gắn với khoang lái hai người ngồi kiểu trước - sau, nối tiếp là cabin chở lính. Thân Mi-24 là thiết kế hoàn toàn mới trong đó thuôn gọn dần về phía đầu khiến đối phương phải đối mặt một mục tiêu nhỏ nhất có thể khi gặp Mi-24 ở hướng trực diện.

Mi-24 Hind-A đời đầu với buồng lái “vuông vức” dễ nhận biết

Chuyến bay đầu tiên của Mi-24 diễn ra ngày 19/1/1969, quá trình thử nghiệm đã rút ra nhiều kinh nghiệm cũng như tích hợp thêm nhiều thành phần mới như chỉnh hướng cánh quạt chính, lắp thêm cánh mang vũ khí đặc biệt chỉ có ở Mi-24. Đến năm 1972, thiết kế hoàn thiện được chấp nhận đưa vào sản xuất và biên chế trong Quân đội Liên Xô, bắt đầu con đường trở thành cỗ máy chiến tranh đáng nhớ nhất và dễ nhận ra nhất của Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năng lực chiến đấu đáng kính nể của Mi-24 trở thành mối lo âu không hề nhỏ cho các nhà hoạch định chiến lược của khối NATO.

Phiên bản Mi-24A đầu tiên được sản xuất với số lượng ít nhất 200 chiếc trong 5 năm. Nhưng những ai quan tâm dòng Mi-24 hẳn sẽ để ý một sự thay đổi, không phải quá nhiều nhưng cũng thể hiện sự khác biệt khá rõ rệt khi nhìn vào một chiếc Mi-24 đó là khoang lái. Sau một thời gian hoạt động thực tế, khoang lái của Mi-24 đã được thiết kế lại thành hai phần riêng biệt, được bo tròn chứ không vuông vức như Mi-24A cũ, ưu điểm của thiết kế này là tăng khả năng quan sát đồng thời giúp chống hỏa lực từ mặt đất tốt hơn.

Mi-24 Hind-A của Việt Nam thời kỳ còn hoạt động

Thêm nữa, năng lực chở quân cũng bị giảm xuống để tăng cường sức mạnh tấn công, tùy chọn bom đạn mang theo được ưu tiên hơn so với việc chở quân tới chiến trường. Khoang chở lính về sau đảm trách chức năng mang đạn tên lửa chống tăng AT-2 Swatter, những thay đổi này bắt đầu từ dòng Hind-D nổi tiếng, giúp tăng sức mạnh của Mi-24 lên một tầm vóc mới, và hình ảnh “xe tăng bay” Mi-24 quen thuộc cũng chính là những chiếc Mi-24 từ phiên bản Hind-D trở đi.

Mi-24 sử dụng 2 động cơ Isotov TV3-117 công suất 2.200 mã lực mỗi chiếc giúp cho cỗ máy chiến tranh hủy diệt nặng 12 tấn này có thể đạt tốc độ tối đa 335 km/h, tầm hoạt động 450 km, trần bay 4.500 m. Đó là khả năng cơ động của Mi-24, nhưng chính hỏa lực mới là linh hồn và trái tim của dòng máy bay này. Hỏa lực ở mũi máy bay lúc đầu là ụ súng máy 4 nòng Yakushev-Borzov Yak-B cỡ 12,7 mm, nhưng thực chiến cho thấy súng máy 12,7 mm là không đủ mạnh mẽ, nên về sau nhà sản xuất thay súng 12,7 mm bằng pháo GSh-23L nòng kép cỡ 23 mm trên ụ xoay, hoặc cũng có thể sử dụng pháo GSh-30K nòng kép cỡ 30 mm nhưng đặt cố định bên mép phải máy bay.

Mi-24A của Việt Nam đã nghỉ hưu và được trưng bày trong khuôn viên bảo tàng Phòng không - Không quân

Ngoài ra, ở cửa khoang lính cũng có thể gắn súng máy cỡ 7,62 mm, tuy nhiên hỏa lực chính của Mi-24 lại nằm ở 2 bên cánh với 6 mấu cứng gắn vũ khí. Tùy vào các phiên bản, vũ khí tích hợp lên cánh Mi-24 sẽ có sự khác biệt, chủ yếu nằm ở sự hiện đại còn lại cấu hình mang vũ khí trên cánh của Mi-24 luôn là rocket nhiều cỡ, pod gắn súng máy hoặc pháo, tên lửa chống tăng có điều khiển, tên lửa đối không và bom.

(Kỳ sau: Tung hoành trên chiến trường)

Sức mạnh của trực thăng tấn công Mi-24

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại