Ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Hải quân Liên Xô cũng không phải gánh vác nhiều tham vọng như của Trung Quốc hiện nay. Nếu không tính đến lực lượng tàu ngầm chiến lược mang tên lửa liên lục địa thì Hải quân Liên Xô chỉ có một vai trò chiến lược rất cụ thể, đó là phòng thủ trong trường hợp nổ ra chiến tranh ở Châu Âu giữa NATO và khối Warsaw.
Cụ thể, lực lượng này cần ngăn chặn sự tăng viện bằng đường biển từ Mỹ vào Châu Âu, ngăn cản Mỹ và đồng minh sử dụng các phương tiện hải quân, đặc biệt là tàu sân bay, làm bàn đạp để tấn công các mục tiêu trên bộ của Liên Xô và đồng minh. Khác với Mỹ, Liên Xô không có ý định xây dựng một lực lượng hải quân để hỗ trợ các chiến dịch viễn chinh nên họ không ưu tiên việc phát triển các đội tàu sân bay, mà tập trung vào tàu ngầm tấn công hạt nhân và tên lửa diệt hạm tầm xa.
Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận
Ngược lại, Hải quân Trung Quốc lại phải loay hoay với nhiều nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Một mặt, Trung Quốc muốn có một lực lượng hải quân viễn chinh, mang tính tấn công, để phục vụ cho các tham vọng bành trướng, không chỉ ở Biển Đông, biển Hoa Đông, mà còn đến tận Ấn Độ Dương. Đóng vai trò trung tâm trong tham vọng này tất nhiên là các đội tàu sân bay và tàu hỗ trợ đổ bộ.
Nhưng mặt khác, Hải quân Trung Quốc vẫn phải đóng vai trò phòng thủ, tương tự Hải quân Liên Xô trước kia trước Hải quân Mỹ, nếu nước này muốn tranh giành ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Quá nhiều tham vọng trong khi nguồn lực và kinh nghiệm có hạn khiến hải quân Trung Quốc phải đối mặt với những sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cơ cấu lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ.
Sự mất cân bằng nghiêm trọng đầu tiên là lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trên lý thuyết, Trung Quốc đã phát triển 3 thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân là Type 091, 093, 095. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay vai trò của lực lượng này gần như bằng không.
Type 091, tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, đã lạc hậu ngay từ thời điểm ra đời. Độ ồn lớn khiến nó rất dễ bị phát hiện, ngoài ra, lò phản ứng không được che chắn kỹ, gây ra mức phóng xạ bên trong tàu cao hơn mức an toàn cho thủy thủ đoàn.
Type 093 ra đời sau nên có nhiều cải tiến hơn, nhưng nhìn chung vẫn lạc hậu so với các tàu ngầm tấn công hiện đại, đặc biệt là về tiếng ồn. Còn Type 095 vẫn đang trong quá trình phát triển.
Không chỉ yếu về chất lượng, lực lượng này còn thiếu về số lượng. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có tổng cộng 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân, trong số đó có một số tàu Type 091, rất ít khi được triển khai trong thực tế. Như vậy cho đến thời điểm này, Trung Quốc chỉ có khá ít tàu ngầm hạt nhân tấn công có thể được sử dụng trong tác chiến, với chất lượng chỉ ở mức trung bình. Đó là chưa tính đến yếu tố kinh nghiệm của thủy thủ đoàn.
Gọi đây là sự mất cân bằng nghiêm trọng vì tàu ngầm tấn công hạt nhân đóng vai trò thiết yếu trong cả 2 nhiệm vụ chiến lược của hải quân Trung Quốc. Thứ nhất, các đội tàu sân bay, tàu hỗ trợ đổ bộ của họ cần có tàu ngầm hộ tống. Tàu ngầm diesel-điện không có đủ tốc độ để theo kịp các tàu chiến mặt nước. Không có tàu ngầm hộ tống, các tàu sân bay và tàu hỗ trợ đổ bộ của Trung Quốc rất dễ trở thành mục tiêu cho các tàu ngầm hạt nhân hay thậm chí là tàu ngầm diesel-điện của đối phương.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rất cần có tàu ngầm tấn công hạt nhân để đối phó với Hải quân Mỹ. Đó là bài học từ Hải quân Liên Xô trước đây, khi họ đóng rất nhiều tàu ngầm tấn công hạt nhân. Nếu có xung đột nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần, tàu ngầm Mỹ có thể phong tỏa nền kinh tế Trung Quốc bằng cách cắt đứt các tuyến vận tải biển của nước này mà không gặp trở ngại đáng kể nào.
Ngoài ra, thiếu tàu ngầm tấn công hạt nhân đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể theo dõi và tấn công hạm đội Mỹ từ xa. Tương tự như thời chiến tranh lạnh, với việc Mỹ chiếm ưu thế trên không và trên mặt biển, tàu ngầm là phương tiện duy nhất có thể đảo ngược sự chênh lệch về lực lượng giữa 2 bên.
Sự mất cân bằng nghiêm trọng thứ hai nằm ở tham vọng sao chép mô hình đội tàu sân bay và tàu hỗ trợ đổ bộ của Hải quân Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc có 3 tàu hỗ trợ đổ bộ, được đặt theo tên 3 ngọn núi là Côn Lôn Sơn, Tỉnh Cương Sơn và Trường Bạch Sơn. Cả 3 đều được triển khai ở Hạm đội Nam Hải, đặc trách khu vực Biển Đông.
Cũng như tàu sân bay, loại tàu này là trung tâm của lực lượng hải quân viễn chinh, đóng vai trò là căn cứ nổi cho các đơn vị thủy quân lục chiến. Bố trí cả 3 tàu ở Biển Đông cho thấy tham vọng bành trướng của Trung Quốc đối với khu vực này.
Tuy nhiên, việc có đến 3 tàu hỗ trợ đổ bộ trong khi chưa có một tàu sân bay đúng nghĩa và chưa có lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân đủ mạnh khiến nhiều người phải đặt câu hỏi Trung Quốc làm cách nào để bảo vệ những căn cứ nổi này từ trên không và dưới mặt biển. Nói cách khác, Hải quân Trung Quốc đang đốt cháy giai đoạn. Hải quân Liên Xô trước đây cũng không phát triển loại phương tiện này.
Bản thân tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc hiện nay, Liêu Ninh, chỉ đóng vai trò như một “trường học” để Hải quân Trung Quốc học cách vận hành và tác chiến bằng tàu sân bay trong tương lai. Và họ cũng cần từ 2 đến 3 tàu sân bay mới có thể tạo sự khác biệt, vì tại một thời điểm bất kì luôn có ít nhất 1 tàu nằm tại cảng để tiếp tế, bảo dưỡng…
Có thể nói, Hải quân Trung Quốc đang là nạn nhân cho những tham vọng quá lớn của chính nước này. Họ có nhiều loại phương tiện khác nhau, nhưng lại không đủ cho một nhiệm vụ chiến lược cụ thể nào.