Phần 1: Thực lực của quân đội Trung Quốc: Ngạc nhiên chưa!?
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định thực chất quân đội Trung Quốc không mạnh như vẻ bề ngoài. Nhưng điểm yếu này lại chính là điều khiến nó trở nên nguy hiểm. Ví dụ như với việc thiếu kinh nghiệm thực tế trong chiến tranh. Quân đội Trung Quốc chưa tham gia một cuộc chiến tranh quy mô lớn nào kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Điều này lại chính là một trong những nhân tố dẫn tới cách hành xử hung hăng của Trung Quốc tại các khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Hải quân Trung Quốc dường như luôn nôn nóng muốn gây chiến bất cứ khi nào có thể. Đây không phải là cách hành xử tiêu biểu của những người đã trải qua chiến tranh. Những vị tướng từng kinh qua trận mạc thường ít "diều hâu" hơn những kẻ mang quân hàm mà kinh nghiệm non kém, chưa từng biết mũi tên hòn đạn. Thiếu những quân nhân dạn dày như vậy, nên quân đội Trung Quốc hiện nay chỉ toàn "diều hâu" mà không có "bồ câu".
La Viện, một tướng "diều hâu" tiêu biểu của Trung Quốc với những phát ngôn hết sức khiêu khích
Sự nguy hiểm của quân đội Trung Quốc còn đến từ một điểm khác. Nhận thức rõ rằng mình khó có thể chiến thắng người Mỹ và các đồng minh bằng hình thức chiến tranh thông thường, Trung Quốc tập trung phát triển các loại vũ khí đánh phủ đầu phi quy ước để bù đắp cho sự thiết hụt về hỏa lực, tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Trong số này là hơn 1.600 tên lửa đạn đạo và hành trình tầm trung. Loại vũ khí này có thể gây nguy cơ bất ổn và châm ngòi chiến tranh rất cao, đó là lí do vì sao Liên Xô và Mỹ quyết định ký Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) cách đây 25 năm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát triển các loại vũ khí không gian có thể phá hủy các vệ tinh quân sự dùng để kiểm tra việc giải trừ quân bị, thông tin liên lạc, và cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng xây dựng đội quân tin tặc lớn nhất thế giới và đội máy bay không người lái nhiều thứ nhì thế giới để khai thác những điểm yếu của Mỹ và đồng minh. Những bước đi này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc có thể phát động chiến tranh một ngày nào đó và hiện không có bất kì cơ chế giảm thiểu leo thang nào để có thể tháo ngòi nổ chiến tranh.
Tuy nhiên, dù khả năng Trung Quốc gây chiến ở Thái Bình Dương một cách vô tình hay có chủ đích là hoàn toàn có thật, thì cũng khó có khả năng họ có thể chiến thắng. Ví dụ như một cuộc tấn công giả định vào Đài Loan vốn là ưu tiên cao nhất của quân đội Trung Quốc. Cho dù gần đây cán cân quân sự giữa 2 bờ eo biển Đài Loan được cho là nghiêng hẳn về phía Trung Quốc thì vẫn chưa có cách nào để Trung Quốc vượt qua eo biển rộng gần 200km với điều kiện khắc nghiệt và đổ bộ lên một trong những đường bờ biển hiểm trở nhất thế giới, chưa nói đến việc chiếm các thành phố và bình định toàn bộ hòn đảo với địa hình phức tạp này.
Quân đội Trung Quốc không có đủ tàu vận chuyển để vượt biển và số hiện có thì khó có thể chống chọi được các tên lửa hành trình diệt hạm, bom thông minh, pháo binh và mìn chống tàu của Đài Loan, chưa kể các phi đội chiến đấu cơ và trực thăng vũ trang tinh nhuệ do Mỹ huấn luyện. Nếu một số đơn vị may mắn vượt qua và đổ bộ thành công lên đảo, họ cũng sẽ nhanh chóng bị đánh bại bởi lục quân Đài Loan, tuy nhỏ nhưng chuyên nghiệp và đã chuẩn bị cho tình huống này trong hàng chục năm.
Nhìn chung Mỹ và đồng minh cần nhìn nhận quân đội Trung Quốc không quá mạnh như vẻ bề ngoài nhưng nó có thể gây thiệt hại lớn thông qua các loại vũ khí phủ đầu. Để vô hiệu hóa chiến lược này, Mỹ và đồng minh cần duy trì khoảng cách công nghệ quốc phòng, tuy nhiên, quan trọng hơn hết là tiếp tục tập trung vào công tác huấn luyện. Những đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể yên tâm hơn trước quân đội Trung Quốc nếu những lưỡi rìu của họ vẫn sắc bén.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Ian Easton (Viện Project 2049, Mỹ)