Thông tin trên do trang mạng military.com dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết hôm 22/9.
Theo đó, một tàu trinh sát của Trung Quốc đã theo dõi hầu hết cuộc tập trận "Valiant Shield" (Lá chắn dũng cảm) diễn ra từ ngày 15/9 tại Guam và khu vực xung quanh. Cuộc tập trận này kết thúc vào hôm nay (23/9), với sự tham gia của 18.000 binh sĩ thuộc các lực lượng Hải quân, Không quân, Lính thủy đánh bộ và Lục quân.
Valiant Shield diễn ra trong bối cánh căng thẳng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà phần lớn có liên quan tới sự hiện đại hóa quân đội nhanh chóng và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý với gần 90% diện tích biển Đông, bao gồm những khu vực mà hầu hết các quốc gia coi là vùng biển quốc tế. Trong những năm gần đây, các tàu chiến của Trung Quốc thường quấy rối những tàu chiến Mỹ hoạt động trong các vùng biển quốc tế, đáng chú ý nhất là năm 2009 khi tàu USNS Impeccable bị 5 tàu của Trung Quốc bao vây.
Tên lửa đánh chặn SM-2 phóng đi từ một tàu khu trục của Mỹ đánh chặn mục tiêu giả định trong cuộc tập trận Valiant Shield. Ảnh: Tuku.military.china
Năm ngoái, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần theo dõi trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Các quan chức Mỹ đã cho biết họ hy vọng rằng những động thái trên sẽ thuyết phục Trung Quốc thay đổi quan điểm chống các hoạt động quân sự của nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự trong những vùng biển quốc tế và bên ngoài vùng lãnh hải/không phận của một quốc gia là quyền lợi cơ bản mà quốc gia nào cũng có", Kim Dixon, nữ phát ngôn viên của cuộc tập trận Valiant Shield phát biểu hôm thứ Hai.
"Các tàu của Trung Quốc đã tuân thủ thông lệ quốc tế và hoàn toàn chấp nhận được" - Dixon nói.
Theo military.com, vùng đặc quyền kinh tế trải dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một quốc gia. Vùng đặc quyền kinh tế cho phép tiến hành đánh bắt cá, khai khoáng và những quyền kinh tế khác, tuy nhiên đó không phải là vùng lãnh hải thuộc về bất kì quốc gia nào.
EEZ chiếm 1/3 diện tích các đại dương của thế giới. Mỹ và hầu hết các quốc gia khác đều hiểu rằng luật quốc tế cho phép quân đội các nước tiến hành do thám trong EEZ, tuy nhiên Trung Quốc và khoảng 20 quốc gia khác nhìn chung nhìn nhận vấn đề này theo các cách khác nhau.
Tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon được phóng đi từ một tàu tuần dương hạm thuộc lớp Ticonderoga trong cuộc tập trận. Ảnh: Tuku.military.china
Ngày 19/8, một máy bay tiêm kích của Trung Quốc đã ngăn chặn một máy bay P-8 của Hải quân Mỹ bay cách đảo Hải Nam 135 dặm và nằm trong EEZ của Trung Quốc. Phía Mỹ gọi hành động của Trung Quốc là việc ngăn chặn không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, gây ra rủi ro đối với an toàn tính mạng của phi hành đoàn và không tuân thủ luật lệ quốc tế. Ngay sau đó, các quan chức Trung Quốc đã phản pháo rằng phi công của họ điều khiển máy bay một cách chuyên nghiệp và kêu gọi Mỹ chấm dứt hoạt động do thám.
Trung Quốc cũng cử một tàu do thám tới vùng EEZ bên ngoài quần đảo Hawaii trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương vào mùa hè vừa qua. Quyết định đó của Trung Quốc, mặc dù cũng nằm trong quan điểm của Mỹ về EEZ nhưng lại gây bất ngờ đối với một số quan chức quân sự bởi Trung Quốc cũng là một bên tham gia tập trận.
Hoạt động do thám cuộc tập trận Valiant Shield ít gây bất ngờ hơn. Hầu hết nội dung của cuộc tập trận chú trọng vào đối phó chiến lược "Chống xâm nhập/chống tiếp cận".
Báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc mà Lầu Năm Góc gửi Quốc hội Mỹ đề cập rằng Bắc Kinh hiện đang sản xuất các tên lửa tầm xa tiên tiến và những vũ khí khác nhằm ngăn chặn tiếp cận phần lớn biển Đông và biển Hoa Đông. Bên cạnh Trung Quốc, một quốc gia khác cũng thường có liên quan đến chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập là Iran.