Trung Quốc và kế hoạch chiến tranh hão huyền

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Theo Strategy Page, Trung Quốc có một lịch sử lâu dài tự đánh giá quá cao năng lực của bản thân mình trong các giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh.

Trang mạng Strategy Page (Mỹ) đăng bài viết đề cập tới vấn đề: Liệu Trung Quốc có thể đánh bại lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương bằng một cuộc tấn công bất ngờ?

Ít nhất là trong các tuyên bố công khai, người Trung Quốc tin rằng họ có thể làm được điều đó.

Trung Quốc đã phát triển khả năng này từ những năm 1990, khi xây dựng lực lượng tên lửa đạn đạo (với các đầu đạn có đương lượng nổ cao) bố trí ở các vùng bờ biển để đối phó với Đài Loan hoặc Nhật Bản.

Hiện nay, Trung Quốc có trong tay có hơn 1.000 tên lửa. Trên lý thuyết, một số tên lửa trong số đó có thể tấn công tàu sân bay Mỹ. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hành tấn công trên biển và hạm đội tàu của nước này cũng xuất hiện trên biển thường xuyên hơn. Các tàu ngầm của Trung Quốc đang lén theo dõi tàu chiến Mỹ và Bắc Kinh đã tuyên bố một cách vẻ vang những thành công khi các tàu ngầm này từng tiến sát tàu sân bay của Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đã đánh cắp vô số bí mật quốc phòng của Mỹ thông qua hàng thập kỉ tiến hành gián điệp qua Internet.

Tàu ngầm Trung Quốc đang theo dõi tàu chiến Mỹ (Ảnh minh họa)

Tàu ngầm Trung Quốc

Vấn đề nằm ở chỗ trong bất kì một cuộc chiến tranh lớn nào, cả hai bên đều không biết được phía bên kia chiến tuyến sở hữu những gì hoặc có thể dự đoán chính xác những kế hoạch kín mà mỗi bên sẽ tung ra khi cuộc chiến bắt đầu. Đây là một điểm quan trọng đối với Trung Quốc, họ cần phải giành chiến thắng nhanh chóng do cuộc chiến tranh kéo dài sẽ gây ra sự sụp đổ về kinh tế ở nước này. Điều đó sẽ kéo theo những vấn đề chính trị to lớn đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo quân đội Trung Quốc, đây không hẳn là vấn đề bởi những vị tướng và Đô đốc của Trung Quốc xem chừng ngày càng tin tưởng vào thắng lợi chớp nhoáng thông qua nhân tố bất ngờ.

Đó là một suy nghĩ nguy hiểm, bởi thực tế ít khi chứng tỏ điều đó và người Trung Quốc có một lịch sử lâu dài tự đánh giá quá cao năng lực của bản thân mình trong các giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh. Các nhà hoạch định kế hoạch hải quân Mỹ tin rằng Trung Quốc đã đánh giá quá thấp năng lực của những tàu ngầm tấn công hạt nhân mà Mỹ bố trí ở Thái Bình Dương, cũng như khả năng mà lực lượng này có thể thực hiện nhằm vào hạm đội tàu của Trung Quốc và hoạt động thương mại quốc tế. Nếu Bắc Kinh có vũ khí bí mật để đối phó với các tàu ngầm của Mỹ thì có lẽ đây sẽ là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

Không chỉ riêng người Mỹ đang lo lắng về các kế hoạch quân sự của Trung Quốc. Đài Loan đã tăng cường năng lực quân sự của mình, bởi cam kết với Mỹ đòi hỏi Đài Loan phải đủ mạnh để kiềm chế cuộc tấn công của Trung Quốc trong thời gian đủ dài, chờ lực lượng của Mỹ tiếp cận đến nơi. Điều này đồng nghĩa với việc Đài Loan phải nắm quyền kiểm soát các căn cứ không quân trên hòn đảo này trong thời gian tới 1 tuần.

Trung Quốc rõ ràng đang xây dựng các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển tới một điểm mức để cuộc tấn công bất ngờ của họ có thể đánh bại Đài Loan chỉ trong vòng vài ngày nếu lực lượng phòng thủ của Đài Loan không sẵn sàng. Trung Quốc tin rằng Đài Loan dễ bị tổn thương, tuy nhiên người Trung Quốc từ trước tới nay lại chưa từng phát động một chiến dịch đổ bộ như vậy, và một lần nữa, chỉ vài tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cũng có thể gây rối loạn cuộc tấn công của Trung Quốc.

Những kế hoạch của Trung Quốc có phần nào đó không còn là bí mật bởi nhiều năm nay họ luôn quan tâm thái quá đến những cuộc tập trận hải quân và các cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ. Trung Quốc đã thảo luận cởi mở về tình huống này để kích thích những ý tưởng độc đáo từ các sĩ quan. Sau cùng, những ý tưởng mới mẻ đó trở thành các kế hoạch chiến tranh và dự án phát triển vũ khí có độ bí mật khá cao. Năm 2006, các cuộc thử nghiệm hệ thống chống vệ tinh của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng bắn hạ vệ tinh do thám của Mỹ.

Tên lửa chống vệ tinh DN-2 của Trung Quốc được chế tạo trên cơ sở tên lửa đẩy KT-2 và KT-2A.
Tên lửa chống vệ tinh DN-2 của Trung Quốc được chế tạo trên cơ sở tên lửa đẩy KT-2 và KT-2A.

Trung Quốc cũng được biết đến là đang chế tạo những vệ tinh siêu nhỏ (khoảng chưa đầy 1/2 tấn) để tiến hành những cuộc tấn công tương tự. Nếu họ có thể chế tạo một vệ tinh để chống vệ tinh có trọng lượng chưa đầy 500kg, thì có tới vài vệ tinh này có thể được phóng đi từ cùng một bệ phóng.

Điều đó sẽ mang lại cơ hội bắn hạ các vệ tinh cồng kềnh của Mỹ để tạm thời "làm mù" Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tại thời điểm đó, các tên lửa chống hạm và tàu ngầm Trung Quốc có thể trở nên đáng gờm hơn khi đối với các tàu sân bay của Mỹ. Đây là suy nghĩ mà chính Trung Quốc đang vỗ về lực lượng quân đội của mình, và đó cũng là suy nghĩ có chiến lược từ lâu đời của người Trung Quốc.

Một lần nữa các nhà tư duy quân sự cổ điển của Trung Quốc lại thuyết giáo luận điểm giành chiến thắng mà không cần chiến đấu. Có lẽ điều này sẽ đúng hơn khi người Trung Quốc đối đầu với chính người Trung Quốc. Còn người nước ngoài có xu hướng khó đoán hơn và sẽ gây ra hàng loạt bất ngờ.

Nước Mỹ đã chứng tỏ hành động rất rõ ràng về cách thức họ đối đầu với một cuộc tấn công của Trung Quốc. Quay trở lại năm 2004, khi Mỹ kết luận rằng Trung Quốc rất lo ngại về các tàu sân bay của Mỹ và đang nỗ lực tập hợp các lực lượng không quân, hải quân đủ mạnh để đối đầu với hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển nước này.

Do vậy, Mỹ đã chuẩn bị các kế hoạch để triển khai nhanh chóng tới 7 tàu sân bay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Điều này không chỉ gây lo ngại cho các nhà lập kế hoạch quân sự của Trung Quốc, mà còn cho Trung Quốc thấy được con đường sai lầm của họ bằng cách chỉ ra những điểm yếu về quân sự.

Có khả năng tất cả những gì Trung Quốc cường điệu về năng lực và những kế hoạch chiến tranh bất bại đều là đang tuyên truyền, xây dựng tinh thần cho quân đội và người dân của họ. Tuy nhiên, khi các quan chức quân sự và ngoại giao của Mỹ tiếp xúc nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc hơn thì thấy rằng có nhiều tướng lĩnh và đô đốc của Trung Quốc đã tin sự khuếch trương và những dự đoán mang tính lạc quan đó. Đây không phải là một tín hiệu tốt cho bất kì bên nào.

Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình.

Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: quansu@soha.vn. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại