Thông tin này được hãng Sputnik dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work cho biết.
Theo đó, Lầu Năm Góc đang phải chật vật huấn luyện nhân viên làm quen với hệ thống vũ khí tuyệt mật của mình do họ đã áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật cao về chiến tranh mạng và điện tử vào hệ thống phòng thủ tên lửa.
Theo Thứ trưởng Bob Work, năng lực tác chiến điện tử và mạng (còn gọi là kỹ thuật phi động năng) có nhiều triển vọng cho phòng thủ tên lửa hơn phương pháp bắn hạ tên lửa truyền thống.
“Giải pháp này không cần đến động năng. Tôi thực sự không muốn dùng giải pháp động năng”, ông Bob Work cho biết đồng thời nhấn mạnh thêm rằng hệ thống vũ khí này được bảo mật chặt chẽ đến mức chỉ có rất ít người có thể vận hành được.
Hệ thống phòng thủ chủ lực của Mỹ Patriot từng "dính" rất nhiều tai tiếng.
Dù Lầu Năm Góc khá tự tin về tính bảo mật của những vũ khí phòng thủ đang có, tuy nhiên thực tế đã cho thấy một sự thật khác.
Hồi tháng 7/2015, khẩu đội phòng không Patriot đặt tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria bị tin tặc chiếm quyền điều khiển khiến nó đột nhiên tuân theo những mệnh lệnh chưa từng có.
Theo tờ Spiegel, vụ việc tai tiếng nói trên khiến toàn bộ 6 bệ phóng và 2 radar thực hiện những mệnh lệnh “từ trên trời rơi xuống”. Ngay sau đó, tờ Spiegel đã chỉ ra 2 điểm yếu của hệ thống phòng không Patriot:
Thứ nhất là sự trao đổi thông tin giữa bệ phóng tên lửa với hệ thống điều khiển; thứ hai là các con chip máy tính chịu trách nhiệm dẫn đường vũ khí đến mục tiêu.
Việc chiếm quyền kiểm soát các hệ thống quân sự không phải là điều mà các nhóm tin tặc nghiệp dư có đủ năng lực làm được, theo nhà tư vấn an ninh máy tính và cựu tin tặc tại Anh, Robert Jonathan Schifreen.
Không chỉ báo Đức, tờ Washington Post của Mỹ ngày 27/5 cũng đã đưa ra một bản thống kê đáng lo ngại với Lầu Năm Góc khi cho rằng các tin tặc Trung Quốc đã phá hoại thiết kế của hơn 20 hệ thống vũ khí, trong đó có cả hệ thống phòng thủ trọng yếu của Mỹ.
Washington Post dẫn thông tin từ bản báo cáo do Ban khoa học quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các bản thiết kế bị phá hoại bao gồm thiết kế máy bay chiến đấu và tàu chiến cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa có vai trò quan trọng đối với châu Âu, châu Á và vùng Vịnh.
Trong số những hệ thống bị phá hoại có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trang bị cho tàu khu trục Aegis, máy bay chiến đấu F/A-18, trực thăng chiến đấu V-22 Osprey, trực thăng Black Hawk và máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Tuy nhiên Washington Post không nói rõ quy mô hay thời gian tin tặc Trung Quốc tiến hành phá hoại và cũng không cho biết liệu các tin tặc có tấn công vào các mạng lưới máy tính của chính phủ, các nhà thầu và nhà thầu phụ của Mỹ hay không.
Dù không bị tin tặc tấn công nhưng vấn đề Hải quân Mỹ phát hiện trên siêu tàu tuần duyên LCS của mình khiến giới quân sự nước này không thể yên lòng.
Cụ thể, Hải quân Mỹ phát hiện ra rằng hệ thống máy tính của LCS rất dễ bị tấn công. Điều gì sẽ xảy ra với một chiến hạm tối tân khi nó bị đối phương khống chế bộ não bằng cách xâm nhập hệ thống máy tính!