Theo những nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay loại ATGM nội địa của Ấn Độ (thuộc lớp tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba có tên Nag) sẽ không ảnh hưởng gì đến thỏa thuận hợp tác sản xuất Javelin theo đề nghị của Mỹ, thỏa thuận này mới đang ở trong giai đoạn đàm phán khởi đầu giữa hai bên. Theo một nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thì loại tên lửa Nag mà Ấn Độ chế tạo nhẹ hơn Javelin.
Hiện tại, Quân đội Ấn Độ có nhu cầu cấp bách trang bị hơn 20.000 tên lửa chống tăng điều khiển thế hệ thứ ba nhưng cho đến nay tất cả các nỗ lực của New Delhi nhằm mua sắm từ các nguồn nước ngoài trong vòng 8 năm trở lại đây đều chưa mang lại kết quả gì.
Năm 2007, Ấn Độ đã công bố gói thầu mua tên lửa chống tăng song sau đó đành phải hủy vì chỉ có duy nhất hãng Rafael của Israel tham gia với mẫu Spike. Trong khi đó, Mỹ lại từ chối chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa chống tăng Javelin cho Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết phía Mỹ từ chối cung cấp số lượng Javelin mà Ấn Độ yêu cầu vì “những cân nhắc mang tính chiến lược và địa chính trị quốc tế”.
Những chi tiết về lời đề nghị hợp tác sản xuất tên lửa chống tăng Javelin mới đây nhất của Mỹ giành cho Ấn Độ không được tiết lộ, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết phía Mỹ muốn bán cho Ấn Độ khoảng 6.000 đơn vị trong vòng 1 năm sau khi ký kết hợp đồng, sau đó Mỹ sẽ cùng sản xuất với Ấn Độ. Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ cùng phát triển một phiên bản ATGM nội địa cho Ấn Độ.
Mỹ cũng sẽ chấp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo Javelin, bao gồm sản xuất đầu đạn, động cơ, nhiên liệu, hệ thống dẫn đường và tìm kiếm nhưng không bao gồm thuật toán dẫn đường, yếu tố Ấn Độ cho là mang tính cốt lõi đối với mọi hệ thống dẫn dường.
Một nhóm kỹ thuật của Raytheon và Lockheed Martin đã báo cáo tóm tắt với Bộ quốc phòng Ấn Độ về những khả năng sẽ được tiến hành trong dự án Javelin. Chuyên gia của Lockheed Martin nhận định rằng Javelin là loại tên lửa chống tăng vác vai tốt nhất hiện nay bởi nó sử dụng dạng phóng không gây nổ, rất hữu dụng đối với môi trường tác chiến trên địa hình cao của quân đội Ấn Độ.
Về phần mình, DRDO đã bắt đầu triển tên lửa chống tăng Nag có trọng lượng chỉ 16kg so với mức 26 kg của Javelin. Phiên bản vác vai Nag đơn giản hơn phiên bản phóng trên xe phóng và có thể được phát triển trong vòng ba năm tới.
Hiện tại quân đội Ấn Độ đang sử dụng loại ATGM thế hệ thứ hai là Milan của Pháp và Konkur của Nga với tầm bắn chỉ 2.000m.