Đặc biệt, trong đợt thử nghiệm này, MiG-29K/KUB đã thực hiện các chuyến bay đêm từ boong tàu Vikramaditya (trước đây là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov, đề án 1143), cũng như cất và hạ cánh với khoảng thời gian tối thiểu.
Chương trình bay thử nghiệm được phối hợp tổ chức với xí nghiệp đóng tàu "Sevmash" ở Severodvinsk, đơn vị chịu trách nhiệm về tái cơ cấu và hiện đại hóa tàu sân bay Vikramaditya theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Các chuyến bay được thực hiện trong khuôn khổ chương trình vận hành tàu sân bay để chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 11 năm nay. Ngoài các chuyến bay đêm và bay nhóm, MiG-29K/UB còn thực hiện các chuyến bay với tải trọng tối đa.
Theo ông Sergei Korotkov, Tổng giám đốc hãng chế tạo máy bay RSK MiG, giai đoạn tiếp theo trong chương trình sẽ là huấn luyện phi công điều khiển tiêm kích MiG-29K/KUB.
Ấn Độ ký hợp đồng mua lại của Nga tàu sân bay INS Vikramaditya với giá 947 triệu USD vào năm 2004. Đáng ra, thời hạn giao tàu là năm 2008 nhưng do gặp phải nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tài chính nên kế hoạch này đã bị trì hoãn nhiều lần.
Cũng trong năm 2004, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 16 tiêm kích hạm MiG-29K/KUB. Quá trình chuyển giao máy bay đã hoàn tất năm 2011. Đến tháng 5/2013, MiG-29 được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ.
Năm 2012, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng thứ hai cung cấp 29 máy bay chiến đấu MiG-29K/KUB. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 1,5 tỷ USD.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!