Các cuộc thử nghiệm bay bắt đầu vào thứ Hai và được thực hiện bởi Hạm đội Biển Bắc của Nga. Phi đội trưởng Mikhail Belyayev cho biết, các máy bay chiến đấu MiG-29 đã thực hiện một số cách tiếp cận con tàu ở các độ cao khác nhau và đã hạ cánh thành công lên boong tàu sân bay Vikramaditya.
Trong tháng Bảy và tháng Tám năm ngoái, Belyayev cùng các phi công khác đã thực hiện tổng cộng 517 thử nghiệm trên tàu sân bay Vikramaditya, trong đó bao gồm 41 lần cất cánh và hạ cánh lên boong tàu. Bên cạnh đó, tàu sân bay Vikramaditya cũng được thử nghiệm các quá trình tiếp nhiên liệu, hệ thống hỗ trợ bay và hệ thống điều khiển.
Theo các báo cáo, hoạt động của cánh máy bay cũng như hệ thống hỗ trợ bay đều hoạt động khá tốt và đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn.
MiG-29 đã hạ cánh thành công trên tàu sân bay Vikramaditya. (Trong ảnh: MiG-29 trong một cuộc thử nghiệm trên tàu sân bay Vikramaditya)
Đại diện bên phía Hải quân Ấn Độ cũng tỏ ra hài lòng về các cuộc thử nghiệm bay. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm trong năm ngoái của tàu sân bay Vikramaditya vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ như mong đợi. Các cuộc thử nghiệm bay cất và hạ cánh vào ban đêm đã không được thực hiện, cũng như lớp cách nhiệt của 8 nồi hơi chưa đảm bảo yêu cầu.
Kết quả là, Vikramaditya được trả lại cho công ty Sevmash sửa chữa với sự hỗ trợ của nhà máy đóng tàu Baltic (nơi mà các nồi hơi được sản xuất). Cuối cùng, tàu sân bay Vikramaditya cũng đã được đưa ra biển Trắng để chạy thử nghiệm trong tháng Bảy năm nay. Theo Thông báo của công ty Sevmash cho biết, ngày 28/7 vừa qua, tàu INS Vikramaditya đã đạt được tốc độ tối đa kỷ lục 29,2 hải lý/giờ và nhiều thử nghiệm thành công khác.
Theo kế hoạch trước đó, chu kỳ kiểm tra đầy đủ các máy bay và quá trình đào tạo bay cho các phi đội của Ấn Độ dự kiến sẽ được hoàn thành vào ngày 15 tháng 10, và sau đó, tàu sân bay Vikramaditya sẽ được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ trong tháng 11.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của tờ The New Indian Express, tàu sân bay Vikramaditya sẽ phải chờ thêm 3 năm nữa để được trang bị các vũ khí trong hệ thống phòng không. Nguyên nhân là do sự chậm trễ từ phía nhà sản xuất tên lửa của Israel. Hải quân Ấn Độ muốn trang bị tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa Barack-8 (LR-SAM)v của Israel cho tàu sân bay Vikramaditya. Chi phí của chương trình tên lửa LR-SAM với tầm bắn 70 km là 26,06 tỉ rúp (khoảng 460 triệu USD).
Báo cáo cũng cho biết, tàu sân bay Vikramaditya cũng sẽ được trang bị thêm pháo cao tốc tự động AK-630 của Nga ngay khi được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!