Theo cổng thông tin Bộ Quốc phòng Singapore (Mindef), hôm 6/9 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm giữa Tư lệnh Hải quân Singapore, Chuẩn Đô đốc Ng Chee Peng và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.
Thỏa thuận ghi nhớ cứu hộ tàu ngầm (MOA) được thiết lập trong khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm của Hải quân Singapore (RSN) và Hải quân Việt Nam. Theo thỏa thuận này, RSN sẽ cung cấp cho Hải quân Việt Nam tàu cứu hộ và hỗ trợ tàu ngầm (SSRV) MV Swift Rescue và các nguồn lực khác để giúp đỡ trong trường hợp xảy ra sự cố tàu ngầm Kilo. Nhân thỏa thuận này, hai vị tư lệnh hải quân cũng đã ký kết một biên bản ghi nhớ về chia sẻ thông tin vận tải thương mại và các sự cố hàng hải.
Việt Nam chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho tàu ngầm Kilo
Việc Singapore ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm cho Hải quân Việt Nam cho thấy, công tác bảo đảm an toàn cho các thủy thủ trên tàu ngầm Kilo mà sắp tới Nga chuyển giao là một trong những trọng tâm trong quá hình vận hành.
Để có thể sử dụng các tàu ngầm một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn cho con tàu cũng như thủy thủ đoàn, trong thời gian qua, Hải quân Việt Nam đã không ngừng thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo nhất cho kíp sĩ quan tàu.
Hiện nay, căn cứ triển khai 6 tàu ngầm Kilo đã và đang được Hải quân Việt Nam đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Cam Ranh - một trong những vịnh nước sâu kín gió tốt nhất thế giới.
Song song với đó, các tàu ngầm Kilo đang được phía Nga đẩy nhanh tiến độ đóng cho Hải quân Việt Nam, mỗi năm hạ thủy 2 chiếc và bàn giao 2 chiếc (bắt đầu từ năm 2013 - theo phương tiện truyền thông Nga). Các kíp thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam cũng đang học tập và được huấn luyện, đào tạo bài bản ở Nga để sau khi về nước, có thể sẵn sàng tiếp nhận và vận hành tàu ngầm một cách trơn tru nhất.
Nga cũng đang giúp Việt Nam xây dựng và lắp đặt một trung tâm huấn luyện tàu ngầm tiên tiến ở căn cứ Cam Ranh. Một trong những kết cấu cuối cùng của trung tâm này đã được hoàn thành vào tháng 4 vừa qua. Theo kế hoạch, khi trung tâm đào tạo được lắp ráp hoàn chỉnh đúng vào thời điểm Việt Nam tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của Nga vào tháng 11, công việc bắt đầu đào tạo lớp thủy thủ tàu ngầm tương lai của Việt Nam sẽ bắt đầu.
Theo tiết lộ từ truyền thông Nga, trung tâm huấn luyện tàu ngầm tiên tiến này được trang bị với một tàu ngầm mô phỏng với 30 thiết bị luyện tập riêng và được kết nối thành một mạng lưới chung. Các thiết bị luyện tập này mô phỏng chính xác các vị trí điều khiển của mỗi thủy thủ như trên tàu ngầm thật. Ngoài ra còn có bộ phận huấn luyện khả năng sinh tồn của thủy thủ như mô phỏng huấn luyện cách xử lý trong các điều kiện khói mù, cháy với các phương tiện khác nhau, và cả cách thoát khỏi tàu thông qua máy phóng ngư lôi.
Để mô phỏng các điều kiện thực tế, trung tâm huấn luyện có một bể nước với máy phóng ngư lôi 533 mm và áp suất tăng dần. Các thủy thủ tàu ngầm tương lai của Việt Nam phải tập sơ tán từ tàu ngầm dưới sự giám sát của các huấn luyện viên.
Bài học 'xương máu' từ Ấn Độ
Có thể nói, công tác chuẩn bị cơ bản của Hải quân Việt Nam trước khi đi vào vận hành những tàu ngầm tấn công Kilo 636 đầu tiên đang diễn ra hết sức mau lẹ, chu đáo và kỹ càng. Trong đó, việc chuẩn bị để đối phó với những tình huống xấu nhất khi lần đầu tiên sử dụng một hệ thống vũ khí hoàn toàn mới là tàu ngầm đang được thực hiện một cách rất bài bản.
Vụ nổ tàu ngầm Kilo 877EKM mang tên INS Sindhurakshak của Hải quân Ấn Độ làm toàn bộ 18 thủy thủ trên tàu thiệt mạng là một bài học xương máu cho tất cả các lực lượng hải quân đang và sẽ sở hữu tàu ngầm.
Chính vì vậy, có thể nhận định rằng, việc Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm nhờ các phương tiện, thiết bị trên tàu MV Swift Rescue của Singapore là một bước đi hợp lý và chính xác. Bởi tàu hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore được cho là đã sở hữu những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới.
Mặt khác, với vị trí địa lý trong cùng khu vực Đông Nam Á, cùng nằm bên bờ Biển Đông và mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đang ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore thì biên bản ghi nhớ hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm vừa qua là một quyết định sáng suốt, giúp Việt Nam đạt được hiệu quả về cả mặt kinh tế lẫn chính trị và đảm bảo có thể sẵn sàng khắc phục sự cố tàu ngầm một cách nhanh chóng nhất.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak nổ ngay tại cầu cảng cướp đi sinh mạng của 18 thủy thủ, thế nhưng do không có phương tiện cứu hộ chuyên biệt nên phải vài ngày sau Ấn Độ mới đưa được một số thi thể thủy thủ thiệt mạng bên trong tàu ngầm trở về với gia đình họ.
Truyền thông Ấn Độ cho biết, sau khi gặp phải quá nhiều khó khăn và không thể đạt được bước đột phá nào trong việc cứu hộ chiếc tàu ngầm "xấu số" INS Sindhurakshak, hải quân nước này có thể sẽ nhờ tới sự hỗ trợ của một công ty cứu hộ tàu ngầm của Singapore.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!