Vụ nổ tàu ngầm Kilo Ấn Độ có liên quan gì đến Việt Nam?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Tàu ngầm bị cháy là Kilo vừa được đại tu, nâng cấp tại Nga. Ấn Độ sẽ đào tạo thủy thủ cho Việt Nam do vậy Việt Nam cần chú ý đặc biệt sự việc này.

Thảm họa chấn động thế giới

Sáng sớm nay 14/8, một tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ đã bị bốc cháy và chìm ở hải cảng Mumbai. Đây là tàu ngầm diesel-điện INS Sindhurakshak. Ít nhất 18 thủy thủ bị cho là còn mắc kẹt trên tàu. Thông tin ban đầu cho biết đã xảy ra một vụ nổ và sau đó chiếc tàu ngầm bốc cháy. Sau đó, chiếc tàu bị chìm ngay tại bến tàu và chỉ một phần nóc tàu nhô lên khỏi mặt nước. Nguyên nhân phát nổ đang được điều tra.

Việt Nam chú ý: Tàu ngầm bị cháy là Kilo
 

Chiếc tàu gặp nạn được sản xuất ở Nga, đã vận hành được 16 năm, và vừa từ Nga trở về sau một thời gian bảo trì và nâng cấp. Tàu ngầm này đã được đổi tên thành S63 Sindurakshak trong năm 1997.

Các báo Ấn Độ cũng nói một số thủy thủ đã nhảy ra ngoài thoát nạn, một số người bị thương được đưa tới bệnh viện. Đám khói lớn bốc lên từ chiếc tàu có thể nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố.

Tàu bị cháy là tàu lớp Kilo

Đáng chú ý đây là một tàu ngầm diesel-điện vừa được tiến hành đại tu và nâng cấp tại nhà máy đóng tàu Zvezdochka có trụ sở tại Severodvinsk, khu vực Arkhangelsk. Nhà máy được giao nhiệm vụ chế tạo, đại tu các loại tàu ngầm khác nhau. Trong đó có các tàu ngầm lớp Kilo cùng loại mà Việt Nam sắp tiếp nhận.

Gói nâng cấp này bao gồm việc tích hợp tổ hợp tên lửa Club-S, lắp đặt hệ thống thủy âm USHUS do Ấn Độ thiết kế và  hệ thống liên lạc thủy âm CCS-MK.  Tổ hợp tên lửa Club-S cũng sẽ được trang bị trên các tàu ngầm Kilo-636 của Việt Nam.

	Tàu ngầm Sindurakshak vừa được nâng cấp tại nhà máy

Tàu ngầm Sindurakshak vừa được nâng cấp tại nhà máy

Tàu ngầm Sindurakshak là tàu ngầm lớp Kilo, tuy nhiên nó là phiên bản gốc thuộc Project 877, các tàu ngầm của Việt Nam thuộc phiên bản cải tiến là Project 636, phiên bản nâng cấp tiếp theo chính là lớp Lada.

Đặc tính kỹ thuật của Sindurakshak:

Lượng giãn nước: 2.300 tấn, chiều dài: 72,6 m, chiều rộng: 9,9 m, tốc độ khi nổi: 10 hải lý/h, tốc độ khi lặn dưới nước: 19 hải lý/h, phạm vi hoạt động: 6.000 hải lý, thời gian hoạt động liên tục: 45 ngày, độ sâu khi lặn: 300 m, thủy thủ đoàn: 52 người, được hỗ trợ với sáu ống phóng ngư lôi 533 mm.

Số vũ khí tàu mang theo bao gồm 18 ngư lôi (bao gồm cả 4 quả tên lửa 3M-54E, tầm bắn 220 km) hoặc 24 quả mìn.

Thông thường, 6 quả ngư lôi được lắp sẵn trong ống phóng, 12 quả khác lắp sẵn trên giá và sẽ được nạp tự động bằng máy nạp tốc độ cao. Tàu có thể phóng đạn để tiêu diệt cùng lúc 2 mục tiêu. Đặc biệt tàu  Sindurakshak được trang bị tên lửa hành trình hạm đối đất Novator 3M-14, một phần của hệ thống Club-S, có tầm bắn 275 km, mang theo đầu đạn nặng 499 kg. Để bảo vệ tàu khi đi nổi trước các cuộc tấn công từ trên không, một cơ cấu phóng cùng 6 đạn Igla cũng được lắp đặt.

Như vậy có thể thấy tính năng kỹ thuật của tàu Sindurakshak gần như tương đương với tàu ngầm Kilo 636 mà Việt Nam sắp tiếp nhận.

Việt Nam sẽ rút được kinh nghiệm gì qua vụ nổ này?

Có thể nói vụ nổ tàu ngầm của Ấn Độ thực sự sẽ thu hút được rất nhiều sự chú ý của các chuyên gia quân sự. Về nguyên nhân vụ nổ có thể phải mất thêm thời gian để công bố: có thể là lỗi trong khâu thiết kế chế tạo tàu ngầm hoặc các trang bị, vũ khí đi kèm cũng có thể trong quy trình vận hành.

Việt Nam sắp tiếp nhận Kilo 636 có tính năng, quy trình tương đương với Sindurakshak nên sẽ cần phải nghiên cứu và rút kinh nghiệm qua sự việc này. Nên nhớ kinh nghiệm vận hành tàu ngầm của Việt Nam hiện nay là chưa có gì đáng kể.

Điều đặc biệt hơn, Ấn Độ đã đồng ý hợp tác với Việt Nam để đào tạo thủy thủ tàu ngầm về vấn đề thoát hiểm, cứu nạn. Hiện nay có 18 thủy thủ đang bị kẹt trên tàu, như vậy có thể ước chừng 34 thủy thủ đã thoát ra được khỏi tàu ngầm.

Qua sự việc này phía Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Ấn Độ để nâng cao năng lực vận hành cũng như khả năng thoát hiểm, cứu nạn đồng thời cũng cần yêu cầu phía Nga kiểm tra lại quy trình thiết kế, chế tạo, thử nghiệm tàu ngầm Kilo 636 và các trang bị đi kèm nếu như nguyên nhân được chỉ ra là do khâu thiết kế, chế tạo.

	Việt Nam và Ấn Độ hợp tác đào tạo thủy thủ tàu ngầm

Việt Nam và Ấn Độ hợp tác đào tạo thủy thủ tàu ngầm

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại