'Chiến binh dũng mãnh'...
Hiện nay, tàu ngầm Kilo 636 của Nga đã được xuất khẩu cho 7 nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romani, Algeria và Việt Nam. Theo số liệu không chính thức, hiện nay tổng số tàu đang hoạt động là 48 chiếc.
Tàu ngầm Kilo 636 được đánh giá là êm nhất, trang bị vũ khí mạnh nhất trong các loại tàu ngầm thông thường hiện nay
Về vũ khí chống tàu ngầm và tàu mặt nước tàu được trang bị 6 ống phóng lôi 533 mm, cơ số vũ khí bao gồm: 4 tên lửa, 18 ngư lôi, 24 mìn và 8 tên lửa phòng không.
Tùy từng phiên bản Kilo 636 có thể được trang bị đầy đủ các loại vũ khí sau:
Tổ hợp tên lửa Club-S có thể sử dụng 5 loại đạn tên lửa tấn công nhiều mục tiêu trên bộ, trên biển gồm:
- Tên lửa hành trình siêu âm chống tàu mặt nước 3M-54E đầu đạn xuyên giáp nổ phân mảnh 200kg, vận tốc Mach 2.9, tầm bắn 200km.
- Tên lửa hành trình chống tàu cận âm 3M-54E1, tầm bắn 300km, đầu đạn 400kg, tốc độ Mach 0.8, có khả năng đánh chìm tàu sân bay đối phương.
- Tên lửa hành trình đối đất 3M-14E, đầu đạn nặng 400kg, tầm bắn 275km.
- Tên lửa chống tàu ngầm 91RE1 có tầm bắn 50km.
- Tên lửa chống tàu ngầm 91RE2 có tầm bắn 40km.
Các loại tên lửa của tổ hợp Club-S
Ngoài tổ hợp Club, tàu ngầm Kilo 636 được trang bị ngư lôi nhanh nhất thế giới VA-111 Shkval, tốc độ dưới nước vượt quá 370km/h. Tầm bắn với biến thể đầu tiên khoảng 7km, các biến thể nâng cấp về sau có tầm bắn từ 11-15km, độ sâu hoạt động ít hơn 100m. VA-111 có chiều dài 8,2m, đường kính 533mm, trọng lượng 2.700kg, đầu đạn nặng 700kg.
Bên cạnh đó, Kilo 636 còn có thể đảm nhận rải thủy lôi phong tỏa, phục kích tàu ngầm, tàu mặt nước của đối phương với 24 quả mang theo.
... vẫn có gót chân Asin
Rất mạnh về chống tàu ngầm và tàu mặt nước nhưng những đòn đánh từ trên không thực sự là "hiểm họa chết chóc" dành cho Kilo. Mặc dù Kilo 636 có những phiên bản được trang bị hệ thống phòng không tầm thấp nhưng có lẽ hệ thống này chỉ là phương pháp tự vệ cuối cùng chứ hiệu quả chiến đấu chưa được chứng minh bằng thực tế.
Cụ thể, theo thông tin từ nhà sản xuất, một số biển thể Kilo có thể trang bị tên lửa phòng không tầm thấp 9K34 Strela-3 (NATO định danh cho biến thể hải quân là SA-N-8 Gremlin) và 9K83 Igla (NATO định danh là SA-N-10 Gimlet).
Trước hết, các loại tên lửa phòng không tầm thấp này đều có tầm bắn rất ngắn, phương pháp dẫn đơn giản nên không thực sự đạt xác suất trúng đích cao.
Đạn tên lửa 9M36 của tổ hợp 9K34 Strela-3 nặng 10,3kg, dài 1,47m, đầu đạn nổ phân mảnh nặng 1,17kg, tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn tối đa 4,1km, độ cao mục tiêu từ 30m tới 2,3km.
Tương tự, hệ thống 9K38 Igla trang bị đạn tên lửa 9M39 nặng 10,8kg, dài 1,5m, đầu đạn nổ phân mảnh nặng 1,17kg, tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn tối đa 5,2km, độ cao bắn hạ 10m tới 3,5km.
Các tên lửa phòng không này được sử dụng để đối phó với các mục tiêu máy bay cánh cố định, trực thăng, UAV bay thấp.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp 9K38 Igla
Tuy nhiên, quy trình bắn của hai tổ hợp này trên Kilo không thực sự linh hoạt. Hệ thống tên lửa này được bố trí trên đài điều khiển bên trong một khoang kín nước. Giá phóng sẽ được đưa lên bằng một hệ thống thủy lực để nhắm mục tiêu. Tất nhiên, lúc đó con tàu sẽ phải nổi lên, tên lửa không thể bắn từ dưới mặt nước. Do vậy, hệ thống chỉ dùng để tự vệ trong trường hợp nổi lên thì bị phát hiện.
Các máy bay săn ngầm được trang bị các thiết bị trinh sát hiện đại có thể quần thảo liên tục, sát mặt biển tại vùng nghi ngờ có tàu ngầm đang lặn mà không phải đề phòng. Nếu phát hiện Kilo 636, chúng sẽ dừng các loại ngư lôi có tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều so với tàu ngầm, tầm bay xa và cự ly dò tìm mục tiêu lớn để tiêu diệt.
Ví dụ, máy bay săn ngầm P-3C của Mỹ có thể mang ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54… Ngoài ra, nó có thể mang theo các loại bom nổ dưới nước, bom thông thường và các loại thủy lôi.
Ngư lôi MK-54 có tốc độ 43 hải lý/h (loại dùng cho trực thăng là 36 hải lý/h, trên hạm là 28 hải lý/h); tầm bay 15km; cự li tự động tìm kiếm mục tiêu âm thanh là gần 1km, gây nổ bằng từ tính.
Như vậy, có thể thấy, với các đòn đánh từ trên cao, Kilo 636 thực sự bị đặt vào tình thế rất nguy hiểm.
Máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ đang thả ngư lôi Mk-54
Ngư lôi Mk-54 của Mỹ
Cách khắc phục tử huyệt của Kilo
Có thể nói đây không chỉ là tử huyệt của riêng Kilo mà là hạn chế chung của các tàu ngầm. Để hạn chế được điều này cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Đảm báo tính bí mật trong bố trí, cơ động của tàu ngầm. Các máy bay săn ngầm nếu không có được dự báo về hoạt động của Kilo rất khó phát hiện trên một vùng biển lớn.
Thông thạo địa hình và linh hoạt trong cơ động. Lợi dụng địa hình đáy biển để ẩn nấp, lẩn tránh. Cơ động theo nhiều đường khác nhau cũng như nghi binh đánh lừa địch.
Phối hợp tác chiến hiệp đồng chặt chẽ với các tàu mặt nước và lực lượng không quân đảm bảo ngăn chặn, tiêu diệt được lực lượng máy bay săn ngầm của đối phương.
Nếu làm tốt những yêu cầu trên, Kilo 636 có thể khắc phục được tử huyệt của mình đồng thời phát huy được những ưu thế của mình tạo ra những đòn đánh hiệu quả.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!