"Mãnh hổ" độc đáo - vô tiền khoáng hậu của xe tăng Việt Nam!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Khiêm tốn nép mình trong một góc vắng vẻ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với một tấm biển đồng giới thiệu ngắn gọn nên không phải ai cũng biết về “Mãnh hổ đường số 9”.

Từ Tà Mây...

Binh chủng Tăng - Thiết giáp (TTG) được thành lập ngày 05-10-1959, song đến cuối năm 1967 mới nhận lệnh đưa xe tăng vào chiến đấu tại chiến trường Miền Nam.

Đơn vị đầu tiên được vinh dự nhận nhiệm vụ này là Tiểu đoàn 198 của Trung đoàn xe tăng 203 (nay là Lữ đoàn xe tăng 203).

Tiểu đoàn 198 có 2 đại đội: 3 và 9, trang bị 22 xe tăng bơi kiểu PT-76. Xe tăng số hiệu 555 thuộc biên chế Đại đội 3, kíp xe gồm: Trung sĩ Lê Xuân Tấu làm trưởng xe, lái xe Nguyễn Vũ Cỏn và pháo thủ Nguyễn Văn Tuấn.

Sau hơn 1 tháng hành quân ròng rã, vượt ngót 1.000 km đường quân sự dưới sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của không quân địch, Tiểu đoàn đã có mặt ở Đường 9 sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Để phối hợp với cuộc Tổng tiến công chiến lược Mậu Thân 1968 tại các thành phố, thị xã toàn Miền Nam, ta quyết định mở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Trong đó, trận hiệp đồng binh chủng tiến công cứ điểm Làng Vây đóng vai trò trận đánh then chốt.

 
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Đây là một cứ điểm lớn nằm án ngữ QL 9, do một tiểu đoàn biệt kích dưới sự chỉ huy trực tiếp của cố vấn Mỹ đồn trú. Đại đội xe tăng 3 đảm nhiệm hướng tiến công phía tây theo Đường 9.

Lúc này Đại đội 3 đang tập kết ở bản Cha-ki-phìn, một bản nhỏ bỏ hoang, cách biên giới Lào - Việt hơn 20 km. Muốn đến được Làng Vây chỉ duy nhất có Đường 9. Song lúc đó, đường lại bị cụm cứ điểm Huội San do quân đội Hoàng gia Lào chốt giữ.

Không còn cách nào khác, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định phải “nhổ” bằng được Huội San.

Huội San nằm cách biên giới Lào Việt khoảng 10 km, bao gồm 12 cứ điểm. Trong đó, cứ điểm Tà Mây nằm trên một điểm cao sát phía bắc Đường 9 là quan trọng nhất. Lực lượng địch ở đây có khoảng 1 tiểu đoàn với hệ thống công sự, vật cản khá kiên cố.

Về phía ta, BTL Mặt trận quyết định sử dụng Trung đoàn bộ binh 24 được tăng cường Đại đội xe tăng 3 để tiến công.

Do chuẩn bị gấp, dọc đường hành quân xe tăng liên tục bị sa lầy, phải cứu kéo nhau suốt đêm, nên cuối cùng đến mờ sáng ngày 24-01-1968 chỉ có 2 xe: số 558 và 555 vượt được ngầm cách Tà Mây chừng hơn 1 km.

Lúc này, bọn địch trong cứ điểm bắn ra dữ dội, lại được không quân chi viện nên bộ binh ta không thể xung phong được, cửa mở cũng chưa thông. Ngay lập tức, 2 xe tăng 558 và 555 nối đuôi nhau vừa chạy vừa bắn mãnh liệt vào cứ điểm.

Mặc dù cửa mở chưa thông, các xe vẫn quyết định lao vào. Đáng tiếc, xe 558 bị dây thép gai cuốn vào bánh chủ động làm đứt xích, phải nằm lại ngay trước cửa mở.

Dẫu biết chỉ còn có mỗi xe mình đơn thương độc mã, song trưởng xe Lê Xuân Tấu vẫn lệnh cho lái xe Hoàng Đức Miêng (mới thay cho lái xe Cỏn) vượt lên trước và dũng mãnh lao vào cứ điểm.

Vừa dùng pháo và súng máy diệt địch, vừa dùng xích sắt nghiến nát các công sự, hỏa khí địch, vừa dùng 12 ly 7 bắn máy bay (người sử dụng 12,7 ly là đồng chí Bùi Ngọc Dương - trung đội phó công binh, sau được phong Anh hùng LLVT).

Bộ binh ta thừa thế cũng ào ào xông lên diệt địch. Chỉ sau chưa đầy 30 phút, quân ta đã làm chủ Tà Mây. Thấy mất Tà Mây, bọn địch ở các cứ điểm khác cũng bỏ chạy. Đường về Làng Vây đã thông.

Đêm 23-02-1968, ta bắt đầu tiến công Làng Vây. Từ hướng Tây, xe 555 dẫn đầu đội hình Trung đội 3 tiến công vào cứ điểm địch, dùng hoả lực chi viện cho bộ binh đánh chiếm vị trí tiền tiêu ở điểm cao 230. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy về điểm cao 320.

Sau khi công binh mở được cửa, xe 555 đã nhanh chóng đè bẹp sức đề kháng của địch, cùng trung đội 3 đánh chiếm khu đại đội biệt kích số 103, rồi phối hợp với đơn vị bạn tiến vào sở chỉ huy địch. Đến 3h sáng, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa.

Trận Làng Vây thắng lợi giòn giã, mở ra truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng TTG Việt Nam.

Xe tăng bơi PT-76 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Xe tăng bơi PT-76 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

... đến điểm cao 543

Đầu năm 1971, Quân lực VNCH dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ quyết định mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” tại Hạ Lào.

Lực lượng tham gia gồm Sư đoàn Dù, Lữ đoàn Thiết kỵ 1, Sư đoàn BB 1 và Liên đoàn BĐQ 1 với quân số lên đến hơn 30.000 người cùng hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và các phương tiện cơ giới khác. Ngoài ra, chúng còn được Không quân Hoa Kỳ yểm trợ và tiếp vận.

Mục tiêu của cuộc hành quân là làm chủ Đường 9 từ Khe Sanh đến Sê-Pôn (cách biên giới Lào - Việt khoảng 40 km), phá hủy toàn bộ kho tàng đồng thời cắt đứt trục đường tiếp vận từ Bắc vào Nam của ta.

Nắm được ý định của địch, bên ta thành lập Binh đoàn B70 để “đón tiếp” chúng với lực lượng tham gia gồm 3 sư đoàn chủ lực, các đơn vị của 559, B4, B5. Về xe tăng, có sự tham gia của 3 tiểu đoàn: 198, 297 và 397.

Do bị chặn đánh quyết liệt, lực lượng chủ yếu của địch bị ùn lại tại Bản Đông. BTL B70 quyết định sẽ tập trung lực lượng để “đại phá Bản Đông”.

Muốn vậy, trước hết phải tiêu diệt địch ở điểm cao 543 (địch gọi là Căn cứ hỏa lực 31) do 1 tiểu đoàn của Lữ đoàn Dù 3 chốt giữ, trong đó có Sở chỉ huy của Lữ đoàn.

Ta quyết định sử dụng Trung đoàn bộ binh 64 được tăng cường Đại đội xe tăng 9 để tiến công quân địch. Lúc này, xe tăng 555 đã chuyển sang Đại đội 9, gồm Nguyễn Văn Duyên - trưởng xe, Đặng Văn Đoàn - lái xe, Nguyễn Thoảng - pháo thủ.

11 giờ 30 phút ngày 25-02-1971, Đại đội tăng 9 được lệnh xuất kích, xe 555 có chính trị viên tiểu đoàn Lê Cối cùng đi dẫn đầu đội hình trung đội 1 tiến lên điểm cao 543. Quân địch tập trung hoả lực pháo binh, máy bay đánh vào đội hình tiến công của ta.

Một mảnh bom làm ống nước bị hỏng, lái xe Đoàn nhanh chóng sửa chữa và tiếp tục cho xe tiến lên. Trưởng xe Duyên sử dụng pháo bắn vào các hoả điểm và tiêu diệt quân địch đang bỏ chạy từ mỏm 4 về sân bay trực thăng.

Trung đội tiếp tục tiến sang mỏm 5 - nơi lực lượng chủ yếu của địch chốt giữ. Địch chống cự vô cùng quyết liệt. Lái xe Đoàn dấn mạnh ga lao lên mỏm đồi nhưng xe bị vướng ụ đất không tiến lên được, phải dừng lại. Hai xe bạn 546 và 563 vượt lên trước lần lượt bị bắn hỏng.

Xe 555 lùi lại một chút rồi tìm đường khác tiến lên. Được hai xe bạn dùng hoả lực chi viện, xe 555 vừa tiến, vừa bắn, vừa dùng xích sắt chà xát...dẫn dắt bộ binh xông thẳng vào trận địa pháo và khu trung tâm thông tin.

Xe lao lên đỉnh nóc hầm chỉ huy quần thảo làm quân địch vô cùng hoảng sợ. Đúng lúc đó, bộ binh cũng đến kịp và bắt sống toàn bộ Ban Tham mưu Lữ đoàn dù 3, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng.

Các phóng viên chiến trường đã tặng cho xe 555 biệt danh “Mãnh hổ Đường số 9” bởi những chiến tích huy hoàng của nó, đặc biệt là 2 lần “đơn thương độc mã” tung hoành trong cứ điểm địch, lập nên những chiến công chói lọi đi vào Lịch sử Bộ đội TTG Việt Nam.

Chiến dịch kết thúc, xe tăng 555 được đưa về Hà Nội tham gia Triển lãm về Chiến thắng “Đường 9 - Nam Lào” tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).

Khiêm tốn nép mình ở một góc vắng vẻ của Bảo tàng, sau một tấm biển giới thiệu vẻn vẹn vài dòng, khách tham quan mấy ai biết đằng sau cái vẻ giản dị, lành hiền và cũ kỹ kia chính là “Mãnh hổ đường số 9”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại