S-300PMU1 Việt Nam đã chính thức có "cận vệ" mới của riêng mình

Bình Nguyên |

Cuối năm 2013, BQP cùng lúc thành lập 2 Trung đoàn tên lửa 64 và Trung đoàn tên lửa 93 trên cơ sở sáp nhập một số đơn vị. Như vậy S-300PMU1 chính thức có các cận vệ của riêng mình.

Theo Báo QĐND, cuối năm 2013, Bộ Quốc phòng cùng lúc công bố quyết định tổ chức lại các Đoàn tên lửa 64 và 93 thành Trung đoàn tên lửa 64 và Trung đoàn tên lửa 93.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ, Ủy viên Thường vụ, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho 2 Trung đoàn tên lửa mới được thành lập. Cụ thể:

Trung đoàn 64 được thành lập ngày 18-12-2013, trên cơ sở sáp nhập Tiểu đoàn 5 (pháo tự hành ZSU-23-4M) và Tiểu đoàn 172 (sử dụng tên lửa tầm thấp Strela-10M hay còn gọi là A-89) vào Đoàn tên lửa phòng không 64 (S-300PMU1).

Trung đoàn 93 được thành lập ngày 16-12-2013, trên cơ sở sáp nhập Tiểu đoàn 123 (pháo tự hành ZSU-23-4M) vào Đoàn tên lửa phòng không 93 (S-300PMU1).

Việc thành lập 2 trung đoàn này nhằm tăng sức cơ động, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong những điều kiện tác chiến phức tạp, sẵn sàng đánh bại các đợt tập kích đường không của địch.

Đồng thời, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng trong các Sư đoàn 361 và 367 Quân chủng PK-KQ. Xây dựng Quân chủng, Sư đoàn theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Theo Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, hiện nay, để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, Bộ đội TLPK nói riêng và toàn Quân chủng nói chung phải tập trung xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân
Trung tướng Lê Huy Vịnh
"Tiếp tục mua sắm, cải tiến, sửa chữa, đổi mới trang thiết bị, sản xuất phụ tùng linh kiện thay thế... phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện giữ tốt, dùng bền, khai thác sử dụng hết tính năng tác dụng của mọi loại vũ khí, khí tài có trong biên chế, bảo đảm cho Bộ đội TLPK Việt Nam anh hùng không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới".

Như vậy, các đơn vị tên lửa S-300PMU1 chính thức được biên chế những "cận vệ" đầy uy lực để làm lá chắn tầm gần, bảo vệ trực tiếp cho các đơn vị tên lửa hiện đại. Qua đó, cho phép S-300PMU1 rảnh tay đối phó với những mục tiêu chiến lược, giá trị lớn.

Vậy những "cận vệ" này hiện đại đến đâu và liệu có đủ sức bảo vệ tên lửa S-300PMU1 hay không?

Tên lửa phòng không tầm thấp Strela-10M (A-89) thực hành bắn đạn thật trong điều kiện đêm tối, xuất sắc diệt mục tiêu. Ảnh: QĐND.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Strela-10M (A-89)

Strela-10M là tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp điều khiển bằng quang/hồng ngoại có khả năng cơ động cao, được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào năm 1989. Chính vì thế nó được định danh là tên lửa tầm thấp A-89.

Tổ hợp gồm khối bệ giá phóng tên lửa, khí tài radar và các thiết bị quang học được đặt trên khung gầm xe lội nước hạng nhẹ MT-LB, có khả năng việt dã và cơ động cao. Dự trữ hành trình theo nhiên liệu của tổ hợp là 500km trên đường nhựa.

Mỗi xe Strela-10M mang 4 đạn tên lửa 9M37 (9M37M) có tầm bắn hiệu quả tới 5.000m trong dải độ cao 25-3.500m, đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản ở chế độ sẵn sàng bắn. Ngoài ra, còn có thêm 4-8 đạn khác thuộc cơ số dự trữ và chỉ mất 3 phút để tái nạp đạn.

Các tên lửa 9M37 được điều khiển tới mục tiêu bằng chế độ tự dẫn trong 2 kênh: Hồng ngoại và Quang học, cho phép bắn được các mục tiêu "tàng hình" về nhiệt cũng như "tàng hình" về sóng vô tuyến.

Tổ hợp có khả năng diệt mọi loại mục tiêu bay thấp và có diện tích phản xạ radar nhỏ ở tốc độ bay hướng vào tới 517m/s (khi bắn đón) và tốc độ bay hướng ra 415m/s (khi bắn đuổi) như máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV),...

Strela-10M đã tham gia Chiến tranh vùng Vịnh (1991) và Chiến tranh Kosovo (1999) với hiệu suất chiến đấu khá tốt, bắn rơi tại chỗ và bắn bị thương nhiều máy bay của Liên quân (NATO và đồng minh), nhất là dòng máy bay săn diệt tăng A-10 ThunderBolt.

Pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4M thiết lập trận địa dã chiến, tham gia bảo vệ các sự kiện quan trọng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh QĐND.

Pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4M thiết lập trận địa dã chiến, tham gia bảo vệ các sự kiện quan trọng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh QĐND.

Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M "Shilka"

Shilka là một trong những hệ thống pháo phòng không tự hành uy lực nhất thế giới hiện nay. Nó được thiết kế để tiêu diệt mọi loại mục tiêu bay tầm thấp như máy bay chiến đầu, trực thăng trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.

Tổ hợp sử dụng khung gầm xe bọc thép nhẹ GM-575 với sức cơ động nhanh và việt dã cao, có khả năng vượt chướng ngại vật cao 0,7 m, hào rộng 2,5 m, vượt qua sông, suối có độ sâu tới 1,0 m và có thể leo dốc 30 độ. Dự trữ hành trình theo nhiên liệu đạt 450km.

Vũ khí chính của Shilka là 4 pháo tự động bắn nhanh 2A7 cỡ nòng 23mm kèm cơ cấu giảm giật thủy lực, đặt trên tháp pháo bọc thép dày 9,2mm, có khả năng xoay 360 độ.

Radar RPK- 2 "Tobol" là trái tim của tổ hợp với chức năng cảnh giới nhìn vòng, có cự ly trinh sát tới 20km kiêm đài điều khiển hỏa lực diệt mục tiêu.

Uy lực của ZSU-23-4M thể hiện ở tốc độ bắn tới 4.000 phát/phút, tạo màn đạn dày đặc, mật độ cao, đủ sức tiêu diệt mọi loại mục tiêu bay với tốc độ tới 450m/s, trong tầm bắn hiệu quả 2.500m.

Mỗi nòng pháo có hộp tiếp đạn riêng biệt với cơ số 480-520 viên, đưa tổng cơ số đạn của ZSU-23-4M lên đến 2.000 viên. Ngoài nhiệm vụ chính là phòng không, nó có thể được dùng để chống bộ binh hoặc các phương tiện bọc thép nhẹ của đối phương.

Để diệt các "vỏ thép di động" hạng nhẹ, Shilka sử dụng đạn BZT xuyên được 15 mm giáp thép đồng nhất với góc chạm 30 độ từ cự ly 100 m, hoặc lên tới 25 mm nếu bắn từ xa 400 m ở góc 0 độ (vuông góc).

Kíp trắc thủ 4 người gồm: lái xe, chỉ huy (trưởng xe), xạ thủ và trắc thủ radar. Xe được trang bị máy lọc không khí, thiết bị chữa cháy, hệ thống định vị TNA-2, thiết bị ngắm bắn hồng ngoại, radio liên lạc R-123, R-124 và hệ thống bảo vệ xạ-sinh-hóa (NBC).

Tổ hợp pháo tự hành này đã chứng minh được hiệu quả chiến đấu cao qua các cuộc xung đột ở vùng Vịnh giữa các nước Ả-rập với Israel. Khi đó, phi công Israel cố gắng bay thấp để tránh tên lửa SA-6 "3 ngón tay thần chết" để rồi thường bị bắn hạ bởi ZSU-23-4 Shilka.

Gần đây, trước yêu cầu nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa khí tài, cán bộ Nhà máy A31 Cục Kỹ thuật - Quân chủng PK-KQ đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị hiệu chỉnh kính TPKU-2 của hệ thống ZSU-23-4M.

Thiết bị được dùng để kiểm tra, hiệu chỉnh các tham số của kính TPKU-2 thuận tiện, có độ chính xác và độ tin cậy cao trong quá trình kiểm tra, hiệu chỉnh khí tài. Sản phẩm đã được tặng giải nhì tại Hội thi Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ.

Như vậy, các đơn vị "cận vệ" này được trang bị hỏa lực phòng không tầm thấp tương đối hiện đại, đủ sức diệt các phương tiện bay tầm thấp đánh trực tiếp vào trận địa S-300PMU1 hoặc các mục tiêu trong tầm hỏa lực.

Qua đó, các kíp trắc thủ tên lửa đa kênh di động tầm xa S-300PMU1 có thể tạm yên tâm để tập trung diệt các mục tiêu chiến lược, có giá trị cao, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của bất kỳ kẻ địch nào, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.

Các tổ hợp phòng không ZSU-23-4M và Strela-10M vẫn còn tiềm năng nâng cấp, nếu được cải tiến, chúng sẽ có thêm sức mạnh, đồng thời kéo dài tuổi thọ cho tới khi được thay thế bằng các tổ hợp tên lửa/pháo phòng không thế hệ mới hiện đại hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại