Lý giải cho động thái này, các chuyên gia nhận định, đó là do "quân đội Mỹ xem hoạt động của tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương vừa là một nguy cơ trước mắt, vừa là mối đe dọa về lâu dài".
Theo thông tin từ tờ Bloomberg ngày 18/8, Hải quân Mỹ đang đề xuất một khoản kinh phí 56,5 triệu USD để tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm do lo ngại các hoạt động ngày càng gia tăng của Nga ở Đại Tây Dương.
Số tiền này sẽ được dùng để trang bị một "thiết bị giám sát tinh vi", tương tự như loại Hải quân Mỹ đã triển khai ở Thái Bình Dương.
"Ngoài ra, giữa năm 2016, Hải quân Mỹ còn muốn đưa đến Đại Tây Dương một nguyên mẫu hệ thống cảm biến dưới biển để xử lý các mối đe dọa hiện hữu" - Bloomberg trích dẫn tài liệu ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Cả 2 hệ thống này đều nhằm đáp ứng "nhu cầu cấp bách" từ phía các chỉ huy tác chiến Mỹ phụ trách phòng thủ quốc gia và châu Âu.
Quân đội Mỹ xem hoạt động của tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương vừa là một nguy cơ trước mắt, vừa là mối đe dọa về lâu dài. (Ảnh minh họa)
Bloomberg cho biết, đề xuất của Hải quân Mỹ đang trong thời gian đợi Quốc hội Mỹ thông qua.
Điều đáng chú ý là, mặc dù động thái này được cho là để "đáp trả các động thái hải quân quyết đoán" của Tổng thống Vlaimir Putin nhưng các yêu cầu của Hải quân Mỹ lại được đệ trình lên Quốc hội nước này 1 tháng trước khi Nga công bố chiến lược hàng hải mới.
"Những đề xuất của Hải quân Mỹ là bằng chứng cho thấy quân đội Mỹ coi hoạt động của tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương vừa là nguy cơ trước mắt, vừa là mối đe dọa về lâu dài" - Tom Spahn, một chuyên gia về các vấn đề tác chiến dưới biển nhận định.
Chiến lược hàng hải mới được Tổng thống Nga Putin phê chuẩn vào tháng 7 vừa qua, trong đó kêu gọi duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Nga ở Đại Tây Dương và Bắc Cực, đồng thời chỉ trích sự mở rộng về phía đông của NATO.
Ngoài ra, Nga còn đặt mục tiêu ‘phát triển cơ sở hạ tầng’ cho hạm đội Biển Đen ở khu vực Crimea, vùng đất sát nhập vào Nga vào 2014 và tái cấu trúc hải quân để nâng vị trí chiến lược của Nga ở vùng biển cũng đang bị NATO lăm le này.
Theo Sputnik, có một điều đáng chú ý nữa là thông tin về động thái mới của Mỹ được đưa ra cùng ngày Tổng thống Putin tới thăm bán đảo Crimea và có một chuyến thám hiểm "thú vị" dưới đáy Biển Đen trong một chiếc tàu lặn mini.
Trong chuyến thám hiểm kéo dài 45 phút, Tổng thống Nga đã khám phá con tàu cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 9 hoặc 10 và một số di tích có niên đại từ thế kỷ 10 mới được các nhà nghiên cứu Nga phát hiện gần đây.
Chuyến thám hiểm được nhà lãnh đạo Nga đánh giá là “rất cần thiết để hiểu về sự hình thành bản sắc dân tộc của đất nước”.
Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông Putin tới Crimea kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo này hồi tháng 3.2014.