Nhu cầu thay thế tên lửa SAM-2 "huyền thoại"
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Tên lửa phòng không được trang bị chủ yếu là tên lửa SAM-2 đã tham gia đánh nhiều trận, lập công xuất sắc, bắn rơi 788 máy bay các loại của địch, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ.
Theo Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh QC PK-KQ, hiện nay, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Bộ đội TLPK nói riêng và toàn quân chủng nói chung phải tập trung xây dựng Quân chủng PK-KQ theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Hiện nay, SAM-2 "huyền thoại" vẫn đang là một trong những loại tên lửa chủ lực, xương sống của lực lượng phòng không Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia từng sử dụng SAM-2 đều đã loại bỏ dòng tên lửa này khỏi biên chế từ lâu.
Bên cạnh đó, qua nhiều năm sử dụng, khí tài đã xuống cấp khiến công tác đảm bảo kỹ thuật rất khó khăn bởi các nhà sản xuất đã khôn còn sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế và nhất là không có đạn tên lửa mới để bổ sung cho lượng lớn đạn không thể tăng hạn sử dụng.
Quan trọng nhất, tính năng của các tổ hợp tên lửa này đang dần lạc hậu, hiệu quả hoạt động hạn chế, nhất là trong chiến tranh hiện đại, dễ bị tổn thương bởi các loại vũ khí công nghệ cao, điều khiển chính xác của đối phương.
Do vậy, trong tương lai gần, nhu cầu thay thế SAM-2 của Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, lựa chọn ứng viên nào hoàn toàn không phải dễ dàng. Bởi lẽ, dòng tên lửa mới sẽ đóng vai trò là lực lượng nòng cốt của Bộ đội tên lửa phòng không trong vài chục năm tới.
Ngoài yêu cầu về tính năng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trong chiến tranh công nghệ cao, phù hợp với định hướng "tiến thẳng lên hiện đại" thì 2 vấn đề không kém quan trọng phải cân nhắc đó là giá thành và "tự chủ" về đảm bảo kỹ thuật ở mức cao.
Có vài tên tuổi sáng giá để trở thành "kẻ kế tục" tên lửa SAM-2 "huyền thoại", trong đó có hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Spyder của Công ty Rafale (Israel). Vậy ứng viên này có "xứng tầm" và đáp ứng được yêu cầu đặc thù của Việt Nam hay không?
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Spyder-SR.
Những lý do khiến Spyder trở thành ứng viên sáng giá
Thứ nhất, có thể nhận chuyển giao công nghệ. Một trong những định hướng lớn hiện nay của Việt Nam là mua sắm vũ khí, khí tài sẽ ưu tiên nhận chuyển giao sâu công nghệ để làm chủ toàn bộ quá trình từ sản xuất, cải tiến nâng cấp và bảo dưỡng, sửa chữa sau này.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa cuối năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến kiểm tra dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới do Israel chuyển giao của Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Tại đây, Chủ tịch nước biểu dương tinh thần vượt khó vươn lên của cán bộ, công nhân viên nhà máy, làm chủ công nghệ kỹ thuật sản xuất vũ khí thế hệ mới hiện đại, mang lại niềm tin về năng lực chế tạo vũ khí của ngành quân giới Việt Nam.
Chủ tịch nước lưu ý bên cạnh nghiên cứu chế tạo, hợp tác để sản xuất sản phẩm thế hệ mới, cần phải tập trung cải tiến nâng cao chất lượng của các sản phẩm đã có.
Israel hiện nay là một trong những đối tác đi đầu trong việc chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí công nghệ cao cho Việt Nam, do vậy, triển vọng về Spyder "Made - in - Vietnam" là khá sáng sủa và khả thi.
Thứ hai, tên lửa uy lực cao. Tổ hợp có hai phiên bản tầm ngắn Spyder-SR và tầm trung Spyder-MR, đều có khả năng bắn - quên nhờ sử dụng 2 loại đạn tên lửa hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Trong đó, Spyder-MR đặc biệt thích hợp để thay thế SAM-2.
Trong đó, tên lửa Derby với đầu tự dẫn radar vô tuyến chủ động, bắt bám mục tiêu sau khi phóng và tên lửa Python-5 với đầu tự dẫn nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng, bắt bám mục tiêu trước hoặc sau khi phóng, có khả năng kháng bẫy mồi nhiệt cực tốt.
Phiên bản Spyder-SR có khả năng diệt mục tiêu trong vùng hoạt động hiệu quả xa nhất tới 15km với dải độ cao từ 20-9.000m, trong khi thông số tương tự của Spyder-MR là 35-50km và từ 20-16.000m. Qua đó, cho phép khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
Xe bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Spyder-SR (bên trái) và tầm trung Spyder-MR (bên phải).
Thứ ba, kết hợp radar hiện đại và phương thức dẫn bắn tiên tiến. Cả 2 đài radar 3 tham số Elta EL/M-2106 ATAR của Spyder-SR và EL/M-2084 của Spyder-MR đều thuộc loại "khủng" nhất thế giới hiện nay.
Đài radar tầm trung Elta EL/M-2106 ATAR là khí tài trinh sát và chỉ thị mục tiêu chủ yếu của tổ hợp Spyder-SR, có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp với các đài radar cảnh giới khác trong mạng radar phòng không.
Đặc biệt, nó có thể liên kết tình báo nội mạng với các đài EL/M-2106 khác trong hệ thống phòng không Spyder với cự li thu phát tình báo dữ liệu qua kênh vô tuyến điện giữa các đài lên tới 100km.
Khi chỉ thị và phân công mục tiêu cho các xe phóng trong tổ hợp, đài EL/M-2106 truyền phát tình báo dữ liệu qua kênh vô tuyến điện tới 6 xe phóng ở cự li tới 10km.
Trong khi đó, radar EL/M-2084 quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) là đài nhìn vòng kiêm chiếu xạ không chỉ được phát triển cho riêng Spyder-MR mà còn cho các hệ thống đánh chặn tên lửa chuyên nhiệm siêu hạng như Iron Dome, David’s Sling của Israel.
Do vậy, không phải nghi ngờ gì về tính năng của đài radar này. Nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc: cảnh giới nhìn vòng; điều khiển tên lửa phòng không hoặc đánh chặn tên lửa; phát hiện các loại đạn pháo, cối, pháo phản lực và định vị trận địa bắn/phóng của chúng.
Cập nhật nhanh, bám sát quỹ đạo hoạt động, mô tả bức tranh toàn cảnh chiến trường trong thời gian thực cho các cấp chỉ huy và các đơn vị hỏa lực, khắc tinh của các mục tiêu bay cỡ nhỏ, tàng hình, hoạt động ở độ cao siêu thấp.
Ưu điểm của cả 2 loại radar EL/M-2106 và EL/M-2084 là vừa cảnh giới phát hiện mục tiêu, vừa dẫn bắn tên lửa, giúp tiết kiệm kinh phí để mua sắm và duy trì vận hành nếu phải có thêm 1 đài radar nhìn vòng chuyên nhiệm như nhiều tổ hợp phòng không khác.
Đài radar quang điện tử đa kênh TOPLITE trên xe phóng (MFU) của tổ hợp tên lửa phòng không Spyder.
Ngoài ra, đài trinh sát/ngắm bắn quang điện tử đa kênh Toplite trên xe phóng có thể hoạt động trong vai trò kênh ngắm bổ trợ cho đài radar nhìn vòng/chiếu xạ khi chỉ huy bắn từ xe chỉ huy, hoặc có thể là kênh trinh sát mục tiêu và ngắm chính cho xe phóng khi hoạt động độc lập.
Thứ tư, phù hợp với hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam. Spyder là tổ hợp phòng không bánh lốp, có khả năng cơ động nhanh trên mọi nẻo đường, kể cả những vùng có cơ sở hạ tầng yếu kém.
Các TLPK bánh xích thường gặp bất tiện lớn khi phải cơ động hành quân xa, nếu không dùng xe chở tăng, có thể sẽ làm hư hỏng mặt đường. Trong chiến tranh hiện đại, thời gian là vàng, điểm yếu của xe bánh xích là tốc độ hành quân chậm hơn bánh lốp rất nhiều.
Thứ năm, giá thành hợp lý. Theo ước tính của các chuyên gia quốc tế dựa trên hợp đồng xuất khẩu của Israel, mỗi tổ hợp tên lửa Spyder-SR (của Singapore) có giá khoảng 11 triệu USD, trong khi Spyder-MR (của Ấn Độ) có giá khoảng hơn 50 triệu USD một chút.
Đây là mức giá khá "mềm" đối với những loại tên lửa hiện đại như vậy. So với các đối thủ trực tiếp đến từ Nga Nga như tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 thì Spyder-SR có giá chỉ bằng khoảng 70-80%, trong khi Spyder-MR lại rẻ hơn BuK-M2 tới 30-40%.
Tất nhiên, mỗi loại vũ khí của cả Nga hay Israel đều có những điểm vượt trội và cái hay riêng, khó có thể so sánh một cách cặn kẽ, nhưng chúng có nhiều điểm tương đồng, nhất là Spyder-MR và BuK-M2, nên so sánh về giá như trên có thể tạm chấp nhận được.
Rõ ràng, nếu Việt Nam có quan tâm tới các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại của Israel thì đó là điều hoàn toàn logic, bởi lẽ nó "vừa hay" hội tụ đầy đủ các yêu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đối với cả 2 quốc gia. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước.