Mảnh ghép đặc biệt của tổ hợp TLPK SPYDER-MR Việt Nam quan tâm

Tuấn Sơn |

Đài radar đa năng ELM-2084 là mảnh ghép đặc biệt quan trọng trong thành phần tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-MR mà Việt Nam quan tâm.

Huyền thoại SAM-2 nhường chỗ cho SPYDER?

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, tên lửa phòng không S-75 mà người Việt Nam gọi dưới cái tên thân thương SAM-2 đã tạo thành các “tọa độ lửa”, vít cổ nhiều máy bay hiện đại trong đó có hàng loạt siêu pháo đài bay B-52.

Nhiều phi công sừng sỏ, kể cả ứng viên phi công vũ trụ của Mỹ đã phải ngậm ngùi, cúi đầu gia nhập trại giam Hỏa Lò.

Từ khi ra quân đánh thắng trận đầu ngày 24/7/1965, đến nay là sắp tròn 50 năm, các tổ hợp SAM-2 đã lạc hậu, tiềm năng nâng cấp rất hạn chế nên sắp tới chúng sẽ được “về hưu”.

Gần đây, nhân dịp Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Đại tá Võ tá Quế - Cục trưởng đã hé lộ trong năm 2015 và các năm tiếp theo, Quân chủng sẽ tiếp nhận nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.

Ngoài ra, trước đó ít lâu các đài radar cảnh giới tầm xa ELM-2288ER đã được đưa vào trang bị chính thức và việc Việt Nam đặc biệt quan tâm tới các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-SR/MR do Israel sản xuất cũng ít nhiều được nhắc đến.

Nếu như SPYDER-SR tầm ngắn là ứng viên thay thế, bổ sung cho các tổ hợp tên lửa phòng không di động Strela-10M, thì SPYDER-MR tầm trung chính là là ứng viên sáng giá thay thế SAM-2.

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-MR
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-MR

Nhiều bài viết đã cung cấp thông tin khá chi tiết về cấu hình chung của các tổ hợp tên lửa phòng không này. Tuy nhiên, mảnh ghép đặc biệt quan trọng là radar đa năng ELM-2084 thì lại ít được đề cập. Vậy radar này có gì đặc biệt?

Radar “n trong 1” duy nhất trên thế giới

Sở dĩ gọi như vậy vì ELM-2084 là radar đa năng siêu hiện đại, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau gồm: cảnh giới nhìn vòng trên không; điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không hoặc đánh chặn tên lửa; phát hiện các loại đạn pháo, cối, pháo phản lực và định vị trận địa của chúng.

Hiện nay trên thế giới hoàn toàn không có tổ hợp radar nào tương tự như vậy. Qua thực chiến trong các cuộc xung đột ở dải Gaza từ năm 2008 - 2009, ELM-2084 đã chứng minh được hiệu quả hoạt động vượt trội của mình.

Giống như ELM-2288ER mà Việt Nam đã trang bị, đài radar đa nhiệm ELM-2084 (MMR) cũng do hãng IAI ELTA của Israel phát triển.

Đây là radar 3D băng sóng S thiết kế dạng module, ứng dụng công nghệ quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), với nhiệm vụ chính là đài nhìn vòng kiêm chiếu xạ cho các tổ hợp tên lửa phòng không/đánh chặn tên lửa tiên tiến như SPYDER-MR, Iron Dome, David’s Sling.

Những đặc điểm siêu hạng

Phát hiện mục tiêu từ xa, truyền tự động đủ 3 tham số (cự ly, phương vị, độ cao) tới các sở chỉ huy tích hợp.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc: cảnh giới nhìn vòng trên không; điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không hoặc đánh chặn tên lửa; phát hiện các loại đạn pháo, cối, pháo phản lực và định vị trận địa bắn/phóng của chúng.

Cập nhật nhanh, bám sát quỹ đạo hoạt động, mô tả bức tranh toàn cảnh chiến trường trong thời gian thực cho các cấp chỉ huy và các đơn vị hỏa lực, khắc tinh của các mục tiêu bay cỡ nhỏ, tàng hình, hoạt động ở độ cao siêu thấp.

Tính toán điểm nổ của đạn pháo, cối, tên lửa đối đất mà đối phương đã bắn.

Diện tích của ăng ten mảng pha có thể mở rộng tùy theo nhiệm vụ và cấu hình.

Hoạt động hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử công nghệ cao, nhiễu dày đặc

Điều khiển từ xa, thời gian triển khai, thu hồi nhanh và cơ động trên mọi địa hình.

Thiết kế mỹ thuật, gọn nhẹ nên có thể vận chuyển trên nhiều loại phương tiện khác nhau.

Thiết kế module cho phép ăng ten của ELM-2084 có thể tùy biến diện tích (số mảng ghép) nhằm đáp ứng từng nhiệm vụ cụ thể

Thông số kỹ thuật cơ bản

Chế độ nhìn vòng cảnh giới trên không

Cự ly phát hiện mục tiêu: tới 410 km.

Nhìn vòng 360o hoặc quét tập trung góc phương vị 120o.

Góc tà: 50o với độ cao phát hiện mục tiêu tới 30 km.

Độ chính xác: cung cấp tham số 3D với sai số cực thấp.

Số mục tiêu xử lý cùng lúc: 1.200 mục tiêu.

Chế độ định vị trận địa bắn/phóng của pháo/tên lửa của đối phương

Cự ly phát hiện: tới 100 km (hoặc tới 250 km).

Quét tập trung góc phương vị 120o; Góc tà: 50o.

Độ chính xác: 0,25% sai số mục tiêu (CEP); Số mục tiêu xử lý cùng lúc: 200 mục tiêu/phút

Mới đây, Thượng tá Tạ Minh Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 236 khẳng định đơn vị đã triển khai trước việc xây dựng trận địa để khí tài mới về là đưa vào sẵn sàng chiến đấu được ngay.

Điểm đáng lưu ý, Trung đoàn 236 chính là đơn vị đầu tiên của quân đội ta được trang bị tên lửa SAM-2 và ra quân đánh thắng trận đầu cách đây 50 năm.

Dẫu chưa thể khẳng định chắc chắn loại khí tài mới mà Trung đoàn 236 sẽ tiếp nhận, chỉ biết đơn vị vẫn đang sử dụng các tổ hợp tên lửa huyền thoại, nhưng rõ ràng ứng viên thay thế chúng hoàn toàn có thể là SPYDER-MR.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại