Trước đó, Malaysia cũng từng thể hiện sự quan tâm của mình tới hệ thống tên lửa BrahMos do Nga và Ấn Độ phát triển. Tuy nhiên, lần này, sự quan tâm của Malaysia có vẻ nhiệt tình hơn bởi Không quân nước này đang mở gói thầu mua 18 chiến đấu cơ mới để đưa vào phục vụ trong năm 2015. Số máy bay này sẽ thay thế cho số MiG-29 đã cũ. Mặc dù chưa đề cập cụ thể đến dòng máy bay nào, song những tín hiệu từ giới quân sự Malaysia cho thấy, Su-30MKM - phiên bản Su-30MK dành riêng cho Malaysia vẫn là chiến đấu cơ được ưu tiên lựa chọn hàng đầu đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Nga đã cam kết với Malaysia rằng lô Su-30MKM mới sẽ có khả năng phóng tên lửa BrahMos trên không, giống như Su-30MKI của Ấn Độ. Hiện có 18 chiếc Su-30MKM phục vụ trong Không quân Hoàng gia Malaysia.
Tương tự như Sukhoi Su-30MKI của Ấn Độ, Su-30MKM cũng là một bước tiến đáng kể trên phiên bản xuất khẩu Su-30K ban đầu. Công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ đã cung cấp cánh mũi, cánh thăng bằng cho Malaysia. Ngoài ra, Không quân Ấn Độ trước đó đã tiến hành hỗ trợ giảng dạy và kỹ thuật tại Malaysia nhằm đào tạo phi công và bộ phận mặt đất cho lực lượng không quân Malaysia.
Nếu thương vụ sắp tới giữa Nga và Malaysia thành công, Không quân Hoàng gia Malaysia sẽ được biên chế tộng cộng 36 máy bay chiến đấu hiện đại Su-30MKM. Như vây, nếu có thể sở hữu tên lửa BrahMos, sức mạnh của Không quân Malaysia sẽ được tăng cường mạnh mẽ.
Phiên bản tên lửa BrahMos phóng trên không hơi khác so với các phiên bản khác, nhưng về cơ bản, các thông số kỹ thuật không có sự thay đổi nhiều, vẫn là tốc độ siêu âm nên không cần thiết phải tăng thêm tốc độ cho tên lửa.
Hiện tại, chỉ có 15 quốc gia có mặt trong danh sách được Hội đồng Nga-Ấn thông qua để có thể mua tên lửa BrahMos.
Năm 2011, tờ The Asian Age và Deccan Chronicle của Ấn Độ từng đưa tin ngoài Malaysia, Việt Nam cũng nằm trong danh sách này, tuy nhiên, theo khẳng định của người đứng đầu BrahMos Aerospace, hiện nay chưa có hợp đồng cung cấp tên lửa BrahMos cho quốc gia thứ ba nào, điều đó đồng nghĩa với việc có thể vài năm nữa, Việt Nam mới tính tới chuyện mua tên lửa BrahMos. Như vậy, rất có thể Malaysia sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á sở hữu loại tên lửa này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!