Thế kỷ XXI được mệnh danh là “Thế kỷ của biển” do nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung khai thác triệt để các lợi ích kinh tế từ biển. Tuy nhiên, điều đó cũng làm nảy sinh một cuộc chạy đua vũ trang nhằm bảo vệ các lợi ích của mình trên biển. Thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các loại tàu ngầm nhất là việc tàu ngầm phi hạt nhân được xuất khẩu rộng rãi đã đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải chống ngầm.
Trong nhiệm vụ tuần tra chống ngầm trên biển thì phương án sử dụng các loại máy bay cánh cố định được đánh giá mang lại hiệu quả rất cao. Máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ giám sát, phát hiện, tác chiến chống ngầm trên một khu vực rộng lớn mà các tàu chống ngầm phải mất rất nhiều thời gian mới thực hiện được.
Với những quốc gia có đường bờ biển dài thì tuần tra hàng hải chống ngầm từ trên không càng trở nên quan trọng. Nhận thấy nhu cầu của thị trường thế giới, trong khuôn khổ triển lãm Farnborough International Airshow 2014 diễn ra từ ngày 19 - 20/07/2014 tại Farnborough, Pháp. Tập đoàn SAAB của Thụy Điển sẽ công bố mô hình máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm Saab 2000 Swordfish nhằm giới thiệu đến các khách hàng tiềm năng.
SAAB đã giới thiệu khái niệm chiến tranh chống ngầm (ASW) và tuần tra hàng hải (MPA) trên cùng một khung máy bay. Mặc dù sự tồn tại của chương trình Swordfish được biết đến từ năm 2000 nhưng đây là lần đầu tiên mô hình của nó được trưng bày tại Farnborough Airshow 2014.
Giám đốc chương trình Swordfish, Matthew Smith trao đổi với IHS Jane's rằng chiếc máy bay đã được phát triển trong nhiều năm và bây giờ nó đã sẵn sàng để cung cấp cho thị trường. Theo ghi nhận của ông Smith, máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm Swordfish được phát triển trên cơ sở máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Saab 2000 Erieye.
Swordfish được trang bị hệ thống điện tử hàng không rất hiện đại mà nòng cốt là radar giám sát hàng hải Selex 7500 Seaspray. Đây là một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu với độ chính xác cao, đặc biệt là trên mặt biển hoặc các khu vực lộn xộn giữa biển và đất liền.
Công nghệ AESA mang lại cho 7500 Seaspray khả năng sử dụng chùm sóng linh hoạt, cung cấp hiệu suất cao trong tất cả các chế độ. Seaspray có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa khoảng 500 km, góc bao phủ 3600, radar này có trọng lượng chỉ khoảng 110 kg.
Hỗ trợ cho radar chính là một hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR, hệ thống định vị thủy âm do Ultra Electronics sản xuất nhằm phát hiện các mối đe dọa từ tàu ngầm. Bên cạnh đó, Swordfish còn được lắp đặt các thiết bị điện tử hàng không hỗ trợ như: Hệ thống nhận dạng và điều hướng tự động, hệ thống liên lạc vệ tinh, hệ thống gây nhiễu điện tử, hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật.
Cấu hình bên trong của máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm Saab 2000 Swordfish.
Khoang máy bay được bố trí 4 trạm kiểm soát, nó có hệ thống lưu trữ nhiên liệu phụ trợ, một hệ thống quay để thả phao định vị âm thanh. Trong chuyến bay, Saab 2000 có thể mở cửa để thả phao cứu sinh hoặc các loại tương tự.
Saab 2000 Swordfish được trang bị 2 động cơ cánh quạt Rolls-Royce AE 2100, công suất 4.152 mã lực/chiếc giúp máy bay đạt tốc độ hành trình 665 km/h, thời gian hoạt động liên tục khoảng 5,5 giờ. Động cơ có công nghệ kiểm soát kỹ thuật số giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Tuy nhiên trong lần giới thiệu tại Farnborough Airshow 2014 lần này, SAAB đã từ chối tiết lộ về khả năng mang tải trọng vũ khí của Saab 2000 Swordfish. Giám đốc chương trình Matthew Smith chỉ úp mở rằng họ đang thảo luận các vấn đề liên quan với một đối tác giấu tên.
Giải pháp phù hợp với Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.000 km cùng vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 nên tuần tra hàng hải chống ngầm đường không có một vai trò cực kỳ quan trọng, tuy nhiên lực lượng tuần tra hàng hải chống ngầm của Việt Nam hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu nên rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù gần đây, Việt Nam đã được trang bị thủy phi cơ DHC-6 và máy bay tuần tra hàng hải CASA-212 song lực lượng này vẫn chưa đủ và đây không phải là những máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm chuyên dụng.
Chính vì vậy, Việt Nam cần một mẫu máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm như Saab 2000 Swordfish để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ vùng biển chủ quyền rộng lớn của mình. Một lợi thế cho Việt Nam là Saab 2000 Swordfish được sản xuất để hướng đến thị trường xuất khẩu.
SAAB từng xem Việt Nam là khách hàng tiềm năng, tập đoàn này đang cố gắng thâm nhập sâu vào thị trường Đông Nam Á nên Việt Nam có thể là một trong những ưu tiên của họ. Hiện tại cấu hình vũ khí của Saab 2000 Swordfish chưa được tiết lộ nhưng dự kiến việc mua máy bay sẽ không gặp phải những rào cản từ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương của Mỹ.
Trước đó, Việt Nam đã từng đề nghị mua máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion từ Hải quân Mỹ song vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Washington. Trong tình hình đó, Saab 2000 Swordfish có thể là một lựa chọn mang tính khả thi.
Máy bay tuần tra hàng hải Saab 2000 Swordfish
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA