Xung quanh việc Việt Nam sẽ đặt mua 6 máy bay tuần tra hải quân P-3 Orion để tăng cường khả năng chống ngầm trên Biển Đông đã gây chú ý cho các phương tiện truyền thông quốc tế. Đặc biệt, theo báo chí TQ cho rằng "Việt Nam mua máy bay P-3C sẽ tăng mạnh bán kính tấn công".
Theo báo Phương Đông của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ trang mạng Jane’s Defense Weekly vừa có bài viết dẫn lời một quan chức cấp cao của hãng Lockheed Martin tiết lộ, Việt Nam có kế hoạch đề nghị với Chính phủ Mỹ mua 6 máy bay tuần tra trên biển P-3C Orion.
Theo bài báo, Việt Nam bắt đầu tiến hành đổi mới mở cửa từ năm 1986, những năm gần đây kinh tế-xã hội phát triển mạnh. Ngày 3/5/2002, Việt Nam tiếp nhận lại quân cảng Cam Ranh từ Nga.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C có bán kính hoạt động đạt 3.835 km, trong khi đó Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, sử dụng máy bay P-3C đủ để đáp ứng yêu cầu của Việt Nam.
Theo tờ báo này tuyên truyền, "Bất kể dùng để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông hay dùng để phòng thủ, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sẽ đem lại cho Việt Nam một bước nhảy “từ không đến có".
Máy bay tuần tra P-3C mà Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Việt Nam, ban đầu sẽ chỉ trang bị thiết bị quan sát cần thiết cho nhiệm vụ tuần tra trên biển, chẳng hạn thiết bị cảm biến tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại FLIR và các hệ thống quan sát khác, nhưng sẽ không có vũ khí trang bị.
Thiết bị chính của P-3C gồm: hệ thống phát hiện từ trường, radar, sonar, thiết bị chụp ảnh. Toàn bộ hệ thống lấy máy tính thông dụng ASQ-114 làm hạt nhân, cùng với thiết bị xử lý dữ liệu AYA-8 và hệ thống hiển thị kiểm soát máy tính, có thể nhanh chóng phân tích và sử dụng các dữ liệu điện từ và âm thanh.
Mặc dù đã bớt đi hệ thống dẫn đường quán tính LTN-72 và hệ thống định vị trên không chiến thuật AN/ARN-118, nhưng máy bay P-3C có hành trình xa, thiết bị nhận biết, phát hiện tiên tiến, có thể mang theo các loại vũ khí như tên lửa chống hạm, sẽ tăng cường rất lớn “tầm nhìn” và bán kính tấn công cho Hải quân Việt Nam.
Đối với Việt Nam, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C một mặt có thể cải thiện trình độ chế tạo máy bay tuần tra săn ngầm trong nước, mặt khác làm công tác chuẩn bị cho Việt Nam đào tạo phi công máy bay tuần tra săn ngầm và nâng cấp máy bay trinh sát điện tử.
Cùng với việc cải thiện quan hệ Việt-Mỹ, mặc dù tạm thời Mỹ không bán máy bay săn ngầm tiên tiến nhất cho Việt Nam, nhưng sau này hoàn toàn có thể bán máy bay săn ngầm có lắp hệ thống vũ khí cho Việt Nam. Nhiệm vụ của P-3C là tuần tra và săn ngầm, có thời gian bay trên không dài, cho nên rất thích hợp cho cải tạo thành máy bay trinh sát điện tử.
Trong khi đó, hệ thống điện tử luôn là ưu thế của máy bay trinh sát săn ngầm P-3C, nếu sau này Việt Nam có thể có được hệ thống điện tử tiên tiến của Mỹ trên máy bay săn ngầm P-3C, thì Việt Nam sau này hoàn toàn có thể ứng dụng rộng rãi nó vào các loại máy bay khác.
Tờ Phương Đông bình luận rằng, "với tính chất là một sách lược quan trọng của ngoại giao Việt Nam, mua máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cũ một mặt có thể cải thiện quan hệ với Mỹ, mặt khác có thể có được giá trị tiềm năng - sở hữu hệ thống điện tử tiên tiến của Mỹ; đồng thời còn có thể phòng thủ biển Đông...".
Như vậy, sự xuất hiện máy bay P-3C Orion của Mỹ sản xuất trên Biển Đông chắc chắn sẽ thay đổi địa chính trị và địa quân sự khu vực nếu như điều đó xảy ra.
Máy bay P-3 Orion đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu chống ngầm. Qua nhiều lần nâng cấp P-3 Orion trở thành P-3C4 Orion là loại máy bay đời mới nhất trong Hải quân Mỹ và Nhật Bản. Ngoài các nhiệm vụ chống ngầm, một số máy bay P-3C4 được nâng cấp để hỗ trợ mặt đất trên chiến trường gồm radar địa hình, cảm biến quang-điện tử với khả năng kết nối thời gian thực cho các nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu.
Máy bay săn ngầm P-3C do hãng Lockheed Martin Mỹ nghiên cứu thiết kế, công dụng chính của máy bay này là tiến hành nhiệm vụ săn ngầm, tuần tra và trinh sát/do thám trên biển, trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt (turboprop) T56-A-14, dài 35,061 m, sải cánh 30,37 m, cao 10,27 m, trọng lượng cất cánh bình thường 61,235 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 64,410 tấn, trọng lượng hạ cánh tiêu chuẩn 47,119 tấn.
Tốc độ bay bằng tối đa 761 km/giờ, tốc độ tuần tra kinh tế 608 km/giờ, tốc độ tuần tra bay thấp 381 km/giờ, trần bay thực tế 8.625 m, bán kính nhiệm vụ 3.835 km.