Không đối đầu trực diện, TQ vẫn có cách làm tê liệt F-22 và F-35

Hải Vy |

Theo The National Interest, dù vượt trội hơn các đối thủ TQ nhưng F-22 và F-35 sẽ không phát huy được gì nếu không có các căn cứ để hoạt động hoặc không có máy bay tiếp dầu hỗ trợ.

Trong bài trên trên tạp chí The National Interest (Mỹ), tác giả Dave Majumdar nhận định:

Shengyang J-11, phiên bản sao chép không giấy phép của Su-27 Flanker (do Nga phát triển) đã trở thành trụ cột của Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Mặc dù các máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất không thể địch được các chiến đấu cơ Mỹ khi 1 chọi 1 nhưng Bắc Kinh lại có ưu thế về số lượng.

Trong tương lai, các biến thể tiên tiến của J-11 có thể có những khả năng ngang với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Mỹ và đồng minh như F-15 và F-16.

Thậm chí tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Joint Strike Fighter có nguy cơ bị áp đảo bởi số lượng lớn các chiến đấu cơ Trung Quốc và những vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu hụt căn cứ quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.


Tiêm kích J-11

Tiêm kích J-11

J-11 có gì đặc biệt?

J-11 có nhiều phiên bản, từ mẫu sản xuất theo giấy phép ban đầu (J-11 được chế tạo theo Su-27, một phần theo giấy phép và không giấy phép) cho tới biến thể chế tạo “nội địa” J-11A.

Sau đó là biến thể nâng cấp J-11B/J-11BS, với một loạt các cải tiến về khí tài và hệ thống điện tử của Trung Quốc.

Bắc Kinh tiếp tục phát triển các phiên bản khác của J-11, trong đó có tiêm kích hạm J-15, được thiết kế để hoạt động trên Liêu Ninh – chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc.

Quá trình phát triển J-15 được dựa trên nguyên mẫu Su-33 Flanker mua từ Ukraine.

Tuy nhiên, J-15 không chỉ đơn thuần là một bản copy thiết kế của Nga theo kỹ thuật đảo ngược. Nó dự kiến trang bị một loạt hệ thống điện tử tiên tiến, trong đó có radar mảng pha và hệ thống tìm kiếm-theo dõi hồng ngoại.


Tiêm kích hạm J-15

Tiêm kích hạm J-15

Mặc dù chú trọng phát triển tiêm kích hạm J-15 nhưng Trung Quốc vẫn xúc tiến quá trình phát triển song song các phiên bản khác của J-11 với những cải tiến tương tự.

Biến thể J-11D, hiện đang trong quá trình phát triển, là phiên bản Flanker tiên tiến nhất của Trung Quốc, với thiết kế 1 chỗ ngồi và cất cánh từ căn cứ trên bộ.

Mặc dù xét tổng thể, J-11D có lẽ không mạnh bằng các chiến đấu cơ Su-35S của Nga nhưng lại có thể so sánh được ở nhiều khía cạnh.

Vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh các thông tin liên quan đến J-11D, song nó được cho là đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4 năm nay.

Biến thể này trang bị một loại radar quét mảng pha điện tử mới, có thể là radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA).

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu Trung Quốc đã chế tạo được một loại AESA hiệu quả, nước này sẽ không cần mua các máy bay chiến đấu Su-35.

Đó có thể là lý do tại sao Trung Quốc và Nga phải đàm phán rất lâu để đạt được thỏa thuận cung cấp Su-35, trong khi Bắc Kinh đã phát triển tới mức độ không còn phải quá phụ thuộc vào Nga như trước đây.

Trung Quốc cũng dự định sử dụng vật liệu hấp thụ radar trên J-11D để giảm độ bộc lộ của máy bay, bên cạnh đó là trang bị hệ thống tìm kiếm-theo dõi hồng ngoại mới (IRST) và các hệ thống tác chiến điện tử được cải tiến.

Còn có thông tin J-11D lắp đặt phiên bản cải tiến của động cơ WS-10 do Trung Quốc chế tạo, tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn gặp rất nhiều khó khăn để sản xuất ra một loại động cơ đáng tin cậy cho máy bay của họ.

Viễn cảnh đối đầu ở châu Á

Mặc dù điều quan trọng là cân nhắc tất cả các cuộc đối đầu tiềm năng giữa chiến đấu cơ Mỹ - Trung nhưng vẫn có một khả năng khác không nên bỏ qua.

Đó là có những dữ liệu quan trọng cho thấy những chiếc máy bay này không bao giờ đối đầu trên bầu trời châu Á.

Với diện tích rộng lớn của Thái Bình Dương, các máy bay chiến đấu Trung Quốc cất cánh từ căn cứ trên đất liền sẽ bị hạn chế khi tấn công các nước láng giềng cách xa Trung Quốc.

Song, chúng sẽ gây ra vấn đề “tiếp cận” cho các lực lượng Mỹ trong trường hợp có xung đột, nhất là khi kết hợp với mạng lưới hệ thống phòng không tích hợp.


Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35

Nếu chiến tranh nổ ra ở Tây Thái Bình Dương, những trận không chiến lớn mà nhiều người hình dùng có thể sẽ không diễn ra, bởi Mỹ và các đồng minh có ít căn cứ tại khu vực này để bố trí các tiêm kích chiến thuật như F-35.

Ngay cả khi máy bay chiến đấu Mỹ cất cánh từ các căn cứ ở Nhật Bản như Kadena và Andersen ở Guam thì khoảng cách vẫn là rất lớn.

Trong khi đó, các máy bay tiếp dầu lại dễ trở thành mục tiêu bị tấn công đầu tiên.

Ngoài ra, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tấn công các căn cứ không quân này bằng kho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo khổng lồ, khiến chúng bị tê liệt ngay cả khi các công trình tại đây được gia cố vững chãi.

Thậm chí nếu các chiến đấu cơ Mỹ, như F-22 và F-35, vượt trội hơn các đối thủ Trung Quốc thì chúng vẫn không phát huy được gì nếu không có các căn cứ để hoạt động hoặc không có máy bay tiếp dầu hỗ trợ.

Thêm vào đó, không có thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, những máy bay này sẽ không được hỗ trợ đầy đủ và thậm chí gặp nhiều khó khăn hơn nếu Trung Quốc tấn công các dữ liệu mạng và không gian dùng để kết nối các lực lượng Mỹ.

Vì vậy, thay vì băn khoăn về khả năng sống sót của F-35 trong không chiến, cần đặt câu hỏi liệu máy bay chiến đấu chiến thuật tầm ngắn có thực sự phù hợp với mặt trận Thái Bình Dương hay không?

**Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Dave Majumdar, biên tập viên các vấn đề quân sự của tạp chí The National Interest.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại