Theo hãng tin Sputnik, những đồn đoán về PL-10, tên lửa không đối không tầm ngắn mới nhất của Trung Quốc, đã gây xôn xao trong 2 năm qua.
Mới đây, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Trung Quốc, ông Liang Xiaogeng - thiết kế trưởng của mẫu tên lửa này cho biết PL-10 đã gần hoàn thiện, đồng thời tiết lộ thêm một số thông tin chi tiết về tác phẩm của mình.
PL-10 là tên lửa thế hệ 5 do Viện nghiên cứu Quang – Điện tử Luoyang (LEOC) thiết kế. Những hình ảnh về PL-10 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013.
Theo kế hoạch, PL-10 sẽ được trang bị cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 nhưng người ta cũng từng thấy nó xuất hiện trên chiến đấu cơ thế hệ 4 J-11 (bản sao của Su-27 Nga).
Dựa trên những bức ảnh được lan truyền, các chuyên gia nhận định PL-10 sử dụng công nghệ lực đẩy vector, có khả năng cơ động cao. Bên cạnh đó, nó có thể hoạt động theo hệ thống hiển thị mục tiêu trên kính mũ phi công.
Tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10. Ảnh: Chinese Military Review
Ông Liang Xiaogeng cho biết, tên lửa PL-10 nặng khoảng 90kg, dài 3m, có những khả năng “tầm cỡ thế giới”. Trải qua quá trình 7 năm phát triển, PL-10 có tầm bắn gần 20km.
Theo ông Liang, PL-10 trang bị đầu dò hồng ngoại với khả năng kháng nhiễu. Cho tới nay, Trung Quốc đã thử nghiệm bắn PL-10 30 lần và các lần thử nghiệm này đều thành công.
Trước đó, một bài viết trên website hàng không “Aviators” của Mỹ nhận định, tên lửa PL-10 không hề thua kém AIM-9X – mẫu tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Mỹ.
PL-10 khiến J-20 trở thành mối lo ngại lớn của các phi công F-22.
Bên cạnh đó, hệ thống hiển thị mục tiêu trên kính mũ phi công Trung Quốc cho phép tên lửa PL-10 thực hiện tấn công theo phương án “nhìn đâu đánh đấy” (phi công đánh mắt nhìn, tên lửa tấn công mục tiêu).
Theo Aviators, nếu đối đầu với J-20, tiêm kích F-22 của Mỹ sẽ phải mất thời gian để khóa mục tiêu. Trong khi đó, cơ chế ngắm bắn đơn giản như trên sẽ cho phép J-20 bắn tên lửa PL-10 nhanh hơn và đánh trúng F-22 trước.
Hơn nữa, với công nghệ lực đẩy vector, PL-10 có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu cơ động cao.
Một số phi công F-22 lo ngại rằng khi Trung Quốc đưa vào trang bị J-20, F-22 sẽ hoàn toàn mất đi ưu thế trên không.