Chê xe tăng Armata đắt? Hãy nhìn sang Abrams!

Hải Vy |

Theo Sputnik, mức chi phí sản xuất của xe tăng Armata hiện nay "chưa thấm vào đâu" so với chi phí sản xuất xe tăng Abrams của Mỹ.

Theo thông báo mới của ông Oleg Siyenko, Giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod, mức chi phí để sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata sẽ là 250 triệu rúp/chiếc (tương đương 3,7 triệu USD).

Các thông tin trước đó cho biết chi phí sản xuất xe tăng Armata rơi vào khoảng 500 triệu rúp. Mức này được cho là quá cao.

Tuy nhiên, ông Siyenko giải thích rằng chi phí sản xuất 1 đơn vị riêng lẻ bao giờ cũng đắt hơn nhiều so với chi phí sản xuất hàng loạt.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), đối thủ của Armata - xe tăng Abrams M1A2 SEP do Mỹ sản xuất – còn có chi phí ước tính lên đến 8,5 triệu USD.

Các lực lượng vũ trang Nga dự kiến sẽ trang bị 2.300 xe tăng Armata vào năm 2025.

Lô xe tăng thử nghiệm đầu tiên đã được sản xuất trong thời gian ngắn để chuẩn bị cho Lễ duyệt binh ngày 9/5 trên Quảng trường Đỏ. Tới năm 2016, chúng sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga.


Xe tăng M1A2 SEP. Ảnh: Military-Today

Xe tăng M1A2 SEP. Ảnh: Military-Today

Theo ông Victor Murakhovski, một thành viên trong hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng Nga, thông số kỹ thuật của T-14 Armata vượt trội hơn đáng kể so với đối thủ Mỹ.

“Nếu so sánh thông số kỹ thuật trên giấy tờ, hiệu quả hỏa lực và mức độ bảo vệ của lớp giáp trên Armata vượt trội hơn Abrams từ 30-40%.

Về giá cả, cần lưu ý rằng khi mua xe tăng, còn có các chi phí đi kèm về đạn dược, cơ sở bảo dưỡng, đào tạo kíp xe…

Vì điều này, giá một chiếc xe tăng sẽ đắt đỏ hơn nhiều nếu xét trên từng đơn vị riêng lẻ” – ông Murakhovski giải thích.

Ông Murakhovski nói rõ thêm rằng:

“Chi phí tổng cộng của xe tăng Abrams lên tới 10-11 triệu USD. Chúng có mặt trong biên chế quân đội Mỹ, Australia và một số ít ở  Ai Cập. Tuy nhiên, phiên bản cải tiến mới nhất với giáp uranium chỉ có ở Mỹ”.

Đề cập tới những đột phá trên Armata, vị chuyên gia cho rằng ngày nay, điều quan trọng là phải bảo vệ kíp xe, khả năng sống sót và tích lũy kinh nghiệm chiến đấu.

“Tháp pháo tự động trên Armata được chế tạo vì một lý do đơn giản. Ngày nay, các phương tiện kỹ thuật dùng để theo dõi và nhận dạng mục tiêu tự động đã vượt qua khả năng của con người.

Vì vậy, con người không cần thiết phải đảm nhiệm những chức năng này khi máy móc có thể làm tốt hơn” – ông Murakhovski nói.

Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố, các quốc gia phương Tây đang tụt hậu sau Nga từ 15 – 20 năm về công nghệ chế tạo xe tăng tiên tiến.

Phía nhà sản xuất Uralvagonzavod khẳng định Armata đang là mẫu xe tăng tiên tiến nhất trên thế giới. Đặc biệt, nền tảng khung gầm Armata có tiềm năng hiện đại hóa “không giới hạn” hay có thể được nâng cấp “vô số lần”.

Theo các nhà thiết kế Nga, trong tương lai, Armata có thể được cải tiến để trở thành mẫu xe tăng không người lái đầu tiên trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại