Chi phí sản xuất siêu tăng Armata bỗng rẻ "giật mình"

Minh Nguyễn |

Theo ông Oleg Siyenko, CEO tập đoàn Uralvagonzavod, trong điều kiện sản xuất hàng loạt, chi phí một chiếc Armata là 250 triệu rúp, giảm một nửa so với chi phí ban đầu.

Ngày 14/09, phát biểu trên đài “Tiếng vọng Moskva”, ông Oleg Siyenko – Giám đốc điều hành Tập đoàn nghiên cứu và sản xuất vũ khí  “Uralvagonzavod” cho biết, quân đội Nga sẽ nhận được 2300 chiếc xe tăng thế hệ mới “Armata”.

Theo lời ông Siyenko, trong chương trình vũ khí quốc gia của Nga, 2.300 đơn vị xe tăng “Armata” sẽ được cung cấp đến năm 2020, nhưng nhiều khả năng thời hạn sẽ được điều chỉnh.

“Khối lượng công việc rất lớn, khả năng phải kéo dài tới năm 2025” – ông Siyenko nói.

Thêm vào đó, “Uralvagonzavod”  cũng đang phát triển mọt số kỹ thuật công nghệ vũ khí khác theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga.

Nga sẽ nhận được 2.300 xe tăng Armata đến năm 2020. Ảnh Reuters
Nga sẽ nhận được 2.300 xe tăng Armata đến năm 2020. Ảnh Reuters

Khi được hỏi về chi phí sản xuất xe tăng “Armata”, ông Siyenko cho biết, trong điều kiện sản xuất hàng loạt, chi phí một chiếc Armata là 250 triệu rúp (3,7 triệu USD), giảm một nửa so với chi phí ban đầu.

“Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào cách chúng ta chuẩn bị công nghệ sản xuất” – ông Siyenko nhấn mạnh. Có nhiều đồn thổi về giá cả “trên trời” của  xe Armata, song các nhà sản xuất đang cố gắng điều chỉnh kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất xe tăng thế hệ mới này.

Xe tăng Armata do tập đoàn “Uralvagonzavod” phát triển, lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong đợt diễn tập duyệt binh nhân “Ngày chiến thắng phát xít” hồi tháng 4/2015.

Tập đoàn “Uralvagonzavod” có 100 % vốn cổ phần của các công ty thuộc sở hữu Nhà nước. Tập đoàn này chuyên tham gia vào phát triển và sản xuất các thiết bị quân sự, toa tàu và các máy xây dựng.

“Uralvagonzavod” đang chiếm vị trí thứ 52 trong bảng xếp hạng các tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới “Defence News Top 100”.

Tăng Armata nhiều tính năng, dễ sử dụng

Tại triển lãm vũ khí “Russia Arms Expo (RAE) 2015”, kỹ sư trưởng thiết kế chiếc xe tăng Armata, ông Andrei Terlikov cho biết, việc vận hành xe tăng thế hệ mới này không quá phức tạp.

Xe rất dễ điều khiển, trong trường hợp có sự cố, xe sẽ tự động báo lỗi cho kíp lái và xác định vị trí để sửa chữa.

Cùng với hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động hóa, việc chuẩn bị và tấn công mục tiêu rất đơn giản.

Tất nhiên, phải có một mức độ kiến thức nhất định, tổ lái mới có thể vận hành xe tăng và làm chủ vũ khí. Song, mức độ này không cao hơn so với tăng T-72B3 và T-90.

Yêu cầu sẽ cao hơn đối với bộ phận bảo trì và sửa chữa xe tăng Armata.

Tổng thống Putin và ông Andrei Terlikov tại triển lãm Russia Arms Expo (RAE) 2015 - Ảnh- RIA Novosti
Tổng thống Putin và ông Andrei Terlikov tại triển lãm Russia Arms Expo (RAE) 2015 - Ảnh- RIA Novosti

Xe tăng chiến đấu T-14 Armata có những đặc tính kỹ thuật rất hiện đại, có hệ thống nạp đạn tự động, pháo 125mm, tháp pháo điều khiển từ xa.

Armata có thiết để đặc biệt nhằm tăng cường khả năng bảo vệ tính mạng cho kíp lái, thậm chí khi xe tăng trúng đạn và bốc cháy.

Hiện tại, xe tăng Armata được trang bị pháo cỡ nòng tiêu chuẩn 125mm, bắn được cả đạn pháo thông thường và tên lửa.

Với thiết kế kiểu mô-đun khung đặc biệt, các nhà sản xuất có thể lắp đặt các khẩu pháo 152mm, nếu khách hàng yêu cầu.

Ông Siyenko cho biết thêm, chu kỳ phát triển của dòng xe tăng mới trên thế giới hiện nay là hớn 8 năm.

Nga và phương Tây đang chọn hướng chiến lược cho việc phát triển các dòng tăng chủ lực của mình. Một trong những hướng chiến lược đó là hiện đại hóa toàn diện lực lượng xe tăng hiện có, song song với quá trình phát triển một dòng tăng được điều khiển từ xa.

“Trong thực tế, tăng Armata có thể được sử dụng trong biến thể không người lái, nhưng  tôi tin rằng, dòng tăng không người lái sẽ khác hơn” - ông Siyenko nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại