"Khi Mỹ làm chủ được bầu trời thì đã muộn, TQ đã đạt mục đích..."

Hải Vy |

Trước mối đe dọa từ tên lửa TQ, chuyên gia David Ochmanek cho rằng sách lược phá hủy hàng phòng không đối phương để giành quyền kiểm soát trên không/biển của Mỹ không còn khả thi.

Giữ ngôi "vua biển cả"

Do lo ngại năng lực hải quân đang gia tăng của Trung Quốc mà lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, Hải quân Mỹ gấp rút tìm mua tên lửa chống hạm mới và từ bỏ học thuyết chiến tranh lâu đời ở Thái Bình Dương.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ tận hưởng ngôi vị thống trị trên biển, không lực lượng hải quân nào có thể tạo ra mối đe dọa lớn với họ.

Thế nhưng, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân, chi hàng chục tỷ USD hàng năm để đóng tàu chiến đủ mọi kích cỡ và sản xuất một kho tên lửa đáng gờm nhằm thu hẹp phạm vi hoạt động hải quân của Mỹ.

Nga cũng bắt đầu "khoe cơ bắp" trên biển sau một thời gian dài tụt dốc. Tuần trước, tàu ngầm "tàng hình" mới của nước này (mang tên Rostov-on-Don) đã phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS tại Syria.

Song, mối đe dọa đang trỗi dậy từ Trung Quốc nói riêng đã khiến các chỉ huy hải quân Mỹ phải đánh giá lại chiến lược tác chiến và tức tốc tìm kiếm tên lửa chống hạm mới cho các tàu chiến mặt nước.

Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ

Lầu Năm Góc còn có kế hoạch cải tiến các tên lửa hiện có như Tomahawk để đảm nhận nhiệm vụ chống tàu dù chúng vốn được thiết kế cho mục đích khác như tấn công các mục tiêu cố định trên bộ.

Các quan chức hải quân cũng nhận ra một điều: Mỹ không thể tiếp tục nghĩ rằng mình vẫn thống trị đại dương hay tránh được những tổn thất đáng kể trong cuộc xung đột (nếu xảy ra) với Trung Quốc.

Ý tưởng trước đây về một chiến dịch được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm phá hủy mạng lưới phòng không và phòng thủ khác của đối phương đã được thay thế bằng một viễn cảnh mới.

Trong đó, các lực lượng Mỹ sẽ "nhanh hơn", "tàng hình hơn", chống lại kẻ địch mà không nhất thiết phải giành thắng lợi hoàn toàn.

Theo hướng tiếp cận mới, giới quan chức quốc phòng Mỹ đang tập trung giành quyền kiểm soát các căn cứ không quân rải rác trên khắp các đảo ở Thái Bình Dương, do các căn cứ không quân lớn nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc dễ bị tổn hại.

Lần gần đây nhất Hải quân Mỹ đánh chìm tàu của đối phương là vào năm 1988, khinh hạm USS Simpson (lớp Perry) đã hạ knock-out tàu pháo của Iran để trả đũa vụ Tehran dùng mìn tấn công một chiếc tàu của Mỹ 4 ngày trước đó tại Vịnh Ba Tư.

Tháng 9 năm nay, tàu Simpson đã chính thức "nghỉ hưu" sau 30 năm hoạt động.


USS Shiloh, tuần dương hạm lớp Ticonderoga phóng tên lửa Harpoon.

USS Shiloh, tuần dương hạm lớp Ticonderoga phóng tên lửa Harpoon.

Nhiều năm sau cuộc đối đầu quân sự đó, Hải quân Mỹ đã phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi, phương tiện không người lái, sonar, máy bay chiến đấu mới và nhiều khí tài khác. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon triển khai từ năm 1977.

Các quan chức quân sự tin rằng tàu chiến Trung Quốc có thể bắn hạ hoặc tránh được các tên lửa Harppon đã "già cỗi" nếu có xung đột và Mỹ cần có những vũ khí tinh vi hơn nữa để có lực lượng đối trọng đáng tin cậy.

Chính vì vậy, Hải quân Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch trang bị cho lực lượng tàu chiến mặt nước và tàu ngầm các tên lửa chống hạm hiệu quả hơn, có tầm bắn xa hơn, qua mặt được các hệ thống phòng thủ công nghệ cao của đối phương.

Tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phiên bản tên lửa Tomahawk được chuyển đổi để kiểm tra khả năng tấn công mục tiêu di động trên biển. Theo các quan chức quốc phòng, cuộc thử nghiệm đã thành công.

Người phát ngôn của Hải quân Mỹ Robert Myers cho biết, Hải quân Mỹ dự định bắt đầu triển khai phiên bản tên lửa này "trong vòng vài năm tới".

Tên lửa LRASM được thả từ máy bay ném bom B-1B trong một cuộc thử nghiệm
Tên lửa LRASM được thả từ máy bay ném bom B-1B trong một cuộc thử nghiệm

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng cải tiến một loại vũ khí mới hơn, đó là tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) – được thiết kế để phóng từ máy bay.

Các lựa chọn khác bao gồm tên lửa tấn công hải quân do Na Uy phát triển và đang được sản xuất hoặc tên lửa phòng không tinh vi SM-6.

Trong cuộc cạnh tranh ngày càng găng go nhằm giành quyền lực và tầm ảnh hưởng chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chỉ huy Mỹ có vẻ quyết tâm vượt trước quân đội Trung Quốc.

Phó Đô đốc Thomas Rowden, chỉ huy lực lượng tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ đang kêu gọi tăng cường hỏa lực tấn công cho hạm đội, trong đó có khả năng vũ trang cho các tàu hậu cần vốn không được trang bị vũ khí.

Ông Rowden cho rằng, bằng cách triển khai các tên lửa mới có khả năng tấn công tàu chiến, đối phương sẽ không chỉ lo ngại về tàu sân bay hay ngư lôi phóng từ tàu ngầm của Mỹ mà còn cả lực lượng tàu chiến mặt nước và khả năng tấn công của chúng.

Mỹ có lực lượng hải quân với những công nghệ tinh vi nhất trên thế giới, hiện diện trên toàn cầu. Hải quân Mỹ triển khai tổng cộng 272 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, ngoài ra còn có hơn 150 tàu dự bị.

Hải quân Trung Quốc hiện vẫn còn kém xa Mỹ nhưng tốc độ đóng tàu hiện nay của Bắc Kinh cho thấy nước này có thể trở thành lực lượng hải quân mạnh thứ 2 thế giới vào năm 2020.

Sau mức tăng chi tiêu quân sự khá đều đặn trong thập kỷ qua, trung bình tăng 9,5% một năm, Trung Quốc hiện có hơn 300 tàu hải quân.

Với khoảng 1/3 trong số 165 tỷ USD ngân sách quốc phòng chi cho hải quân, Trung Quốc đã đầu tư một số tiền lớn vào chế tạo các lớp tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu ngầm mới và cả tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này.

Trong khi đó, Nga mang lại ít mối đe dọa hơn trong tương lai gần và gần đây nước này mới bắt đầu nâng cấp hạm đội 280 tàu của mình, trong đó có những tàu từ thời Chiến tranh Lạnh, đã lỗi thời, nhiều lúc thiếu nhân lực và thiết bị để triển khai.

Giới phân tích quân sự cho biết, vẫn chưa rõ liệu Nga, với nền kinh tế đang suy yếu, có thể duy trì những kế hoạch tham vọng hiện nay hay không, như triển khai một nhóm tác chiến thường trực tại Địa Trung Hải.

Các nhà thầu quốc phòng và giới lập pháp Mỹ thường xuyên phải lắng nghe cảnh báo về việc Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với quân đội Mỹ và kế hoạch phát triển tên lửa chống tàu mới của Lầu Năm Góc.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều áp lực về ngân sách, Hải quân Mỹ đã nhấn mạnh tới mối đe dọa từ hải quân Trung Quốc để đảm bảo nguồn tài trợ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng họ đang phóng đại mối đe dọa này.

Sách lược mới

Ngoài đẩy mạnh kế hoạch phát triển vũ khí mới cho các tàu mặt nước, mối đe dọa từ kho tên lửa ngày càng mở rộng của Trung Quốc đã khiến Lầu Năm Góc phải điều chỉnh tư duy chiến lược.

Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại tên lửa đạn đạo chống tàu được ví von là "sát thủ tàu sân bay" DF-21D của Trung Quốc.

Loại tên lửa này đã xuất hiện trong cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít Nhật do Bắc Kinh tổ chức vào tháng 9 năm nay.

Mô phỏng một đợt tấn công của tên lửa DF-21D Trung Quốc. Nguồn: Defense-Update

Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18 phóng từ tàu ngầm.

Cả 2 loại tên lửa này đều tạo ra mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay – biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ, buộc con tàu khổng lồ này và lực lượng không quân trên hạm không thể tiếp cận khu vực tác chiến.

Theo David Ochmanek, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và nay là chuyên gia quốc phòng tại tổ chức tư vấn RAND, điều này có nghĩa sách lược phá hủy hàng phòng không đối phương và giành quyền kiểm soát trên không/biển của Mỹ không còn khả thi.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Du Wenlong nói về tên lửa YJ-18 trong một chương trình của CCTV.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Du Wenlong nói về tên lửa YJ-18 trong một chương trình của CCTV.

Trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan hoặc có động thái leo thang ở Biển Đông, lực lượng không quân và hải quân của Mỹ trên các tàu sân bay và các căn cứ lớn ở Nhật Bản hoặc Guam sẽ dễ bị tổn hại bởi tên lửa Trung Quốc.

Đến khi Không quân Mỹ giành được quyền kiểm soát trên không thì có thể đã quá muộn, Trung Quốc đã đạt được mục đích của họ.

Xét tới tầm bắn của các tên lửa tầm trung và tầm xa Trung Quốc, lực lượng Mỹ không thể trông chờ chiến thắng tuyệt đối mà phải tìm cách nhanh chóng ngăn Trung Quốc đạt được mục đích, dựa chủ yếu vào máy bay tàng hình.

Trong trường hợp này, các lực lượng Mỹ sẽ chịu nhiều tổn thất hơn.

"Các bạn sẽ mất đi nhiều tàu chiến, máy bay và nhân mạng" - Ochmanek nói.

Thậm chí trước khi sự phát triển hải quân của Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc bận tâm, các chiến thuật của Iran tại Vịnh Ba Tư (chủ yếu dựa vào tàu tốc độ cao trang bị tên lửa hành trình chống hạm) đã buộc Hải quân Mỹ phải xem xét lại học thuyết và sách lược chiến tranh.

Các chỉ huy Mỹ đã rất bất an khi nhận thấy các tàu tốc độ cao của Iran có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho những con tàu to xác và chậm chạp của mình.

Mối đe dọa từ Iran đã khiến Hải quân Mỹ phải triển khai vũ khí laser và lên kế hoạch trang bị tên lửa Hellfire cho các tàu tác chiến cận bờ (LCS).

Để giảm nguy cơ thiệt hại đối với máy bay chiến đấu và ném bom do các cuộc tấn công tên lửa, hiện nay, quân đội Mỹ tiến hành phân bổ máy bay chiến đấu và vũ khí tại nhiều căn cứ không quân khác nhau và giấu kỹ hành tung của chúng.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, chiến lược này không đòi hỏi các căn cứ lớn, thường trực mà thay vào đó là quyền kiểm soát nhiều sân bay ở Thái Bình Dương, thậm chí cả những đường băng khá thô và không có nhiều cơ sở hạ tầng khác hỗ trợ.

Mỹ hy vọng có thể giành quyền kiểm soát một số căn cứ không quân tại Philippines, theo bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng được ký kết với Manila vào năm ngoái. Thỏa thuận này hiện đang được tòa án tối cao của Philippines xem xét lại.

Quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc kế hoạch xây dựng cơ sở tăng cường tại các đảo ở Thái Bình Dương, đây là các đảo từng đóng vai trò khá nổi bật trong Thế chiến II.

Mặc dù xung đột với Trung Quốc vẫn là chuyện khá xa vời nhưng giới phân tích quân sự và các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, tư tưởng "Mỹ đã mất lợi thế quân sự" có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý các đồng minh và đối tác của Washington.

Bất cứ dấu hiệu yếu đuối nào cũng có thể khiến Bắc Kinh được đà lấn tới, khi nước này đang theo đuổi các yêu sách tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và một số khu vực khác.

Trung Quốc không hề che đậy mục đích xây dựng lực lượng hải quân mạnh mẽ để vươn ra toàn cầu, có khả năng hoạt động tại những vùng biển xa thay vì chỉ bó hẹp trong các vùng biển gần bờ.

Theo chiến lược quân sự chính thức mà Bắc Kinh vừa công bố tháng 5 năm nay, nước này đặt ưu tiên hàng đầu vào xây dựng sức mạnh trên biển. Trung Quốc đang tham vọng biến mình thành một cường quốc hải quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại