DDG-51 Arleigh Burke là lớp tàu khu trục Aegis duy nhất của Hải quân Mỹ, đang hiện diện trên khắp các vùng biển thế giới. Arleigh Burke có khả năng chiến đấu rất cao, có thể tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên biển, trên không lẫn trên mặt đất. Đặc biệt, khu trục hạm lớp Arleigh Burke còn đóng vai trò then chốt trong thành phần lá chắn tên lửa đạn đạo mà Washington đang thiết lập cùng nhiều quốc gia đồng minh.
Khu trục hạm Arleigh Burke DDG-51
Nhận thấy sự ưu việt của Arleigh Burke, một số quốc gia đồng minh của Mỹ cả trong và ngoài NATO như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha, Na Uy đã mua lại thiết kế để sản xuất ra những phiên bản Aegis của riêng mình, cụ thể gồm những lớp tàu sau đây:
1. Khu trục hạm lớp Kongo
Khu trục hạm Kongo - DDG-173
Kongo là lớp tàu khu trục tên lửa kiểu Aegis đầu tiên của Nhật Bản và cũng là lớp tàu Aegis đầu tiên ngoài nước Mỹ. Xét về kích thước (lượng giãn nước 7.500 tấn tiêu chuẩn và 9.500 tấn đầy tải, dài 161 m), Kongo xứng đáng được phân loại là tàu tuần dương dù Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản vẫn gọi đây là tàu khu trục.
Kongo được thiết kế theo nguyên mẫu Arleigh Burke Flight I với phần đuôi kéo dài và không có nhà chứa trực thăng. Tàu được trang bị 88 ống phóng thẳng đứng kiểu Mk-41 dùng để bắn tên lửa phòng không SM-2/3, tên lửa chống ngầm RUM-139; 8 tên lửa chống hạm Harpoon; 2 hệ thống phòng thủ tầm ngắn (CIWS) Phalanx, 1 pháo 127mm Oto Breda và 2 bệ phóng ngư lôi Mk-46 (6 ống).
Khu trục hạm Kirishima - DDG-174
Thông số cơ bản: Dài 161m; rộng 21m; mớn nước 6,2m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 7.500 tấn, đầy tải 9.500 tấn; tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ; tầm hoạt động 4.500 hải lý.
Hiện tại, Hải quân Nhật Bản có 4 tàu khu trục lớp Kongo gồm: DDG-173 Kongo, DDG-174 Kirishima, DDG-175 Myoko và DDG-176 Chokai.
Khu trục hạm DDG-174 Kirishima của Nhật đỗ cạnh DDG-62 Fitzgerald của Mỹ
2. Khu trục hạm lớp Atago
Khu trục hạm Atago - DDG-177
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo, Hải quân Nhật Bản vẫn chưa hài lòng với các tính năng của loại tàu này. Do đó Nhật Bản quyết định phát triển nâng cấp tàu khu trục Aegis lớp Kongo lên một chuẩn mực mới và tàu khu trục Atago ra đời chính là kết quả của chương trình này.
Chương trình tàu khu trục Aegis Atago được khởi xướng vào năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2007, 2 chiếc đã được hoàn thành mang số hiệu DDG-177 Atago và DDG-178 Ashigara. Tàu được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, chính điều đó đã khiến Atago trở thành tàu khu trục Aegis đắt nhất hành tinh hiện nay với đơn giá gần 1,5 tỷ USD/chiếc.
Về cơ bản, tàu khu trục Aegis lớp Atago giống với Kongo, tuy nhiên Atago được kéo dài phần boong phía sau để bổ sung một nhà chứa cho trực thăng chống ngầm SH-60K, tàu mang theo 96 ống phóng Mk-41 thay vì 88 ống như Kongo.
Khu trục hạm Ashigara - DDG-178
Thông số cơ bản: Dài 165m; rộng 21m; mớn nước 6,2m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 7.700 tấn, đầy tải trên 10.000 tấn; tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ; tầm hoạt động trên 4.500 hải lý.
3. Khu trục hạm lớp Sejong Đại Đế
Khu trục hạm Sejong Đại Đế - DDG-991
Khu trục hạm Sejong Đại Đế còn được biết đến với tên gọi DDH-III là khu trục hạm hiện đại và lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc, đồng thời đây cũng là lớp chiến hạm Aegis lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 11.000 tấn và thủy thủ đoàn 300 người.
Khu trục hạm lớp DDH-III nằm trong chiến lược biển xanh của Hàn Quốc khi phát triển một thế hệ tàu chiến mới. Ba tàu khu trục lớp DDH-III đã được đóng bởi tập đoàn công nghiệp nặng Huyndai và Daewoo để bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2012 gồm DDG-991 Sejong Đại Đế, DDG-992 Yulgok Yi I và DDG-993 Seoae Ryu Seong-ryong .
Vũ khí trang bị của niềm tự hào Hải quân Hàn Quốc gồm: 1 hải pháo Mk 45 Mod 4 127mm, 1 hệ thống phòng không tầm cực gần (CIWS) Goalkeeper; 1 hệ thống RAM Block I, 80 tên lửa phòng không SM2; 32 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hyunmoo III, 16 tên lửa chống ngầm K-ASROK; 16 tên lửa chống hạm SSM-700K Haesung và 6 ngư lôi K745 LW. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 trực thăng SH-60K hoặc Super Lynx trong nhà chứa phía đuôi tàu.
Khu trục hạm Sejong Đại Đế - DDG-991 nhìn từ phía phải
Thông số cơ bản: Dài 165,9m; rộng 21,4m; mớn nước 6,25m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 8.500 tấn, đầy tải 11.000 tấn; tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ; tầm hoạt động 5.500 hải lý.
4. Tàu hộ vệ tên lửa lớp Álvaro de Bazán
Álvaro de Bazán F-100
Álvaro de Bazán hay còn gọi là tàu hộ vệ tên lửa F-100 là lớp tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Hải quân Tây Ban Nha. Álvaro de Bazán có kích thước khá nhỏ bé khi so sánh với các chiến hạm Aegis của Hàn Quốc hay Nhật Bản, tàu có chiều dài 146,7m; rộng 18,6m; mớn nước 4,75; lượng giãn nước tiêu chuẩn 5.800 tấn, đầy tải 6.400 tấn; tốc độ tối đa 28,5 hải lý/giờ; tầm hoạt động 4.500 hải lý.
Vũ khí trang bị của tàu gồm có 1 hải pháo 127mm Mk-45 Mod 2, 48 ống phóng thẳng đứng Mk-41 dùng để phóng tên lửa SM2, 8 tên lửa hành trình chống tàu Harpoon và 4 ngư lôi 324mm Mk-32 Mod 9, tàu thường mang theo 1 trực thăng SH-60B chứa trong hangar phía đuôi tàu khi hoạt động.
Almirante Juan de Borbón F-101
Hiện tại Hải quân Tây Ban Nha trang bị 5 tàu hộ vệ tên lửa lớp F-100 gồm: F-100 Álvaro de Bazán, F-101 Almirante Juan de Borbón, F-102 Blas de Lezo, F-103 Méndez Núñez và F-104 Cristóbal Colón.
5. Tàu hộ vệ tên lửa lớp Fridtjof Nansen
Fridtjof Nansen F-310
Tàu hộ vệ tên lửa lớp F-310 Fridtjof Nansen của Hải quân Na Uy chính là biến thể “Thấp bé nhẹ cân” nhất trong gia đình chiến hạm Aegis trên thế giới. Tàu được trang bị radar mảng pha quét điện tử AN/SPY 1F thế hệ mới nhất bố trí trên tháp radar có hình dáng rất lạ mắt, khác hẳn các tàu chiến Aegis khác.
Vũ khí trang bị của tàu gồm: 1 hải pháo 76,2mm Oto Melara Super Rapid, 16 ống phóng thẳng đứng Mk-41 dùng để phóng tên lửa SM2, 8 tên lửa hành trình chống tàu Naval Strike, 4 ống phóng ngư lôi Sting Ray và 1 trực thăng NH-90.
F-310 Fridtjof Nansen và F-313 Helge Ingstad
Thông số cơ bản: Dài 134m; rộng 16,8m; mớn nước 4,6; lượng giãn nước đầy tải 5.300 tấn; tốc độ tối đa 26 hải lý/giờ; tầm hoạt động 4.500 hải lý.
Hiện tại trong biên chế Hải quân Na Uy có 5 tàu gồm F-310 Fridtjof Nansen, F-311 Roald Amundsen, F-312 Otto Sverdrup, F-313 Helge Ingstad và F-314 Thor Heyerdahl.
6. Khu trục hạm lớp Hobart
Khu trục hạm lớp Hobart, biến thể Aegis của Hải quân Australia hiện mới chỉ ở giai đoạn thi công, Horbat có rất nhiều nét tương đồng với tàu hộ vệ tên lửa F-100 Álvaro de Bazán của Hải quân Tây Ban Nha và được biết có rất nhiều chuyên gia Tây Ban nha đã tham gia trong quá trình đóng tàu khu trục lớp Hobart.
Tàu có chiều dài 147,2m; rộng 18,6m; mớn nước 5,17m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 6.250 tấn, đầy tải 6.890 tấn; tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ; tầm hoạt động 5.000 hải lý. Vũ khí trang bị của Hobart tương tự như Álvaro de Bazán.
Khu trục hạm Hobart trong quá trình thi công
Ngoài 6 lớp tàu trên, cũng có thể coi các tàu khu trục Type 052C/D của Hải quân Trung Quốc là một thành viên khác của gia đình chiến hạm Aegis trên thế giới. Tuy nhiên, lớp tàu chiến này của Trung Quốc được đánh giá chỉ có cách bố trí radar là giống với hệ thống tác chiến Aegis còn tính năng thực tế thì thua kém rất nhiều.
Khu trục hạm Atago DDG-177 tại Trân Trâu Cảng trong cuộc tập trận RIMPAC 2010
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA