Tiết lộ về "cuộc chiến nhiên liệu" trong chiến tranh Việt Nam

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Đã có lúc, giá trị số nhiên liệu thiệt hại hàng năm của Mỹ do bị quân giải phóng tấn công lớn gấp 3 lần nền kinh tế VNCH.

Sau khi mở rộng các hoạt động can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã vận chuyển đến khu vực này số lượng lớn các máy móc và trang thiết bị chiến tranh. Việc cung cấp xăng dầu cho hoạt động của các máy móc này trở thành một gánh nặng lớn cho công tác hậu cần tại miền Nam Việt Nam.

Quá trình đề xuất cung cấp năng lượng được thực hiện bởi Văn phòng dầu khí tại Bộ tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương sau đó chuyển đến Trung tâm cung cấp nhiên liệu thuộc BQP Mỹ. Quân đội VNCH chịu trách nhiệm về tiếp nhận, lưu trữ và phân phối nhiên liệu cho các hoạt động của Quân đoàn II, III và Quân đoàn IV và lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Hải quân chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu cho Quân đoàn I và Tổng hành dinh hỗ trợ quân sự tại miền Nam Việt Nam.

Đến năm 1970, quân đội Mỹ tại Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu cho lực lượng hải quân chung và Quân đoàn I. Việc bắt tay xây dựng các kho lưu trữ lớn trở nên cấp thiết khi Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự tại Việt Nam. Thủy quân lục chiến Mỹ đã xây dựng các kho lưu trữ lớn chủ yếu ở Cam Ranh, Quy Nhơn và Đà Nẵng với quy mô khoảng 1,6 triệu thùng. Các cơ sở của không quân có khả năng lưu trữ khoảng 350.000 thùng.

Một góc kho chứa nhiên liệu khổng lồ của Mỹ ở khu vực Nhà Bè, TP HCM.

Một góc kho chứa nhiên liệu khổng lồ của Mỹ ở khu vực Nhà Bè, TP HCM.

Mức tiêu thụ nhiên liệu cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại Việt Nam tăng một cách chóng mặt theo sự mở rộng quy mô lực lượng cũng như các chiến dịch tấn công vào các vùng giải phóng. Năm 1965 mức độ tiêu thụ nhiên liệu chỉ khoảng 6,785 triệu thùng/năm, đến năm 1966 con số này đã tăng lên 21,850 triệu thùng/năm.

Số lượng tiêu thụ nhiên liệu tăng lên đến đỉnh điểm với 43,540 triệu thùng/năm vào năm 1968 khi các hoạt động quân sự của Mỹ được mở rộng lên đến đỉnh điểm đặc biệt là sau sự kiện Mậu Thân năm 1968. Đến năm 1969 mức tiêu thụ nhiên liệu có giảm xuống còn 41,725 triệu thùng/năm nhưng vẫn ở mức rất cao, đến năm 1970 số lượng giảm xuống còn 36,450 triệu thùng/năm.

Để cung cấp được 100 lít nhiên liệu cho các đơn vị quân đội, phía đơn vị phân phối phải cung cấp hơn 100 lít để bù cho số lượng bị bốc hơi, thất thoát trong quá trình vận chuyển đặc biệt là số lượng bị phá hủy bởi các hoạt động tấn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Các con số thống kê cho thấy số lượng thiệt hại do các hoạt động tấn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm khoảng trên 3% số lượng tiêu thụ thực tế, tương đương khoảng 5,7 triệu thùng/năm. Trước năm 1965 mặc dù yêu cầu hoạt động tương đối nhỏ và không có nhà máy lọc dầu nhưng 3 công ty dầu khí quốc tế là Shell, Esso, Caltex đã chuẩn bị đầy đủ khả năng lưu trữ cũng như cung cấp cho hoạt động quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, sau năm 1965, cả 3 nhà cung cấp lớn này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp nhiên liệu theo yêu cầu của quân đội Mỹ tại Việt Nam khi số lượng các xe bồn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Các tàu chở dầu của Shell, Esso, Caltex vào các kho chứa trở thành mục tiêu tấn công của quân giải phóng nhất là tại khu vực Nhà Bè.

Mặc dù sau đó, một hệ thống đường ống cung cấp dầu đã được xây dựng nhưng số lượng thiệt hại do các hoạt động của quân giải phóng vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở khu vực Quy Nhơn, mức độ thiệt hại vào khoảng 2,5 triệu gallon (94,6 triệu lít)/tháng.

Một xe bồn loại lớn đang cung cấp nhiên liệu cho xe thiết giáp M113 của Thủy quân lục chiến Mỹ trong một chiến dịch quân sự tại khu vực Vũng Tàu.

Một xe bồn loại lớn đang cung cấp nhiên liệu cho xe thiết giáp M113 của Thủy quân lục chiến Mỹ trong một chiến dịch quân sự tại khu vực Vũng Tàu.

Khối lượng cung cấp quá lớn, đường cung cấp dài cùng sự không chắc chắn trong lịch trình và quá trình bảo vệ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Các nhà cung cấp đã không muốn cam kết thêm số lượng tại Việt Nam.

Để khắc phục các thiếu sót về cơ sở lưu trữ trên bờ cũng như giảm nguy cơ bị tấn công việc sử dụng các tàu chở dầu làm các kho nổi cũng đã được thực hiện. Bên cạnh đó, việc cung cấp nhiên liệu với số lượng lớn cũng làm phát sinh các bãi chứa quy mô lớn để lưu trữ các xe bồn chuyên dụng từ Việt Nam cho đến Singapore hoặc các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Vận chuyển đã khó khăn, quản lý lượng nhiên liệu nhập vào và xuất ra càng trở nên khó khăn hơn. Số lượng thiệt hại do quân giải phóng gây ra ở mức khoảng 5,7 triệu thùng, với giá ở thời điểm đó khoảng 15 cent cho 1 gallon thì số tiền thiệt hại lên đến 36 triệu USD, gấp khoảng 3 lần quy mô nền kinh tế VNCH lúc đó.

Bên cạnh đó, số lượng bị thất thoát do các lái xe điều khiển các xe bồn ăn cắp cũng không thể kiểm soát được. Nhiều phương thức để đánh cắp nhiên liệu đã được thực hiện, như làm các ngăn riêng biệt trên xe bồn, giả mạo con dấu, tài liệu khiến để lấy xăng dầu bán ra thị trường khiến việc quản lý trở nên hết sức phức tạp.

Các đường ống vận chuyển nhiên liệu cũng dễ dàng bị đánh cắp chỉ với một chiếc cờ lê để mở các con ốc tại những điểm nối. Số nhiên liệu bị đánh cắp này thường được sử dụng để nấu ăn cùng một số lượng không nhỏ rơi vào tay quân giải phóng.

Dòng nhiên liệu vẫn ầm ầm chảy theo cái cách gần như không thể kiểm soát được trong khi đó hiệu quả tác chiến của quân đội viễn chinh Mỹ ngày càng suy giảm theo sự lớn mạnh của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam.

Từ cuối năm 1970, lượng nhiên liệu cung cấp cho quân đội Mỹ cũng như quân lực VNCH bắt đầu sụt giảm. Đặc biệt sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, việc cung cấp nhiên liệu không còn được đảm bảo như trước chủ yếu là dựa vào các hợp đồng thương mại do Mỹ bảo trợ.

Khi nguồn cung cấp nhiên liệu bị sụt giảm cùng với việc cái ô che chắn quân sự của Mỹ không còn thì việc thất bại của quân lực VNCH là điều không thể tránh khỏi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại