Khi Mỹ mở rộng can thiệp quân sự vào Việt Nam từ năm 1965, việc đảm bảo cung cấp đạn dược cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu trở thành một vấn đề quan trọng. Ban đầu, nhiệm vụ cung cấp đạn dược do đơn vị đặc nhiệm số 5 có trụ sở tại Nha Trang và một đơn vị trực thăng có trụ sở tại Sài Gòn đảm nhận.
Các kho lưu trữ tại sân bay Tân Sân Nhất từ thời Pháp để lại chỉ có khả năng lưu trữ tối đa khoảng 1.500 tấn đạn dược, trong khi đó giới hạn an toàn của các kho này chỉ khoảng 900 tấn. Căn cứ theo quyết định tại hội nghị Hawaii ngày 09-11/04/1965, lữ đoàn hậu cần 173 thuộc Bộ tư lệnh hậu cần số 1 có trụ sở tại Okinawa, Nhật Bản được điều động đến Việt Nam nhằm đảm bảo cung cấp hậu cần cho các hoạt động của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Một loạt các căn cứ hậu cần mới đã được xây dựng thêm tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh và Vũng Tàu để đáp ứng nhu cầu đạn dược ngày càng tăng của quân đội Mỹ. Các kho lưu trữ tại Tân Sơn Nhất đã được mở rộng với sức chứa lên đến 4.000 tấn đạn dược.
Từ tháng 04-06/1965, công tác vận chuyển đạn dược đến Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn, đạn dược chất đống tại cảng Cam Ranh, quá trình trung chuyển đến các kho diễn ra hết sức chậm chạp. Trước tình hình đó, Mỹ đã thành lập thêm lữ đoàn chuyên trách về đạn dược số 182.
Sự ra đời của lữ đoàn này đã giải quyết các vấn đề trong trung chuyển đạn dược, đến tháng 06/1966 dòng chảy đạn dược phục vụ cho quân đội đã được đảm bảo ổn định và suôn sẻ hơn. Kho lưu trữ đạn dược chính cho quân đội Mỹ được bố trí ở 3 khu vực chính, Đà Nẵng đảm bảo cung cấp đạn dược cho các hoạt động của quân đoàn I (vùng I chiến thuật), căn cứ ở Cam Ranh đảm bảo cung cấp cho quân đoàn II (vùng II chiến thuật), căn cứ ở Long Bình, Biên Hòa (đây là kho dự trữ vũ khí lớn nhất của quân đội Mỹ ở Việt Nam) đảm bảo cung cấp đạn dược cho quân đoàn III (vùng 3 chiến thuật) cũng như hỗ trợ cho các kho ở các khu vực khác khi cần thiết.
Đạn dược được vận chuyển đến Việt Nam từ các kho của quân đội Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương bằng đường biển, tập trung ở 3 cảng chính là Đà Nẵng, Cam Ranh và Sài Gòn. Từ đây, đạn dược sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đến các kho lưu trữ trong khu vực.
Lượng đạn dược được chuyển đến Việt Nam trung bình khoảng 40.000 tấn/tháng trong năm 1966, một năm sau số lượng đã tăng lên gần gấp đôi đạt 75.000 tấn/tháng vào năm 1967. Đầu năm 1968 số lượng vận chuyển đã tăng lên đến 90.000 tấn/tháng, đến giữa năm 1968 số lượng đã vượt quá 100.000 tấn/tháng.
Việc vận chuyển đạn dược đến các đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ cũng như quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) được thực hiện chủ yếu bằng máy bay, đặc biệt là trực thăng được xem là công cụ chủ yếu để cung cấp đạn dược cho các đơn vị chiến đấu tiền tiêu.
Đỉnh điểm vào năm 1970 tổng cộng có khoảng 12.000 máy bay đã được sử dụng cho các hoạt động vận tải đạn dược phục vụ cho các hoạt động của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Trực thăng UH-1 và CH-47 là 2 loại máy bay chính trong chiến lược trực thăng vận của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Số lượng đạn dược vận chuyển bằng trực thăng ra chiến trường trong năm 1967 đạt khoảng 828.000 tấn, đến năm 1968 số lượng vận chuyển tăng lên đến 1.123.032 tấn, đỉnh điểm vào năm 1969 số lượng vận chuyển lên đến 1.277.123 tấn.
Nhờ khả năng hậu cần bằng đường không rất hùng hậu, quân đội Mỹ và QLVNCH không bao giờ phải lo lắng về vấn đề thiếu đạn trong lúc chiến đấu. Mỗi lần ra chiến trường họ cứ thế mà vãi đạn mà không cần quan tâm khu vực đó có mục tiêu hay không.
Bất kỳ những khu vực khả nghi nào đều được quân đội Mỹ và QLVNCH dội xuống đó hàng tấn bom đạn. Mặc dù đạn dược dồi dào là thế nhưng nó lại không đi đôi với hiệu quả chiến đấu. Sự vượt trội về hỏa lực trên chiến trường đã không mang lại nhiều lợi thế cho quân đội Mỹ và QLVNCH. Lối đánh của Mỹ chủ yếu dựa vào chiến thuật “tối đa sức mạnh hỏa lực” nên vô cùng tốn kém, tạo nên gánh nặng rất lớn cho công tác hậu cần.
Trong khi đó, Quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam đã xây dựng thành công thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy quân đội Mỹ và VNCH phải chống chọi trên nhiều mặt trận cùng lúc nên chiến thuật áp đảo về hỏa lực của Mỹ trở nên không hiệu quả.
Gánh nặng chi phí hậu cần ngày càng leo thang trong khi tình hình tại chiến trường miền Nam Việt Nam diễn biến theo chiều hướng ngày càng bất lợi cho Mỹ. Washington buộc phải cắt giảm viện trợ cho quân đội Mỹ và QLVNCH. Vốn đã quen với “lối đánh phung phí” một khi việc cung cấp đạn dược không được như trước thì thất bại là điều không thể tranh khỏi.