Là một quốc gia có lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đen, Bulgaria sẽ trở thành một trong những đồng minh NATO có khả năng hỗ trợ khá đắc lực cho Mỹ nếu Washington có bất cứ kế hoạch quân sự nào nhằm đối phó với Nga trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine.
Vậy ngoài vị trí địa lý chiến lược, thực lực quân đội Bulgaria có thể giúp gì cho Mỹ trong một cuộc đối đầu với Nga ở Biển Đen hay không?
Lực lượng không quân lâu đời nhất châu Âu
Mặc dù là một quốc gia khá nhỏ, song Bulgaria lại là một trong những quốc gia có lực lượng không quân thuộc loại lâu đời nhất châu Âu và thế giới. Không quân Bulgaria được thành lập từ năm 1906, những năm chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai họ là một trong những lực lượng không quân dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Những năm chiến tranh lạnh, Bulgaria cùng với Romania, Ba Lan là một phần trong Hiệp ước Warszawa. Không quân của họ cũng được trang bị nhiều vũ khí từ Liên Xô. Sau khi gia nhập NATO vào năm 2004, không quân nước này đã lên kế hoạch hiện đại hóa các máy bay Liên Xô theo tiêu chuẩn NATO.
Tiêm kích chủ lực của họ là khoảng 22 chiếc MiG-29, trong đó có 16 chiếc đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn NATO. Trước khi gia nhập NATO, Bulgaria có khoảng 224 chiếc MiG-21, 90 chiếc MiG-23, 23 chiếc Su-22, 4 chiếc MiG-25, 35 Su-25, tuy nhiên phần lớn MiG-23, Su-22 và một số MiG-21 đã bị loại khỏi biên chế.
Bulgaria có lực lượng vận tải quân sự khá mạnh với 3 chiếc C-17 Globemaster II, 3 chiếc C-27J, 1 chiếc An-26, trực thăng tấn công Mi-24 khoảng 23 chiếc.
Một chi tiết khá thú vị là Bulgaria có lực lượng phòng không mặt đất khá mạnh, có thể nói là mạnh nhất trong các nước xung quanh Biển Đen mà Mỹ có thể mượn lãnh thổ để đối phó với Nga.
Bulgaria có trong biên chế khoảng 10 hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến S-300PS, 26 hệ thống phòng không tầm xa S-200, 20 hệ thống phòng không tầm trung SA-6, 30 hệ thống phòng không tầm trung bán cố định S-125, 18 hệ thống S-75. Lực lượng phòng không này sẽ là quân bài chiến lược để chống lại một cuộc không kích nếu có.
Bên cạnh đó, họ còn có 24 hệ thống phòng không tầm thấp SA-8, 20 hệ thống SA-13 cùng một số pháo phòng không khác. Lực lượng phòng không Bulgaria cung cấp một cái ô bảo vệ khá tốt trước các cuộc tập kích từ trên không. Nếu triển khai lực lượng ở đây, Mỹ sẽ được an toàn hơn dưới cái ô phòng không này.
Trong khi đó, MiG-29 của Bulgaria và F-16C/D của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là những trợ thủ đắc lực cho một kế hoạch của Washington nhằm đối phó Moscow ở Biển Đen.
Hải quân bị bỏ quên
Tương tự như Romania, Hải quân Bulgaria gần như “bị bỏ quên” trong các kế hoạch cải cách lực lượng quân sự của nước này.
Hải quân Bulgaria quá yếu
Đối với Bulgaria, một kịch bản tấn công từ đường biển dường như không phải là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Thực tế thì biển Đen là một cái "ao làng" quá nhỏ cho những đợt triển khai tấn công đường biển quy mô lớn, mặt khác xung quanh Bulgaria đều là thành viên các nước NATO nên lực lượng hải quân không được họ xem trọng.
Loại tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Bulgaria là 3 chiếc khinh hạm lớp Wielingen đã qua sử dụng của Hải quân Bỉ, số còn lại phần lớn là các tàu tuần tra ven bờ, tàu quét mìn, tàu tên lửa cao tốc lớp Osa. Nhìn chung sức chiến đấu của Hải quân Bulgaria không cao, không thể trở thành mối đe dọa với Hạm đội biển Đen của Nga.
Về lục quân, Bulgaria cũng không có gì nổi bật, quy mô lực lượng khá nhỏ chỉ khoảng 36.000 quân. Xe tăng chiến đấu chủ lực khoảng 80 chiếc T-72, xe chiến đấu bộ binh các loại khoảng 2.140 chiếc, pháo các loại khoảng 556 khẩu, pháo phản lực bắn loạt khoảng 240 hệ thống. Tuy nhiên, khả năng lục quân có thể bị kéo vào một cuộc xung đột nếu có là rất thấp.
Nhìn chung, không thật sự toàn diện về sức mạnh quân sự nhưng với vị trí địa lý chiến lược thì sau Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Bulgaria chính là nhân tố quan trọng tiếp theo trong bất cứ kế hoạch quân sự nào của Mỹ ở Biển Đen.