Ukraine sẽ tái trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó Nga?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trong một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, với khoảng 1.900 đơn vị, đa số là tên lửa hành trình tầm xa.

Tờ Time mới đây có bài viết nhận định về khả năng Ukraine tái trang bị vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Nga trong tình hình căng thẳng hiện nay. Sau đây là nội dung bài phân tích:

Ukraine từng sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và đã có nhiều ý kiến trong nước yêu cầu Ukraine nên tái phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Nga. Tuy nhiên ý tưởng này còn xa mới có thể trở thành hiện thực. Phát triển vũ khí hạt nhân là một việc rất khó khăn và đi ngược lại với chính sách phi hạt nhân truyền thống của nước này.

Trong lúc mà Nga đang củng cố sự hiện diện ở Crimea, nhiều người Ukraine ước rằng nước này có sức mạnh răn đe hạt nhân. Họ từng có một kho vũ khí hạt nhân lớn, nhưng đã từ bỏ số vũ khí trên 20 năm trước.

Giờ đây, nước này có lẽ đang cảm thấy hối tiếc về quyết định này, hay thậm chí là muốn đảo ngược nó. Pavlo Rizanenko, một đại biểu quốc hội Ukraine, cho biết: “Hiện nay đang có một luồng ý kiến mạnh mẽ trong công chúng Ukraine rằng chúng tôi đã phạm sai lầm lớn. Trong tương lai, bất kể việc tình hình Crimea đi theo hướng nào, Ukraine cần phải mạnh hơn. Không ai dám xâm lược một nước có vũ khí hạt nhân.”

Ý kiến này làm giới ngoại giao ở Washington lo ngại. Một cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Obama cho biết ông chưa từng nghe bất kì một quan chức Ukraine nào hối tiếc về quyết định phi hạt nhân hóa trước đây.

Nhưng nhiều người khác cũng có chung suy nghĩ với Rizanenko. Theo lời cựu tổng thống Gruzia, Mikheil Saakashvili, trong một cuộc phỏng vấn tuần trước thì: “Nga sẽ không tấn công một nước có vũ khí hạt nhân.” Ông Saakashvili từng sống ở Ukraine vài năm và có những mối liên hệ chính trị sâu rộng ở đó. “Ukraine vẫn có thể kịp để chế tạo vũ khí hạt nhân”, ông nói thêm.

Ukraine vẫn còn có một số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka tầm bắn 180km, được thừa hưởng từ Liên Xô sau khi liên bang tan rã.
Ukraine vẫn còn có một số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka tầm bắn 180km, được thừa hưởng từ Liên Xô sau khi liên bang tan rã.

Trên lý thuyết thì điều này là có thể, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và không hề dễ dàng. Ukraine không có nguyên liệu hạt nhân thích hợp và phương tiện để sản xuất chúng. Phát triển vũ khí hạt nhân cũng đồng nghĩa với khả năng bị cả Nga và Phương Tây trừng phạt.

Việc Ukraine tái trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là sự đảo ngược của một trong những lần giải trừ quân sự tự nguyện đáng nhớ nhất trong lịch sử. Trong một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới, với khoảng 1.900 đơn vị, đa số là tên lửa hành trình tầm xa. Đến năm 1994, nước này ký kết Bản ghi nhớ Budapest với Mỹ, Anh và Nga, trong đó Ukraine sẽ chuyển toàn bộ số vũ khí này về Nga để tiêu hủy.

Tổng thống Ukraine khi ấy là Leonid Kravchuk giải thích quyết định trên một cách đầy lý tưởng, vì nó sẽ giúp thế giới tiến đến việc giải trừ và loại bỏ vũ khí hạt nhân nhưng đằng sau đó cũng có những lí do thực tiễn hơn. Hành động này giúp Ukraine giành được thiện cảm từ phía Mỹ và mở đường cho những sự hỗ trợ từ WB, IMF và NATO. Ngoài ra, việc bán lại các nguyên liệu hạt nhân cũng đem lại một nguồn thu đáng kể.

Khi đó, nhiều đại biểu quốc hội Ukraine phản đối quyết định này, vì vũ khí hạt nhân là lá chắn quan trọng trước tham vọng bành trướng của Nga.

Trước đó, vào tháng 7/1993, quốc hội Nga từng bỏ phiếu xác nhận thành phố Sevastopol thuộc về Nga, và khiến Ukraine phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc.

Nga sau đó rút lại kết quả cuộc bỏ phiếu này. Nhưng trong Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine vẫn kiên quyết giành được việc đảm bảo rằng chủ quyền quốc gia của mình sẽ được tôn trọng. Cụ thể, các bên ký bản ghi nhớ sẽ ngay lập tức thúc đẩy hành động từ Hội đồng bảo an trong trường hợp Ukraine bị tấn công.

Tuy nhiên điều này cũng không giúp ích gì nhiều. Ngày 4 tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine hiện nay là một quốc gia mới và do đó Nga không chịu bất kì ràng buộc nào.

Trong một cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ, các quan chức của chính quyền Obama cũng bị chất vấn về tiền lệ khi một nước sau khi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân lại không được bảo đảm về an ninh như đã được cam kết trước đó. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Doug Lamborn hỏi Victoria Nuland, cố vấn ngoại trưởng phụ trách khu vực Châu Âu, tại sao Mỹ không hành động nhiều hơn để thực thi thỏa thuận Budapest và ngăn Putin thôn tính Crimea. Và câu trả lời là thỏa thuận Budapest là một dạng hiệp ước chính trị, không phải một hiệp ước ràng buộc như NATO, do đó Mỹ chỉ có thể phản đối về mặt chính trị, ngoại giao.

Vì vậy, không khó hiểu vì sao Ukraine muốn tái trang bị hạt nhân. Tuy nhiên thực hiện điều này không phải dễ.

Ukraine hiện có một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ thời Liên Xô, trong đó bao gồm Vyacheslav Danilenko, một người thiết kế các hệ thống kích nổ và có liên hệ với chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, họ lại thiếu các nguyên liệu hạt nhân cần thiết.

Khi tổng thống Obama mới lên cầm quyền, Ukraine vẫn còn đủ lượng uranium làm giàu để chế tạo vài đầu đạn hạt nhân. Nhưng với việc chính quyền Obama nhấn mạnh chính sách an ninh hạt nhân, Ukraine đồng ý từ bỏ số nguyên liệu trên. Đợt vận chuyển nguyên liệu hạt nhân cuối cùng khỏi Ukraine là vào tháng 3 năm 2012.

Hiện nay, Ukraine đang vận hành một số lò phản ứng dân sự, và có sẵn nguồn uranium tự nhiên, nhưng họ thiếu các cơ sở làm giàu nguyên liệu hạt nhân. Trên lý thuyết họ có thể tự xây dựng các cơ sở này, nhưng sẽ mất nhiều năm. Thời gian trên là quá trễ để cứu Crimea, nhưng lại quá dài để hứng chịu những sự trừng phạt từ cả Nga và Mỹ. Nga chắc chắn sẽ cảm thấy bị đe dọa trước hành động trên, còn Mỹ hiện nay đang có một tổng thống xem chính sách chống phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tham vọng hạt nhân của Ukraine không phải là bất khả thi, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại