Bạo loạn ở Ukraine, kho vũ khí của Liên Xô thành "miếng mồi ngon"

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Bất ổn chính trị tại Ukraine đang đặt ra những nguy cơ rất lớn về an toàn cho kho vũ khí của nước này cũng như của Liên Xô tại đây.

Tình hình bất ổn chính trị tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bạo lực liên tiếp gia tăng giữa người biểu tình và cảnh sát. Tình trạng bạo lực gia tăng tại quốc gia này một phần do sự mất kiểm soát của các kho vũ khí do chính phủ quản lý. Oleksandr Yakimenko, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Ukraine SBU cho biết hơn 1.500 khẩu súng cùng 100.000 viên đạn đã "rơi vào tay những kẻ tội phạm".

Sự kiện này đã gióng lên một hồi chuông báo động về sự mất an toàn các kho vũ khí của Ukraine đặc biệt là các loại vũ khí nguy hiểm. Các tay buôn lậu vũ khí sẽ nhân cơ hội này để tuồn ra nước ngoài những vũ khí đặc biệt nguy hiểm của nước này như các loại tên lửa hành trình, tên lửa phòng không..

Cần nhớ rằng, Ukraine từng là một phần rất quan trọng của Liên Xô. Khi khối Xô Viết này sụp đổ, rất nhiều kho vũ khí lớn của Liên Xô nằm trên lãnh thổ Ukraine, trong đó có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Kh-55 đã từng được bí mật buôn lậu cho Trung Quốc và Iran. Có bao  nhiêu tên lửa Kh-55 còn nằm lại trên lãnh thổ Ukraine là một ẩn số lớn.
Kh-55 đã từng được bí mật buôn lậu cho Trung Quốc và Iran. Có bao nhiêu tên lửa Kh-55 còn nằm lại trên lãnh thổ Ukraine là một ẩn số lớn.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập. Ở thời điểm đó, họ sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ còn lớn hơn cả kho vũ khí hạt nhân của Anh, Pháp và Trung Quốc cộng lại. Tổng cộng có khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân nằm trong các kho lưu trữ trên lãnh thổ Ukraine khi họ tuyên bố độc lập.

Bên cạnh đó, Ukraine còn nắm giữ một số lượng lớn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa đạn đạo chiến thuật và máy bay ném bom chiến lược, gồm: 130 tên lửa ICBM R-36 SS-18 Satan tầm bắn 16.000km, 46 ICBM RT-23 SS-24 Scalpel tầm bắn 10.000km.

RT-23 là một tên lửa liên lục địa được thiết kế phóng từ bệ phóng trên tàu hỏa, nó từng được mệnh danh là “đoàn tàu tử thần”. Ukraine còn nắm giữ 25 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 19 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160. 1080 tên lửa hành trình tầm xa cũng một số lượng lớn không xác định các loại tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, sau khi tuyên bố độc lập, Ukraine đã thực hiện chính sách phi hạt nhân hóa với nguyên tắc 3 không “không sử dụng, không sản xuất và không lưu trữ vũ khí hạt nhân”. Ngày 14/05/1994, Ukraine ký kết vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). 176 tên lửa đạn đạo liên lục địa đã được phê duyệt tháo dỡ theo một thỏa thuận liên chính phủ giữa Ukraine-Nga-Mỹ.

Từ năm 1994 đến tháng 06/1996, toàn bộ 176 ICBM cùng với khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân đã được chuyển đến Nga để phá hủy trên khoảng 100 chuyến tàu hỏa. Tổng cộng có khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân các loại đã được chuyển đến Nga để phá hủy.

Mặc dù toàn bộ vũ khí hạt nhân đã được phá hủy nhưng kho vũ khí 1.080 tên lửa hành trình tầm xa lại có một lý lịch không hề rõ ràng. Năm 2005, ông Petro Poroshenko, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine đã công bố một tin động trời. Ông này cho biết đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Cơ quan an ninh quốc gia SBU điều tra vụ buôn lậu 18 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 cho Iran và Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka  có thể là đích ngắm của những kẻ buôn lậu trong bối cảnh bất ổn đang bao trùm Ukraine.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka có thể là đích ngắm của những kẻ buôn lậu trong bối cảnh bất ổn đang bao trùm Ukraine.

Thông tin này khiến dư luận thế giới không khỏi bàng hoàng, số phận của những tên lửa Kh-55 còn lại sẽ như thế nào? Chúng đã được phá hủy hay vẫn đang nằm ở một kho bí mật nào đó chờ cơ hội tẩu tán ra nước ngoài. Kh-55 được xem là một tên lửa hành trình đặc biệt nguy hiểm, tên lửa này có tầm bắn đến 3.000km và có khả năng tránh sự hiện của radar.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, có khoảng 483 tên lửa Kh-55 đã được phá hủy theo chương trình giải trừ quân bị được tài trợ bởi Mỹ và Nga nhưng vị này không cho biết tổng số tên lửa Kh-55 mà họ thừa hưởng từ Nga là bao nhiêu.

Một nguồn tin thân cận trong Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận, một số lượng vũ khí đáng ra đã được phá hủy nhưng bằng cách nào đó đã quay trở lại cho các công ty xuất khẩu vũ khí và bán cho những kẻ buôn lậu. Để những vũ khí khủng này có thể tuồn ra ngoài một cách trót lọt, không thể thiếu bàn tay của các quan chức cấp cao trong quân đội.

Như vậy trong tổng số 1.080 tên lửa hành trình tầm xa của Liên Xô mà Ukraine thừa hưởng, chỉ có chưa đầy phân nửa được phá hủy số còn lại đang ở đâu thực sự là một ẩn số lớn. Với sự kiện buôn lậu tên lửa Kh-55 cho Iran và Trung Quốc được phanh phui thì không loại trừ khả năng những vụ buôn lậu vũ khí khủng khác sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh bất ổn đang bao trùm quốc gia này.

Không chỉ khủng hoảng về chính trị mà Kiev còn là một quốc gia “cháy túi” điều đó càng làm tăng mối hiểm họa vũ khí khủng bị tuồn ra ngoài để trục lợi. Ngoài số lượng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 không rõ ràng thì Ukraine còn có một số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka tầm bắn 180km.

Nếu những vũ khí "khủng" này rơi vào tay các phần tử khủng bố hay những quốc gia “không thân thiện” sẽ đặt ra rất nhiều mối đe dọa cho an ninh thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và thiếu thốn tiền bạc, ai dám đảm bảo rằng những vũ khí này sẽ được tuyệt đối an toàn.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại