Đại tá xe tăng Việt Nam: T-72 hay T-80, chọn một hay cả hai?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đó là câu hỏi đặt ra với Quân đội Xô Viết giai đoạn cuối thế kỷ XX, và cuối cùng người ta đã chọn cả hai! Cùng một lúc tồn tại hai dòng xe tăng chủ lực? Lạ mà không lạ!

Lẽ ra chỉ một lại hóa hai

Sau Thế chiến 2, các nhà quân sự Liên Xô hết sức sùng bái sức mạnh xe tăng và đã tập trung nhiều tài lực để phát triển các thế hệ xe tăng hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc đất nước Xô Viết và các nước anh em trong khối Warsaw.

Sau thành công vang dội của họ xe tăng T-54/55, sự căng thẳng của cuộc chạy đua vũ trang giữa hai “phe” XHCN và TBCN, đòi hỏi có những đột phá mạnh mẽ hơn trong chế tạo xe tăng.

Mẫu xe tăng T-62 ra đời năm 1961 với hy vọng đáp ứng được yêu cầu đó, nhưng nó nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu chí tử.

Khả năng cơ động việt dã yếu, pháo đã tăng cỡ nòng lên 115 mm, song vẫn dùng hệ thống điều khiển hỏa lực và ổn định cũ nên độ chính xác không cao, cơ cấu hất vỏ đạn hoạt động thiếu tin cậy, tốc độ bắn chậm.

Đặc biệt là khả năng tự bảo vệ kém do giáp sử dụng thép thường, nhất là phần nóc tháp pháo và đáy xe...

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 của Việt Nam.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

Không dừng lại ở đó, cuộc chạy đua vẫn tiếp tục và năm 1964, một mẫu xe tăng mới mang nhiều nét đột phá đã ra đời, đó là T-64. Dòng xe này được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất lúc bấy giờ.

Nhờ thiết bị nạp đạn tự động nên số thành viên kíp xe giảm xuống còn 3 người, trang bị máy đo xa laser, vũ khí sử dụng pháo nòng trơn ổn định 2 mặt phẳng với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, kể cả tên lửa chống tăng có điều khiển.

 
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp

Bên cạnh đó, nhờ sử dụng giáp phức hợp cùng các thiết bị bảo vệ nhằm nâng cao khả năng sống còn... đã làm cho T-64 trở thành mẫu xe tăng hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, được các chuyên gia đánh giá là "ăn đứt" các đồng loại phương Tây như M60A3 Patton và Leopard 1.

Mẫu T-64 tiếp tục được nghiên cứu phát triển thành T-80 với nhiều phiên bản khác nhau, bắt đầu sản xuất và đưa vào trang bị từ năm 1976. Song song với việc phát triển T-64, một dòng xe mới được nghiên cứu từ năm 1971 và ra mắt năm 1977, đó là mẫu T-72.

Trên cơ sở xe tăng T-62, đồng thời tiếp thu một số tiến bộ của dòng T-64 như vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực, thiết bị nạp đạn tự động, máy đo xa, giáp bảo vệ... T-72 nhanh chóng trở thành dòng xe tăng chủ lực thứ hai của Liên Xô bên cạnh T-64/80.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga tham dự cuộc thi đấu tăng Tank Batalion 2013.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga tham dự cuộc thi đấu tăng "Tank Battalion 2013"

T72 và T80 - Ai hơn ai?

Nhìn bề ngoài, T-72 và T-80 khá giống nhau, chúng mang đầy đủ các đặc điểm của họ “T” Xô Viết: thấp, gọn, diện tích mục tiêu nhỏ, hỏa lực mạnh.

Chúng cũng có nhiều điểm giống nhau như cùng sử dụng pháo nòng trơn 125 mm ổn định hai mặt phẳng, có thể bắn nhiều loại đạn, kể cả tên lửa chống tăng.

Cả hai đều có hệ thống điều khiển hỏa lực tương đối hiện đại, có trang bị thiết bị hồng ngoại đảm bảo tác xạ ban đêm, có máy đo xa laser độ chính xác cao và được tăng cường bảo vệ bằng giáp phản ứng nổ... Tuy nhiên, đi sâu vào chi tiết chúng có khá nhiều điểm khác biệt:

Thứ nhất, hệ thống nạp đạn tự động của T-72 là cơ - điện, kém hiện đại và tin cậy hơn so với hệ thống điện - thủy lực của T-80.

Thứ hai, các tính năng bảo vệ của T-80 cao hơn so với T-72 nhờ sử dụng giáp phức hợp nhiều lớp kết hợp với giáp phản ứng nổ, trong khi T-72 chỉ dùng thép thường và có độ dày kém hơn.

Thứ ba, T-80 sử dụng động cơ turbine khí có thể tích nhỏ song lại cho công suất lớn, dẫn đến tỷ lệ công suất/trọng riêng lớn hơn, nhờ vậy khả năng cơ động việt dã và tốc độ cao hơn so với T-72.

Rõ ràng, so với T-80, thì T-72 có những thông số kỹ thuật kém thuyết phục hơn, song nhờ ưu điểm về kinh tế mà chúng vẫn sánh vai tồn tại cùng nhau. Sự hơn kém đó phần nào đã được kiểm chứng qua thực tế chiến tranh ở Iraq và Chechnya.

Trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, lực lượng xe tăng T-72 của Iraq đã bị tổn thất hết sức nặng nề khi gặp phải đối phương có ưu thế tuyệt đối trên không.

Tương tự, trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, xe tăng T-72 của Quân đội Nga cũng bị thiệt hại đáng kể khi phải đối phó với phiến quân trong cuộc chiến phi đối xứng.

Nguyên nhân tổn thất thì có nhiều, kể cả về ý chí tinh thần cũng như trình độ của binh sĩ, song một nguyên nhân không thể không nói đến là khả năng bảo vệ của T-72 không tốt như người ta trông đợi. Sở dĩ nó tồn tại nhiều khiếm khuyết so với T-80 như vậy chính là vì giá thành.

Theo thời giá tại thập kỷ 1970, giá thành một chiếc T-72 chỉ bằng khoảng gần 1/2 so với T-80.

Nhờ đó, nó nhanh chóng được đưa vào sản xuất hàng loạt và được sử dụng rộng khắp trong Quân đội Liên Xô cũng như các nước đồng minh. Không chỉ vậy, nó còn được xuất khẩu và cấp phép sản xuất ở nhiều nước khác.

Trong khi đó, T-64 và T-80 chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế và trang bị cho một số đơn vị quan trọng của Quân đội Liên Xô mà thôi.

Đến các biến thể sau của T-80 mới được đưa vào xuất khẩu, song nhìn chung, số lượng xe tăng chủ lực dòng T-64, T-80 vẫn thua xa dòng xe T-72.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U của Nga

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U của Nga

Cái gì quyết định - TIỀN?

Sự tồn tại của hai dòng xe tăng chủ lực trong quân đội Liên Xô xét cho cùng cũng do học thuyết quân sự quyết định.

Với tư tưởng sùng bái sức mạnh xe tăng, các nhà quân sự Liên Xô cho rằng: Tăng thiết giáp có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến cùng với các quân binh chủng khác trên chiến trường.

Do có hỏa lực mạnh, khả năng bảo vệ tốt và cơ động với tốc độ cao trên mọi địa hình, tăng thiết giáp thường được sử dụng trên các hướng tấn công chính, nhằm tạo ra những đòn tấn công đột phá mạnh, nhanh chóng chọc thủng tuyến phòng thủ và nghiền nát sức kháng cự của đối phương.

Vì vậy, để bảo vệ vững chắc lãnh thổ mênh mông của mình cũng như đồng minh, đồng thời để giành thắng lợi trong các cuộc xung đột, cần thiết phải tổ chức những binh đoàn xe tăng hùng mạnh. Khi cuộc chạy đua vũ trang lên đến cao trào thì yêu cầu này càng bức thiết.

Tuy nhiên, với giá thành cao ngất ngưởng của T-80, dù ngân sách quốc phòng của Liên Xô lúc đó rất khổng lồ cũng không thể kham nổi việc chế tạo số lượng lớn, đủ cho toàn bộ nhu cầu xây dựng lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu như học thuyết quân sự đòi hỏi.

Với những tính năng gần như tương đương T-80, trong khi giá thành lại rẻ hơn nhiều, T-72 trở thành cứu cánh và ngay lập tức được đưa vào sản xuất với số lượng lớn, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của cuộc chạy đua vũ trang “không tiền, khoáng hậu” giữa hai “phe”.

Như vậy, cũng chẳng có gì sai khi nói: sở dĩ tồn tại hai dòng xe tăng chủ lực T-72 và T-80 trong Quân đội Liên Xô những năm cuối thế kỷ XX chẳng qua là vì TIỀN!

Cho đến thập kỷ cuối của thế kỷ XX cả T-72 và T-80 đã trở nên lạc hậu trước các đối thủ như M1A1/A2 Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức), Leclerc (Pháp) hay Challenger (Anh), nhưng người ta đã thấy thấp thoáng phía chân trời những T-90, T-14 Armata.

Chưa rõ chúng tiến bộ đến đâu, song có thể biết chắc một điều: cuộc đua giữa “MÂU” với “THUẪN” sẽ không bao giờ dừng lại, dẫu rằng bây giờ không còn hai “phe” nữa!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại