Mô tả chung
Các xe tăng M48 đã được nâng cấp hệ thống sau khi phục vụ trong IDF vào năm 1965, làm chúng hầu như không thể phân biệt với M60. Trang bị pháo chính nòng xoắn 105 mm L7 sản xuất theo giấy phép với kiểu khoá nòng trượt theo chiều dọc.
Tất cả các xe tăng chiến đấu chủ lực của Israel được nâng cấp sâu với tháp chỉ huy Urdan, tăng thêm diện tích chứa hàng ở bên ngoài, ốp lót nhiệt cho pháo chính, lắp súng cối 60 mm và súng máy phụ trợ trên tháp pháo.
Động cơ diesel Teledyne Continental AVDS-1790-2A và giáp phản ứng nổ (ERA) Blazer cũng được lắp đặt. Những chiếc Magach trang bị giáp phản ứng nổ Blazer có tên là Magach 6B.
Đến năm 1985, mặc dù tất cả các xe tăng Magach đã được nâng cấp nhưng vẫn trở nên lỗi thời trước các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực khác.
Đặc biệt chính là sự rắc rối trong khả năng phòng vệ đường đạn của xe tăng, tháp pháo là điểm yếu chính. Phần dày nhất của tháp pháo M60 là 254 mm giáp đồng nhất những phần còn lại mỏng hơn rất nhiều.
Chúng không thể chống lại đạn xuyên động năng (KE) có thể xuyên 400 mm giáp đồng nhất, thậm chí đến năm 1990 còn xuất hiện đạn thanh xuyên động năng có guốc ốp nòng (APFSDS) xuyên được 800 mm giáp đồng nhất.
Giáp phản ứng nổ Blazer nặng khoảng 800 - 1.000 kg, có thể giúp xe tăng chống lại đạn xuyên lõm tương đương 10 tấn thép thông thường. Nhưng nó vẫn không đủ sức để chống lại các đạn xuyên động năng.
Nếu trang bị thêm giáp đồng nhất thì trọng lượng sẽ vượt mức cho phép. Vì thế vật liệu thụ động đã được yêu cầu, nhẹ hơn giáp đồng nhất, nhưng có thể giúp xe tăng chống lại đạn xuyên lõm lẫn đạn thanh xuyên động năng.
Lực lượng Phòng vệ Israel quyết định mượn vật liệu bảo vệ đường đạn từ dự án đang phát triển Merkava để nâng cấp các xe tăng Magach. Quá trình này dẫn tới một phiên bản mới của Magach xuất hiện vào giữa thập niên 1990.
Magach 7A (Tên Do Thái là Aleph)
Xe tăng này lắp giáp thụ động với hộp số và thiết bị cung cấp năng lượng được thay đổi để phù hợp với trọng lượng tăng thêm. Một hệ thống điều khiển hoả lực mới cũng được lắp đặt.
Magach 7B (Tên Do Thái là Hebrew)
Đây là mẫu xe tăng thay thế tạm thời khi chuyển từ Magach 7A sang Magach 7C (chỉ có một số ít Magach 7B được sản xuất trước khi có Magach 7C), với khả năng bảo vệ đường đạn tốt hơn.
Magach 7C (Tên Do Thái là Gimel)
Chiếc xe tăng này tương tự Aleph, tuy nhiên giáp thụ động thuộc thế hệ mới.
Magach 6 BATASH
Magach được nâng cấp theo từng lô nhỏ. Điều này xảy ra là do chi phí cũng như nâng cấp theo từng lô nhỏ sẽ dễ kiểm soát hơn, chất lượng tốt hơn.
Giáp thụ động giá thành quá cao nên không phải tất cả Magach đều được trang bị. Do đó các dòng Magach cũ vẫn phục vụ song song với các dòng Magach mới.
Vào tháng 11/1997, 2 chiếc Magach 6B trang bị giáp Blazer đã bị hạ gục bởi các tên lửa chống tăng bắn từ phiến quân Hezbollah. Khác với năm 1982, khi mà RPG và tên lửa chống tăng không thể xuyên qua Blazer, đây chính là thời điểm mà giáp phản ứng nổ bị hạ gục.
Sau trận đó, người ta nhận ra rằng giáp Blazer không thể chống lại đạn thanh xuyên động năng và đạn lõm chống tăng thế hệ mới, như kiểu đầu đạn được lắp trên tên lửa Spigot.
Năm 1999, Lực lượng Phòng vệ Israel đã đưa ra một yêu cầu về kiểu giáp rẻ hơn nhưng hiệu quả hơn Blazer dùng để nâng cấp dòng Magach 6B, IMI đã phản ứng rất nhanh, chỉ mất có 10 tuần từ khi thành lập ý tưởng đến khi sản xuất.
Gói nâng cấp này được gọi là Magach 6 BATASH (BATASH là tên viết tắt tiếng Do Thái của từ Bitachon Shotef, nghĩa là “Bảo vệ toàn diện”).
Khả năng bảo vệ
Magach 7A và Magach 7C đều trang bị giáp thụ động có khả năng chống lại đạn thanh xuyên động năng lẫn đạn lõm chống tăng. Công nghệ chế tạo loại giáp thụ động này đến nay vẫn là tuyệt mật.
Magach 7A đi vào phục vụ từ đầu thập niên 1990 và Magach 7C chính thức được trang bị cho IDF vài năm sau đó.
Cả hai dòng Magach 7A và Magach 7C được lắp thêm giáp phụ ở tháp pháo và phía trước thân xe. Tấm chắn 2 bên thân cũng được lắp đặt với sự kếp hợp giữa 2 tấm giáp thụ động và các tấm thép.
Magach 7A có cạnh phẳng được tán đinh, trang bị giáp module. Trong khi đó, giáp thụ động module trang bị cho Magach 7C được IMI sản xuất có tên mã là “Envelope”.
Loại giáp này có góc cạnh tốt hơn, tuy nhiên tháp pháo hình mũi tên khiến cho lái xe khó thoát ly nhanh ra ngoài nếu xe bị cháy. Tuy nhiên IMI chắc chắn rằng cho dù tháp pháo có hình dạng gì, lái xe vẫn có thể thoát ly dễ dàng.
Magach 6 BATASH có giáp kết hợp giữa giáp phản ứng nổ và giáp thụ động. Một chuyên gia đã đề cập đến nó như là được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động giao tranh cường độ thấp.
Kiểu giáp kết hợp này giúp tăng khả năng sống sót trước những cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng. Phần trước tháp pháo trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ 2 “Super Blazer”. Tấm giáp chắn 2 bên thân tương tự Magach 7.
Các dòng Magach đã và đang hệ thống hoá với hệ thống cảnh báo laser Moked (Focus/ Tiêu điểm), với nhiệm vụ cảnh báo kíp chiến đấu xe tăng đang bị đánh dấu bởi hệ thống chiếu laser.
Ngoài ra, Magach còn có hệ thống chữa cháy tự động Spectronix do Israel sản xuất.
Hoả lực
Magach vẫn giữ lại pháo chính nòng xoắn 105 mm được nâng cấp hệ thống hoả lực. Cơ cấu xoay tháp pháo bằng thuỷ lực để bù đắp cho việc tăng trọng lượng từ các tấm gíáp.
Một số xe tăng chiến đấu chủ lực Magach 6B được gắn hệ thống điều khiển hoả lực Gal (Wave), trên thị trường vũ khí quốc tế, nó được sản xuất bởi Elbit/ EL-OP với tên gọi là Matador.
Những xe tăng chiến đấu chủ lực Magach 6B gắn hệ thống điều khiển hoả lực Gal được đặt tên là Magach 6B Gal.
Hệ thống này cũng lắp trên các xe tăng chiến đấu chủ lực Magach 7. Hệ thống đo xa quang học được thay bằng đo xa laser trong khi xạ thủ có kính ngắm ban ngày lẫn ban đêm, lắp thêm máy tính đường đạn mới và hệ thống cảm biến khí tượng cho xe tăng.
Israel tự chế tạo một ốp lót cách nhiệt cho nòng pháo, giúp pháo bắn ổn định hơn. Để tăng khả năng bắn chính xác, kính ngắm của xạ thủ và bệ đặt súng được lắp thiết bị ổn hướng độc lập.
Trưởng xa có kính ngắm lắp trên phần giáp hình bán cầu bên phải tháp pháo. Nó sử dụng một phần hệ thống đo xa quang học cũ.
Mặc dù các loại đạn sử dụng trên Magach là tuyệt mật nhưng Israel luôn có tiếng tốt về chế tạo đạn pháo cho xe tăng, điển hình là đạn xuyên động năng có guốc ốp nòng vạch đường M413 (APFSDS-T), được tin rằng có khả năng xuyên giáp cực tốt.
Magach còn được trang bị 1 súng cối 60 mm đặt trên nóc tháp pháo để tiêu diệt bộ binh ẩn nấp sau vật cản.
Khả năng cơ động
Trọng lượng cơ bản của M60 là 49,7 tấn, Magach 7 sau khi nâng cấp với các tấm giáp bổ sung thì nặng khoảng 54 - 55 tấn, tăng thêm đáng kể cho dù xích của Magach đã được thay thế bằng bộ xích guốc thép bền, nhẹ hơn, thừa hưởng từ xích của Merkava, chỉ nặng có 1,7 tấn.
Vì trọng lượng tăng nhiều như vậy nên khả năng cơ động rất được chú trọng. Động cơ gốc công suất 750 mã lực đã được thay thế bằng động cơ diesel AVDS 1790-5A công suất 908 mã lực cùng với bộ truyền động của Merkava Mk I.
Ngoài ra công ty Kinetics cũng đưa ra vài gói nâng cấp cho các bộ bánh di chuyển. Lắp bộ giảm xóc mới và bộ giảm chấn thuỷ lực cho bánh lăn số 1, 2, 5 và 6; Lắp thanh xoắn độ bền cao tiêu chuẩn.
Sự kết hợp này đã nâng bánh lăn từ 180 - 200 mm, phân tán trọng lượng rất ấn tượng, 355%.
Trong kiểm nghiệm, Magach 7A và Magach 7C có khả năng vượt địa hình tốt và tăng tốc vượt trôi so với M60. Cải thiện vật chất cho kíp chiến đấu, giảm rung lắc cho khung thân, khả năng khai hoả chính xác cũng được cải thiện.
Đối với Magach 6 BATASH, vì khối lượng không tăng nhiều, xích đã được thay bằng bộ tiêu chuẩn của Merkava Mk I nên trọng lượng tăng không tăng đáng kể, vì thế việc thay động cơ là không cần thiết.
Biến thể mới của Magach
Từ khi công nghệ chế tạo giáp mới xuất hiện, giáp module đã cho phép nâng cấp thêm cho Magach. Ví dụ, vào năm 2003, giáp phụ đã được thêm vào phía trước mái của Magach 7C.
Tuy nhiên Magach sẽ không còn phát triển thêm cho Lực lượng Phòng vệ Israel nữa. Chính vì thế một gói nâng cấp sâu được giới thiệu cho M60 Thổ Nhĩ Kỳ, đó là Sabra. Với khả năng bảo vệ đường đạn tốt hơn, trang bị pháo 120 mm mới.
Cuộc chiến năm 1973 đã chỉ ra một lỗ hổng lớn trong thiết kế của M48 và M60.
Đó là ngay phía trước, ở dưới bệ nâng pháo và bệ quay tháp pháo, nơi tập trung hệ thống thuỷ lực áp suất cao, nếu tháp pháo bị xuyên thủng, hệ thống thuỷ lực bị thường gãy và phun vào kíp chiến đấu một chất lỏng dễ gây cháy.
Do vậy, trong trường hợp của Sabra, cơ cấu quay tháp pháo bằng điện đã được lắp đặt thay cho cơ cấu quay bằng thủy lực.