Trong kế hoạch nâng cấp vũ khí này, toàn bộ 6 chiếc khinh hạm lớp La Fayette mà Đài Loan mua của Pháp từ những năm 1990 sẽ được trang bị các loại tên lửa diệt hạm và phòng không mới.
Theo đó, tên lửa diệt hạm siêu thanh Hsiung Feng 3 sẽ thay thế cho người anh em Hsiung Feng 2. Hsiung Feng 3 dài 6,1 m, nặng 1,5 tấn và có đầu đạn nặng 181 kg.
Hsiung Feng 3 có tầm bắn tối đa 300 km và có thể đạt tốc độ tối đa 2.300 km/h. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường GPS và dẫn đường quán tính (INS) để tiếp cận mục tiêu và các bộ cảm biến để khóa và tấn công mục tiêu. Trong khi đó, Hsiung Feng 2 có kích thước nhỏ hơn, hệ thống điện tử lạc hậu hơn và tầm bắn chỉ đạt 160 km.
Ngoài tên lửa diệt hạm Hsiung Feng 3, các chiến hạm của Đài Loan sẽ được trang bị các tên lửa không mới Sky Sword II. Đây cũng là các tên lửa do Đài Loan tự sản xuất.
Sky Sword II là loại tên lửa 203 mm, nặng 190 kg và có tầm bắn 100 km với hệ thống dẫn đường bằng radar. Loại tên lửa này được Đài Loan tự phát triển và đưa vào trang bị từ năm 1999 sau khi Mỹ từ chối cung cấp cho Đài Loan loại tên lửa AMRAAM. Tuy nhiên, Sky Sword II sau đó không được trang bị một cách đại trà.
Khinh hạm lớp La Fayette của Đài Loan dài 125 m, có lượng choán nước 3.600 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa 46 km/h. Tàu có thủy thủ đoàn đầy đủ 141 người và có khả năng hoạt động độc lập trên biển 50 ngày.
Nguyên bản, các khinh hạm La Fayette được trang bị một pháo hạm 100 mm, 2 pháo 20 mm, 8 tên lửa diệt hạm Hsiung Feng 2 và một hệ thống phòng không Chaparral với 4 tên lửa tầm nhiệt Sidewinder có tầm bắn 10 km.
Ngoài 6 khinh hạm lớp La Fayette, về tàu nổi, Hải quân Đài Loan hiện còn có trong biên chế khoảng 130 chiến hạm các loại khác nhau, trong đó có tới 70% là các tàu loại nhỏ. Các tàu này chủ yếu do Đài Loan mua của Mỹ, Pháp và tự đóng.
Đáng kể nhất trong số này là 4 tàu khu trục lớp Kidd mà Đài Loan mua lại của Mỹ từ năm 2001 và tiến hành hiện đại hóa trong giai đoạn 2005-2006. Tàu có hỏa lực rất mạnh với 62 tên lửa phòng không tầm xa SM-2MR Block IIIA tầm bắn 74-170 km, 8 tên lửa diệt hạm RGM-84 Harpoon tầm bắn 130 km, 2 tổ hợp pháo phòng không tầm gần Phalanx 6 nòng 20 mm, 2 pháo hạm 127 mm và 2 cụm máy phóng ngư lôi săn ngầm Mark 46 324 mm. Tàu có thể mang theo 2 trực thăng S-70.
Một loại chiến hạm khác mà Đài Loan mua của Mỹ trước đó là khinh hạm lớp Knox. Đầu những năm 1990, Đài Loan đã mua lại 8 chiếc loại này. Khinh hạm Knox có lượng choán nước 4.260 tấn, dài 134m, thủy thủ đoàn 240 người.
Vũ khí tàu gồm tên lửa diệt hạm RGM-84 Harpoon, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung RIM-7, pháo hạm 127 mm, pháo phòng không Phalanx 6 nòng cỡ 20 mm, ngư lôi chống ngầm Mark 46 và tên lửa chống ngầm RUR-5 ARSOC.
Năm 2005, Đài Loan hiện đại hóa hệ thống phòng không và hệ thống điện tử trên 8 tàu. Theo đó, mỗi tàu có thêm 10 tên lửa phòng không tầm trung SM-1MR có tầm bắn 37 km.
Ngoài ra, Đài Loan cũng tự thiết kế, đóng mới nhiều chiến hạm theo giấy phép của Mỹ hay Israel. Điển hình là khinh hạm lớp Cheng Kung (8 chiếc, theo giấy phép của Mỹ), tàu tên lửa lớp Hai Ou (50 chiếc, theo giấy phép của Israel).
Đài Loan cũng tự đóng chiến hạm như tàu tên lửa lớp Ching Chiang (12 tàu) và tàu tên lửa cỡ nhỏ hiện đại nhất hiện nay là lớp Kang Hua VI (30 chiếc). Tuy nhiên, ngay cả loại tàu tên lửa hiện đại nhất này cũng chỉ trang bị tên lửa diệt hạm Hsiung Feng 2 nên cần được tăng cường vũ khí có uy lực và tầm bắn xa hơn.