Chiến binh mô tô và những vòng quay tử thần

Hà Dũng |

Hình ảnh những người lính trên chiến trường đầy khói lửa, phóng những chiếc mô tô phân khối lớn với bụi cuốn đằng sau thực sự rất cuốn hút với nhiều người.

Đã có thời, đội quân mô tô trong quân đội các nước phát triển hết sức rầm rộ. Ngày nay tuy vai trò đã giảm, số lượng ít đi nhưng vẫn còn đó những vòng quay miệt mài trên các chiến trường.

Chiến tranh thế giới thứ nhất – nơi ra đời của những cỗ máy chiến tranh

Thế chiến I nổ ra đã cuốn hầu hết các nước vào vòng xoáy chiến tranh. Thời gian này, rất nhiều ý tưởng lạ đã được hiện thực hóa nhằm phục vụ cuộc chiến. Từ xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu ngầm, bom nguyên tử... đến những thứ tàn độc như vũ khí hóa học, sinh học...

Sự phát triển của các phương tiện cơ giới đã góp phần thay đổi phương thức tác chiến. Tham vọng về khả năng cơ động đã tạo tiền đề cho sự ra đời của những đội quân cơ giới hùng hậu.

Những binh đoàn xe tăng, những lữ đoàn ô tô đã trở thành hình ảnh quen thuộc, song độc đáo nhất phải kể đến những đội quân mô tô.

Với những người có niềm đam mê với dòng mô tô quân sự, có lẽ cái tên Harley-Davidson đã trở thành một huyền thoại.

Kể từ năm 1917, khi nước Mỹ bước vào cuộc chiến, Harley đã xuất xưởng 20.000 chiếc xe máy phục vụ chiến tranh. Đến năm 1920, Harley đạt sản lượng trên 28.000 xe và được bán tại 67 quốc gia trên thế giới.

Hình ảnh gắn liền với dòng xe này là năm 1918, một ngày sau khi hiệp ước đình chiến được ký kết, trung úy Roy Holtz - người lính Mỹ đầu tiên tiến vào nước Đức đã “cưỡi” trên một chiếc Harley-Davidson.


Trung úy Roy Holtz - người lính Mỹ đầu tiên tiến vào nước Đức năm 1918

Trung úy Roy Holtz - người lính Mỹ đầu tiên tiến vào nước Đức năm 1918

Chiến tranh thế giới thứ hai – thời kỳ hoàng kim của đội quân mô tô

Đề cao khả năng cơ động như một yếu tố quyết định tới thắng lợi trên chiến trường, Thế chiến II là giai đoạn phát triển rầm rộ của đội quân mô tô ở tất cả các nước.

Ở Đức, với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, những dòng xe mô tô mang nhãn hiệu BMW, DKW, Zundapp với khả năng vượt địa hình và hoạt động mạnh mẽ đã xuất hiện trong quân đội từ những năm 1939.

Nổi tiếng nhất là mô tô BMW-R71, sau này nó đã trở thành mẫu để quân đội các nước khác làm theo. Trang bị trên xe thường là súng cối cá nhân hoặc súng trung liên.

Một mẫu xe cũng nổi tiếng không kém là SdKfz-2 (tên đầy đủ là Kleines Kettenkraftrad HK 101) của hãng NSU Werke AG.

Mẫu xe này là sự kết hợp giữa mô tô và xe bánh xích. Với khả năng linh hoạt của mô tô, sức kéo mạnh mẽ vượt mọi địa hình của bánh xích, chiếc xe có thể hoạt động trên địa hình lầy lội hoặc băng tuyết và có thể làm xe kéo máy bay, pháo...

Tốc độ tối đa của chiếc xe này lên tới 70km/h, hộp số 4 cấp (3 số tiến + 1 số lùi).


Mẫu xe độc đáo SdKfz-2 của hãng NSU Werke AG

Mẫu xe độc đáo SdKfz-2 của hãng NSU Werke AG

Mô tô trong quân đội Liên Xô phát triển muộn hơn. Trước yêu cầu về tăng khả năng cơ động trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô có chủ trương thành lập đội quân mô tô hạng nặng chuyên dụng vào cuối năm 1930.

Khó khăn đầu tiên cần phải giải quyết đó là nền công nghiệp Liên Xô lúc này không thực sự mạnh để có thể sản xuất được những chiếc mô tô đảm bảo yêu cầu của chiến trường.

Để giải quyết vấn đề, Liên Xô đã quyết định chọn chiếc mô tô Đức BMW–R71 làm mẫu. 5 chiếc mô tô đã được mua thông qua Thụy Điển và được đưa về Liên Xô để các kỹ sư mổ xẻ.

Đến năm 1941, những chiếc xe mô tô M-72 đã ra đời. Bên cạnh việc sao chép, các kỹ sư Liên Xô cũng đã đưa thêm vào những cải tiến về khung và hệ thống giảm xóc nhằm tăng tính linh hoạt cho chiếc xe.

Động cơ có chất lượng thấp hơn nhưng có thể vận hành được với những loại xăng có chất lượng thấp hơn nhằm thích ứng với điều kiện hậu cần ở chiến trường.

Với một người lái và hai người đi cùng, M-72 có trọng tải hơn 1,5 tấn, đạt tốc độ tối đa đến 85km/h.

Với khả năng linh hoạt, M-72 có thể trang bị súng cối cá nhân nhưng cũng có thể chuyên chở đại bác hạng nhẹ, làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, cung cấp vật tư kỹ thuật để sửa chữa.


Lực lượng lính mô tô là lực lượng được phát triển nhanh chóng trong chiến tranh thế giới thứ 2

Lực lượng lính mô tô là lực lượng được phát triển nhanh chóng trong chiến tranh thế giới thứ 2

Với truyền thống từ chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Mỹ có một lực lượng mô tô hùng hậu và nhiều chủng loại.

Thống trị lực lượng mô tô trang bị cho quân đội Mỹ vẫn là dòng mô tô mang thương hiệu Harley-Davidson. Dòng xe này cũng được cung cấp cho quân đội Canada và gửi hơn 30.000 xe sang Liên Xô

So với các xe sản xuất ở Liên Xô, tuy vượt trội về khả năng cơ động trên các loại địa hình nhưng những chiếc xe xuất xứ từ Mỹ đòi hỏi vận hành với xăng có chất lượng cao nên mặt nào hạn chế khi sử dụng ở chiến trường có nhiều thiếu thốn.


Mô tô huyền thoại Harley-Davidson của Mỹ

Mô tô huyền thoại Harley-Davidson của Mỹ

Bên cạnh dòng xe đã trở thành huyền thoại như Harley-Davidson, cũng phải kể đến hai loại xe dành cho lực lượng đặc biệt chuyên nhảy, dù đó là Cushman Model 53, Welbike.

Điểm nổi bật nhất là thiết kế đặc biệt gọn nhẹ, trang bị hết sức đơn giản để thuận tiện cho việc nhảy dù.


Loại xe dành cho lực lượng đặc biệt chuyên nhảy dù Cushman Model 53, Welbike

Loại xe dành cho lực lượng đặc biệt chuyên nhảy dù Cushman Model 53, Welbike

Ngoài Đức, Mỹ và Liên Xô thì nước Anh cũng đưa vào biên chế quân đội thương hiệu xe Norton WD16H. Đây là một trong những phương tiện chính của quân đội Anh, hàng chục nghìn chiếc xe loại này đã phục vụ trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Đội quân mô tô thời hiện đại

Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, đội quân mô tô quân sự lần lượt ra đời ở nhiều quốc gia khác nhau. Huyền thoại Harley WLA không chỉ "phục vụ" trong chiến tranh thế giới thứ hai mà còn tiếp tục lăn bánh trên chiến trường chiến tranh Triều Tiên.

Để phù hợp với chiến trường mới, những chiếc xe cũng được trang bị khủng hơn. Ví dụ như những chiếc xe U-rai “Gear-Up” của Nga có thể được trang bị súng cối, tên lửa chống tăng và trở thành những cỗ máy mang dáng vẻ hầm hố.

Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, tổng cộng 3.2 triệu chiếc Ural đã được xuất xưởng.


Xe U-rai “Gear-Up” của Nga trang bị vũ khí hạng nặng

Xe U-rai “Gear-Up” của Nga trang bị vũ khí hạng nặng

Hay chiếc Vespa 150 TAP xuất hiện vào những năm 1950, được trang bị pháo chống xe tăng dọc thân xe. Tuy nhiên, loại pháo này không được bắn trực tiếp từ xe mà phải dỡ xuống và gác lên giá đỡ. Xe được thiết kế để có thể đổ bộ vào vùng chiến bằng dù.


Chiếc Vespa 150 TAP của Ý

Chiếc Vespa 150 TAP của Ý

Với sự thay đổi hình thái tác chiến thời hiện đại, khi vũ khí có tính chính xác và thông minh hơn, tác chiến theo phương thức phi tiếp xúc thì tính cơ động không còn là yếu tố ưu tiên. Do đó, những đội quân mô tô dần dần đánh mất vai trò của mình.

Những chiếc xe mô tô quân sự dần dần được dành cho những người đam mê dòng mô tô độc đáo này.

Hiện nay, trong quân đội nhiều nước vẫn trang bị mô tô với số ít. Đây thực sự là những thiết bị công nghệ cao có tính thử nghiệm hơn là áp dụng đại trà.

Ví dụ như mẫu xe khả năng chạy êm, tốc độ nhanh, chiếc mô tô tàng hình Silent Hawk cho phép lính Mỹ tiếp cận sát mục tiêu mà kẻ thù không hề hay biết. Dự án này được khởi động từ cuối năm 2014.


Mô tô tàng hình Silent Hawk dành cho lính trinh sát Mỹ

Mô tô tàng hình Silent Hawk dành cho lính trinh sát Mỹ

Nga cũng vừa giới thiệu mẫu mô tô điện dành cho lực lượng đặc nhiệm. Bộ giảm xóc bánh trước cho phép xe có thể hoạt động trên địa hình gồ ghề. Tốc độ tối đa đến 110 km/h.

Khi sử dụng 1 ắc-quy, xe có thể di chuyển quãng đường tối đa 220 km, khi dùng 2 ắc-quy, quãng đường tối đa lên tới 370km. Xe có hệ thống dập lửa, ngăn ắc-quy có có bộ sưởi để làm việc ở nhiệt độ thấp.

Hoặc chiếc mô tô bay mà Phòng thí nghiệm nghiên cứu của Quân đội Mỹ (ARL) đang phát triển phương tiện trinh sát tầm gần cho các lực lượng đặc nhiệm. Đây thực ra nên gọi là một chiếc máy bay hơn là một chiếc mô tô.


Chiếc mô tô bay của Mỹ đang thử nghiệm

Chiếc mô tô bay của Mỹ đang thử nghiệm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại