Từ nhãn quan quân sự Xô Viết...
Thực ra những tranh cãi như thế không hiếm, đặc biệt thường thấy những so sánh giữa các vũ khí của hai hệ: Hoa Kỳ và Liên Xô cũ hay bây giờ là của Liên bang Nga.
Chúng ta có thể thấy những ví dụ như so sánh giữa súng trường tấn công M-16 với AK-47; xe tăng M-48 với T-54; hay gần đây nhất là giữa xe tăng M1A2 Abrams với T-90 của Nga.
Ngược dòng thời gian, thời Chiến tranh thế giới 2 (CTTG 2) những chiếc xe tăng của Hồng quân cũng thường bị đem so sánh với xe tăng của Đức Quốc xã, như chiếc T-34 thường được so sánh với Panzer IV, còn IS thì so sánh với Tiger…
Cần nhìn nhận vấn đề từ quan điểm tiến hành chiến tranh của mỗi bên. Nhãn quan quân sự Xô viết có thể nói có chịu ảnh hưởng của chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng (“Blitzkrieg”) được người Đức phát triển và áp dụng cực kỳ thành công thời kỳ đầu CTTG 2.
Với đặc điểm sử dụng một số lượng lớn xe tăng, kết hợp với máy bay ném bom cùng với đổ bộ đường không tấn công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở hậu phương quân địch, sau đó là việc xe tăng tập kích với tốc độ cao vào tung thâm đối phương.
Qua đó, gây hoảng loạn và tan rã nhanh chóng các lực lượng phòng ngự địch đã bị bỏ lại ở phía sau, từ đó tiến hành bao vây, chia cắt và tiêu diệt nốt những lực lượng đó.
Chiến thuật “Blitzkrieg” thành công trên chiến trường Châu Âu nhưng lại không mấy thành công trên mặt trận phía Đông chống Liên Xô, dần dần quân đội Quốc xã sa lầy và thất bại.
Nhược điểm của nó như các nhà quân sự Xô viết lỗi lạc đã nhận thấy là việc quá coi nhẹ vai trò của binh chủng hợp thành, đặc biệt là vai trò của pháo binh là không đáng kể.
Chiến thuật này của quân đội Đức đã có được một người học trò xuất sắc và còn vượt cả thày, đó là việc ra đời của chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng kiểu Xô Viết.”.
Vào giai đoạn sau của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, người ta ghi nhận tốc độ tiến quân của Hồng quân lên tới 150km một ngày đêm. Tốc độ tiến quân của Hồng quân chỉ giảm đi khi chính diện mặt trận càng ngày càng thu hẹp khi tiến sang đất Châu Âu.
Việc lấy bộ binh làm trung tâm, pháo binh là “thần chiến tranh” làm “mềm chiến trường”, cùng xe tăng làm hỗ trợ bộ binh về hỏa lực và cả tốc độ tiến quân đã làm nên danh tiếng của Quân đội Xô Viết thời đó.
Chính vì thế các loại xe tăng của Liên Xô thời kỳ này được chế tạo nhằm mục đích chủ yếu để hỗ trợ bộ binh.
Nhiệm vụ diệt xe tăng đối phương được giao cho các loại vũ khí rẻ tiền hơn như pháo chống tăng, vũ khí chống tăng cá nhân và đặc biệt là các pháo tự hành chống tăng như ISU-100, ISU-122 hay máy bay cường kích nổi tiếng IL-2 “Sturmovik”.
Trận đánh trên vòng cung Kursk cho thấy quan điểm của các nhà quân sự Xô Viết là sử dụng một thế trận liên hoàn cực lớn và dày đặc, nhiều tầng lớp có đủ các thành phần.
Có thể kể đến ở đây là vũ khí chống tăng cá nhân, trận địa chống tăng dùng mìn và chướng ngại vật, đến pháo chống tăng và pháo tự hành chống tăng.
Sau khi phòng ngự tích cực có kết quả, phát xít Đức mất đi một lượng lớn xe tăng thì các lực lượng xe tăng Liên Xô mới bước vào chiến đấu, phản công đem lại thay đổi quyết định về cục diện trận đánh.
Quan điểm này không thay đổi cả thời gian sau chiến tranh, do đó việc phát triển vũ khí của Quân đội Xô viết khá đồng đều với những thế mạnh mà đến nay vẫn thuộc hàng “có số có má” trên thế giới, như lực lượng pháo binh (tính cả tên lửa đất đối đất.).
Đến thập niên 1990, do những biến động về chính trị gắn liền với sự tan rã của LB Xô viết, Quân đội Nga với tư cách kế thừa phần lớn cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nhân lực của Quân đội Xô Viết lại gặp thời kỳ khủng hoảng kinh tế đã gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng thiết giáp Nga không phải là ngoại lệ, cũng bước vào giai đoạn khủng hoảng mà giới quân sự thế giới gọi là “giai đoạn khủng hoảng xe tăng Nga.”
Sở dĩ có cái mệnh danh như thế vì thiết giáp Nga bị thách thức nghiêm trọng khi những chiếc T-72 bị tiêu diệt “dễ như ăn kẹo” trước những trực thăng vũ trang AH-64 “Apache” và xe tăng M1 “Abrams” của Hoa Kỳ trên chiến trường Iraq 1991.
Sự ra đời của những loại xe tăng hiện đại khác từ khối NATO như Leopard của Đức, Leclerc của Pháp hay ngay cả Merkava của Israel đều góp phần làm lu mờ danh tiếng của xe tăng Nga.
Chiếc T-90 của Nga bị bắn bởi tên lửa chống tăng TOW. Ảnh cắt từ clip.
... đến những thay đổi mang tính bước ngoặt
Chủ yếu một phần từ sự thay đổi nhận thức cách tiến hành chiến tranh của thời kỳ hiện đại cuối thế kỷ 20. Hầu hết các nước có bước tiến mạnh về chất lượng xây dựng quân đội đều áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự không bắt buộc, điển hình là Hoa Kỳ.
Người lính của đầu thế kỷ 21 đã là người lính “chất lượng cao” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Để khai thác được hết các tính năng của vũ khí và trang thiết bị hiện đại của kỷ nguyên kỹ thuật số, đòi hỏi người lính phải có trình độ đại học.
Số lượng quân lính do đó giảm đi, đồng thời đòi hỏi sự nâng cao ghê gớm về trình độ chỉ huy tác chiến, đặc biệt là áp dụng điều khiển học vào chỉ huy cũng như tác chiến điện tử.
Trong khi đó hiện nay Liên bang Nga vẫn áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự 1 năm, điều này sẽ gây khó khăn cho việc chuyên nghiệp hóa quân nhân thành một “nghề” cũng như nâng cao chất lượng quân đội theo hướng hiện đại hóa.
Từ khó khăn đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm xây dựng và phát triển các lực lượng khác như không quân, pháo binh và thiết giáp.
Từ thời CT lạnh, Quân đội Xô Viết đã phát triển các loại xe tăng phục vụ tác chiến hiệp đồng với bộ binh như T-54, T-62, T-72 và mới đây nhất là T-90; dành cho các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ là mẫu xe tăng T-64 và sau đó là T-80 với số lượng hạn chế.
Chính vì vậy nếu cần phải so sánh, thì đối tượng bị “lôi” ra phải là chiếc T-80 xa xỉ chứ không phải chiếc T-90 “giản dị” vốn là phiên bản nâng cấp của T-72.
Thực tiễn chiến trường của cuộc chiến Grozny (Chechnya) với thiệt hại nặng nề cho xe tăng của Quân đội Nga cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tiến hành chiến tranh theo một cách khác.
Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng như những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ cùng liên quân ở các chiến trường Trung Đông hay Afghanistan cho thấy có những sự thay đổi lớn trong chiến lược cũng như chiến thuật.
Đồng thời tính chất của những cuộc xung đột cũng đã thay đổi, việc chiếm đất đai của đối phương không hẳn là quan trọng, mà là việc giành được thắng lợi quân sự phải đi kèm với thắng lợi về chính trị từ đó mở rộng vòng ảnh hưởng của quốc gia về địa chính trị.
Do đó bây giờ họ tiến hành chiến tranh bằng việc tiêu diệt các mục tiêu có chọn lọc bằng các vũ khí thông minh có độ chính xác cực cao như bom thông minh, tên lửa hành trình.
Từ đó các nhóm quân đặc biệt tinh nhuệ, bí mật tập kích chớp nhoáng rồi rút rất nhanh; kết hợp với việc thường xuyên kiểm soát chiến trường bằng vệ tinh, máy bay không người lái…
Ưu điểm của chiến thuật “trực thăng vận” cực kỳ cơ động có từ trong Chiến tranh Việt Nam nay được áp dụng phổ biến rất hiệu quả. Một trong những thành công vang dội của nó là chiến dịch tập kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden (2011).
Một chiếc xe tăng M1A2 hiện đại của Mỹ bị phá hủy ở Iraq.
Không chỉ lực lượng thiết giáp mà toàn bộ nền quân sự của nhiều quốc gia, đặc biệt là Nga đứng trước thử thách, thách thức nghiêm trọng.
Đầu tiên là sự nhận thức được vai trò của Hải quân trong lực lượng vũ trang, vai trò của tầu sân bay (các cỡ, từ hàng không mẫu hạm cỡ lớn đến tàu đổ bộ trực thăng) trong hạm đội để có được vị trí cường quốc Đại dương.
Sau đó là sự thay đổi nhận thức về chất lượng của quân đội, các quân binh chủng trong thời kỳ mới. Do đó năm ngoái Nga đã ban hành Học thuyết biển mới.
Trước đó, trong hoàn cảnh biên giới NATO ngày càng dịch về phía Đông, năm 2010 Nga đã ban hành Học thuyết quân sự mới trong đó xác định rõ NATO sẽ là đối thủ chính. Tuy nhiên tương quan cả về số lượng lẫn chất lượng vẫn quá mất cân bằng.
Chính sự thay đổi về nhãn quan quân sự nhằm mở rộng vòng ảnh hưởng của quốc gia, mà Nga đã có những hành động quyết đoán thể hiện qua những hoạt động ở Syria.
Chiến dịch quân sự của Nga chủ yếu là những cuộc không kích, sự tham gia của các lực lượng mặt đất là khá hạn chế - đã làm tốn nhiều giấy mực của truyền thông thế giới và đều khá thống nhất một điểm: về quân sự, Nga vẫn là một thế lực.
Đồng thời chiến dịch này cũng làm bộc lộ những yếu kém của Nga, như vẫn còn số lượng khá lớn những vũ khí “đời cổ” như cường kích SU-24 trong biên chế, hay còn nhiều bom đạn thế hệ cũ chưa “thông minh.”.
Ngay cả những đồn đoán xung quanh mảnh tên lửa Nga được cho là rơi xuống Iran cũng làm dấy lên nghi ngờ về tính chính xác và độ tin cậy của khí tài Nga.
Xe tăng T-14 Armata mới nhất của Nga.
Sự ra đời và phát triển của dự án xe tăng T-14 “Armata” là một nỗ lực lớn của công nghiệp quốc phòng Nga.
Mặc dù vậy, để lực lượng thiết giáp nước này có được một số lượng đáng kể xe tăng mới và đảm bảo chất lượng, họ còn cần khá nhiều thời gian nữa.
Mọi so sánh là khập khiễng, đặc biệt với vũ khí khi mà quan điểm tiến hành chiến tranh của các bên là quá khác biệt.
Tuy nhiên điều đó sẽ là cần thiết và đem lại kết quả khi thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điều khiển học.
Chúng ta sẽ chờ đợi câu trả lời của các bên, đặc biệt từ công nghiệp quốc phòng Nga. Lúc đó, sẽ là lúc cần phải nhường lời cho các chuyên gia vũ khí lên tiếng.