Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 1998, Việt Nam đã tiếp nhận từ Triều Tiên 25 tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Hwasong-6 (Hỏa tinh-6).
Hwasong-6 (Scud-C) là loại tên lửa đối đất nhiên liệu lỏng, một giai đoạn do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chế tạo, nó chính là biến thể nâng cấp từ Hwasong-5 - phiên bản R-17 Elbrus (Scud) của Liên Xô.
So với Scud nguyên bản, do trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến đi kèm động cơ hiệu suất cao mà sai số (CEP) của Hwasong-6 rút xuống chỉ còn 50 m với đầu đạn nặng 800 kg, trong khi tầm bắn tăng vọt lên 700 km (so với 300 km và CEP 500 - 900 m của Scud-A/B).
Như vậy Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn lớn hơn 300 km với độ chính xác đảm bảo tiêu diệt mục tiêu.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-6 của Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh
Thời gian qua đã có một số ý kiến cho rằng Việt Nam nên đầu tư mua sắm Iskander-E của Nga để tăng cường năng lực răn đe, do lo ngại số tên lửa Scud-B đã cũ và có độ chính xác kém, nhưng liệu Iskander-E có vượt trội hoàn toàn Hỏa tinh-6?
Đầu tiên khi so sánh về tầm bắn cũng như độ chính xác, do là phiên bản xuất khẩu, phải chịu ràng buộc từ Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) mà Iskander-E chỉ bay được tối đa 280 km (so với 500 km của Iskander-M), chỉ bằng 40% Hwasong-6.
Thêm vào đó, sai số của Iskander-E lên tới 30 - 70 m, do biến thể xuất khẩu không được Nga trang bị đầu dò quang điện như bản nội địa, trong khi trọng lượng đầu đạn cũng chỉ vào khoảng 710 - 800 kg. Như vậy là không có ưu thế rõ rệt trước Scud-C.
Công nghệ đáng chú ý nhất trên Iskander theo giới thiệu của Nga chính là tàng hình plasma thì vẫn chưa được kiểm chứng, thậm chí nhiều chuyên gia phương Tây còn cho rằng đây là quảng cáo thái quá, tính năng này nhiều khả năng cũng không có trên bản thương mại.
Xe mang phóng và xe nạp đạn của tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M
Với giá thành lên tới 120 triệu USD cho một khẩu đội (bao gồm 6 xe mang phóng, 24 tên lửa, trung tâm chỉ huy và xe hỗ trợ) chi phí dành cho Iskander-E là rất cao, trong khi nó vẫn chưa chứng tỏ được sự vượt trội so với Hwasong-6.
Do vậy, có thể thấy nếu như phía Nga đồng ý bán cho Việt Nam một phiên bản Iskander với tính năng tiệm cận bản nội địa (tầm bắn trên 300 km, sai số 5 - 7 m nhờ trang bị đầu dò quang điện) thì nó mới có ưu thế chiến thuật trước tên lửa của Triều Tiên.
Còn hiện tại, với tên lửa đạn đạo Scud-B, Hwasong-6 và tên lửa hành trình đối đất 3M-14TE, năng lực răn đe của Việt Nam là đáng kể, đã đủ để làm chùn chân mọi kẻ thù.