Chuyện ít biết về chỉ huy tình báo chiến lược trong Mậu Thân 1968

Đoàn Hoài Trung |

Lúc nào cũng nụ cười trên môi, ít ai ngờ ông đã từng là chỉ huy cụm tình báo chiến lược A54 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Đại tá Võ Hoàng Đạo đã bước sang tuổi 91 tuổi, dáng người vạm vỡ, khuôn mặt phúc hậu, hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Chuyện tình người tình báo

Đại tá Võ Hoàng Đạo sinh năm 1926, ở Hải Lăng, Quảng Trị, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Mùa thu 1945, chàng thanh niên Hoàng Đạo đã cuốn theo dòng người đi cướp chính quyền từ tay thực dân phong kiến.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia chiến đấu trong trung đoàn 95, bắt đầu từ tiểu đội trưởng, qua lớp quân chính Trung Bộ, ông được bổ nhiệm đại đội phó. Năm 1953, ông được tổ chức phân công sang Lào làm trưởng ban quân báo Trung Hạ Lào.

Sau hiệp định Geneve, đầu tháng 5-1955, ông nhận được lệnh cắt mọi liên lạc với gia đình, người thân, lên đường làm nhiệm vụ tình báo trong lòng địch. Võ Hoàng Đạo vượt Trường Sơn vào Huế đóng vai một nhà buôn với tên mới Nguyễn Sa.

Với số vốn ít ỏi Cách mạng cấp cho (15.000 đồng), nhà buôn Nguyễn Sa đã thử vận may làm đồn điền ở Buôn Ma Thuột.


Đại tá Võ Hoàng Đạo.

Đại tá Võ Hoàng Đạo.

Lúc này ông mở rộng quan hệ với các quan chức chính quyền Sài Gòn, được phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ tạo điều kiện, ông về làm chủ đồn điền tại Đà Lạt với hơn 4000 mẫu.

Tại Đài Lạt ông đã móc nối với cơ sở các mạng là gia đình bà Phạm Thị Nhung. Chồng của bà Nhung là ông Trần Văn Phát, nguyên là Bí thư thành phố Quy Nhơn.

Năm 1954, ông Phát tập kết ra Bắc với ba người con, còn bà Nhung được tổ chức phân công lên Đà Lạt lập cơ sở cách mạng lâu dài.

Đi cùng Bà Nhung có mẹ chồng, 1 tình báo viên tên là Phan Thành đóng giả em trai và 2 người con là Trần Thị Xuân Hương và Trần Thị Sô, cả hai sau đều tham gia cùng mẹ hoạt động tình báo.

Gia đình bà Nhung đã giúp đỡ cho ông Nguyễn Sa trong những ngày đầu lập trang trại với tên gọi Đa Quý. Năm 1958, Nguyễn Sa được nhiều quan chức địa phương và chính khách Sài Gòn biết đến như một chủ đồn điền giàu có.

Nguyễn Sa đã từng được tiếp kiến tổng thống Ngô Đình Diệm, khi ông ta đi nghỉ ở Đà Lạt. Không thể đóng vai chủ đồn điền độc thân mãi, ông đã báo cáo với tổ chức.

Sau khi bàn bạc, để tạo vỏ bọc lâu dài tránh nguy cơ bị lộ cho Nguyễn Sa, tổ chức đã lệnh cho ông phải sớm cưới cô Trần Thị Xuân Hương. Nhớ lại những ngày ấy, bà Trần Thị Xuân Hương tâm sự:

“Hồi ấy tôi đâu có biết ông tên thật là gì, đã có vợ con ở quê chưa? chỉ biết ông là chiến sĩ cách mạng, một thân một mình hoạt động trong lòng địch, vì cảm mến cách mạng mà tôi đã đồng ý lấy ông”.

Đám cưới được tổ chức đơn sơ, thậm chí nhiều người trong họ hàng nhà bà Hương cũng không biết là bà đã cưới chồng.

Theo yêu cầu của tổ chức, ông phải về Sài Gòn hoạt động. Nguyễn Sa đã bàn giao phần quản lý đồn điền cho Phan Thành (điệp báo của ta, đóng giả em trai bà Nhung).

Ông về học trường kỹ thuật vô tuyến điện và mở tiệm Radio Hoà Tuyến tại số nhà 238 Lê Văn Duyệt (Đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay), sát cạnh Bộ Tư lệnh hành quân của của nguỵ quyền Sài Gòn.


Ngày 31/1/1968, khoảng 70.000 quân cách mạng đã bắt đầu thực hiện một loạt các cuộc tấn công quân đội Mỹ ở các thành phố lớn như Huế, Sài
Gòn...

Ngày 31/1/1968, khoảng 70.000 quân cách mạng đã bắt đầu thực hiện một loạt các cuộc tấn công quân đội Mỹ ở các thành phố lớn như Huế, Sài
Gòn...

Năm 1959, bà Hương sinh con trai đầu đặt tên là Nguyễn Vinh ( Sau giải phóng mới đổi lại tên con là Võ Hoàng Vinh). Để giải thích việc ông bỏ đi Sài Gòn, bà phải nói dối mọi người ông đi theo vợ bé.

Tháng 10-1961, một điệp báo của ta chiêu hồi khai 41 người, trong đó có Nguyễn Sa. Ông bị địch bắt trên đường về căn cứ.

Suốt 3 năm giam cầm qua nhiều nhà giam: Sở thú, Phú Lợi, Cộng Hoà, Gia Định… chúng tìm mọi cách khai thác, nhưng ông vẫn chối, không nhận mình là Cộng sản.

Chẳng tìm được chứng cứ gì, thêm nữa, tổ chức lo lót tiền để địch thả ông ra vào tháng 10-1964. Các cơ sở ông gây dựng không hề bị lộ, ông móc nối lại, tiếp tục hoạt động với tên mới Tư Sắt.

Những ngày Mậu Thân sôi động

Năm 1965, Tư Sắt được trên giao nhiệm vụ trưởng ban điệp báo chiến dịch, nắm tình hình, xây dựng cơ sở chuẩn bị chiến trường. Sau khi thành lập Cụm tình báo A38, ông được cử là cụm trưởng.

Tháng 10-1967, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đề ra nghị quyết: “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa , lấy tên nghị quyết Quang Trung”. Lấy Sài Gòn làm trọng điểm –nơi trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh Mỹ nguỵ.

Cụm tình báo A38 được đổi thành A54, với 12 cụm nhỏ khác là A30,A35, A34, A40, A45, A46, A48,… gồm hơn 200 đội viên làm nhiệm vụ trinh sát, xây dựng cơ sở, đón đưa cán bộ vào Sài Gòn chuẩn bị cho đợt Tổng công kích.

Sở chỉ huy của A54 lúc đó đặt tại rừng Bời Lời thuộc xã Đăng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Từng cụm nhỏ liên lạc về bằng máy thu phát vô tuyến điện của Liên Xô và máy Sài Gòn 68 do ta tự chế. Giờ phát sóng theo quy định ngày 1 phiên.

Tư Sắt được giao cụm trưởng, lúc thì ở rừng Bời Lời, lúc thì vào nội thành nắm tin tức.

Nhớ lại những ngày Mậu Thân sôi động, Đại tá Tư Sắt bồi hồi kể. Trước tết Mậu Thân 1968, ông đã đưa chót lọt, an toàn nhiều đoàn cán bộ vào trinh sát Sài Gòn.

Chiều 30 tết, Tư Sắt từ rừng Bời Lời về Sài Gòn bằng chiếc xe Peugeot JA 0603 (Chiếc xe này đang được để ở bảo tàng Quân đội), vào thẳng tiệm radio Hoà Tuyến.

Đêm 1 tết, ông chuyển sang nhà anh ba Bình Dương, một cơ sở của A54 trên đường Lê Văn Duyệt. Tại đây ông được liên lạc đưa chỉ thị giờ G Tổng công kích, ông vội liên lạc báo các cụm trong A54.

Chiếc xe Pegeot được điều động lên xóm mới để chuyển 12 chiến sĩ quân giải phóng vào tấn công cổng số 5 Bộ Tổng Tham mưu nguỵ.

Tư Sắt cùng 3 đồng chí trong cụm là Phan Thành, Mười Lắng và 1 đồng chí lái xe lên đón gặp lực lượng tiểu đoàn 2 Quyết thắng trước cổng số 4 Bộ Tổng Tham mưu nguỵ.

Khoảng 12 giờ đêm mùng 1 tết, 140 chiến sĩ tiểu đoàn 2 được chị Lê Thị Sáu, đội viên A54 dẫn đường, hành quân từ Bến Cát Bình Dương vào ga Gò Vấp, đi dọc đường ray xe lửa áp sát vào cổng số 4 Bộ Tổng Tham mưu nguỵ.

Theo kế hoạch, 1giờ 30 sẽ có pháo của ta bắn vào vào Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, đó là hiệu lệnh tổng tiến công cho các đơn vị. Phía cổng số 4 sẽ có nội tuyến mở cửa.

Nhưng đợi từ 1 giờ 30 đến gần 3 giờ sáng không có trận pháo kích nào, anh em sốt ruột, vì trời sáng sẽ bị lộ, không còn tính bất ngờ nữa. Nhiều ý kiến bàn lùi, cho rằng phải rút ra bảo toàn lực lượng.

Nhưng ông Tư Sắt đã đề nghị với chỉ huy đơn vị: “Tuy không có hiệu lệnh, nhưng nếu chúng ta rút ra thì sẽ lỡ hết thời cơ, đề nghị các anh cứ theo kế hoạch đánh thẳng vào trong lòng địch”.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 2 tết, các chiến sĩ tiểu đoàn 2 đã dùng bộc phá đánh vào cổng số 4 Bộ Tổng Tham mưu ( Phía đường Hồ Văn Huê ngày nay).

Bị bất ngờ, quân giặc tháo chạy tán loạn, quân ta sọc sâu vào trong tổng hành dinh của nguỵ quân, chiếm lĩnh các phòng làm việc và sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu nguỵ.

5 giờ sáng, địch phản kích. Đồng chí Ba Vinh, chỉ huy trưởng mũi tấn công chỉ đạo anh em dùng súng địch đánh địch.

Các khẩu đại liên ta thu hồi được khạc lửa vào các đợt phản kích, làm địch không sao tiến lên được, thậm chí một chiếc trực thăng bị bắn rơi tại chỗ. Bên ta hy sinh 6 đồng chí. Ngay trong đêm mùng 2 tết, quân ta rút về ngã 5 Bình Hoà. Đến đây các chiến sĩ tình báo A54 chia tay với tiểu đoàn 2, hoà vào dân để tiếp tục hoạt động công khai.

Chị Lê Thị Sáu, đội viên A54 bị địch trúng đạn vào tay, phải đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Sau này chị được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Biệt động tấn công các mục tiêu đã định ở Sài Gòn trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy 1968.

Biệt động tấn công các mục tiêu đã định ở Sài Gòn trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy 1968.

Cả đời làm việc nghĩa

Ông Tư Sắt xuống Sài Gòn hoạt động, để lại trang trại cho bà Hương và gia đình vợ quản lý. Theo ý kiến của ông, gia đình đã chia đất cho những hộ dân sống trong trang trại, tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống.

Gia đình bà Hương tiếp tục là cơ sở tin cậy đưa, đón các cán bộ công tác và tiếp nhận tài liệu để chuyển cho chồng hoạt động ở Sài Gòn. Sau Mậu Thân 1968, địch truy lùng ông Tư Sắt gắt gao.

Đọc báo mới biết chồng mình còn sống, đang bị địch truy nã, trong nhà có dấu tích gì của ông, bà Hương đem đốt hết. Lúc này ông Tư Sắt được tổ chức phân công chuyển địa bàn hoạt động lên biên giới Cam-pu-chia.

Ông bí mật ghé về thăm vợ, và sau lần thăm này, bà Hương sinh cho ông thêm một thằng con trai. Bà phải sống trong búa rìu dư luận là đi theo trai, có con hoang.

Cuối năm 1969, bà Hương nói dối hàng xóm đi buôn bán Sài Gòn, bí mật đem 2 con đến căn cứ của ta ở Tây Ninh thăm chồng. Bà đã để con trai đầu là Võ Hoàng Vinh ở lại làm giao liên cho quân giải phóng.

Trở về Đà Lạt, bà nói dối là thằng nhỏ xuống Sài Gòn, thấy người ta sung sướng, nó không chịu về nữa, bỏ đi rồi.

Đến năm 1973, ông Tư Sắt được rút ra Bắc làm Đoàn trưởng Đoàn 1 Bộ Tư lệnh Đặc công. Ông về nghỉ hưu năm 1983, nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội. Ông kiêm nhiệm hàng chục chức vụ:

"Bí thư chi bộ khu phố, Đảng ủy viên phường, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường, Chủ tịch người cao tuổi phường, tổ trưởng cựu tù chính trị, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TP. HCM khối vũ trang biệt động QK Sài Gòn - Gia Định,…

Ông đã tận tâm làm nhiều việc nghĩa cho xã hội, như vận động các tổ chức đoàn thể xây nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh còn gặp nhiều khó khăn, ông đã mua 50.000 m2 đất tại xã Thượng Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để làm nghĩa trang đồng hương Quảng Trị.

Ông làm trưởng ban nghĩa trang, tạo điều kiện cho đồng bào xa quê được xích gần nhau khi rời khỏi trần thế. Bây giờ đã có tới 2.500 ngôi mộ người Quảng Trị được chôn cất tại nghĩa trang.

Vợ chồng tình báo Võ Hoàng Đạo đến với nhau bắt đầu từ tình đồng chí, họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng, đặc biệt là những ngày Mậu Thân 1968.

Cả đời sống làm việc nghĩa, ông bà đã thực sự là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại