"Vũ khí thần diệu"
Tuần trước, tờ Washington Post đăng bài viết có tiêu đề “Các vũ khí kỳ ảo mới mà Lầu Năm Góc muốn dùng để ngăn chặn Nga – Trung”.
Theo bài viết, các quan chức Mỹ đã bắt đầu công khai thảo luận về chương trình trí thông minh nhân tạo và những siêu chiến binh được robot hỗ trợ để chống lại quân đội Nga và Trung Quốc.
Một câu hỏi được đặt ra là: Quân đội Nga sẽ đáp trả bằng cách nào?
Trước đó, hồi đầu tháng này, tờ Defense One đăng tải một bài viết phản ánh quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về các lĩnh vực công nghệ mà Lầu Năm Góc cho là quan trọng để duy trì ưu thế quân sự toàn cầu trong thập kỷ tới.
Đề cập tới bài viết trên Defense One, nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post cho biết, trong vài tuần gần đây, các quan chức Mỹ “đã đưa ra một loạt tiết lộ bất thường về một số nghiên cứu bí mật nhất của quân đội (Mỹ)”.
“Các quan chức Lầu Năm Góc bắt đầu công khai nói về kế hoạch sử dụng máy móc và các công cụ trí tuệ nhân tạo mới nhất để tạo ra vũ khí robot, một đội quân ‘nửa người, nửa máy’ và những chiến binh siêu năng lực”.
“Nghe có vẻ viễn tưởng nhưng các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, họ đã rút ra kết luận rằng những hệ thống công nghệ cao như vậy là phương thức tốt nhất để chống lại các tiến bộ nhanh chóng của quân đội Nga và Trung Quốc” – Ignatius viết.
Trao đổi với Washington Post, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhấn mạnh:
"Những vũ khí tối tân nhất đang được phát triển cho Lầu Năm Góc "sẽ tăng thêm uy lực cho các mạng lưới chiến đấu của chúng ta.
Điều đó sẽ tạo ra trong tâm trí người Nga và người Trung Quốc một sự hoài nghi rằng, nếu giao tranh có bùng phát, làm sao có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến không sử dụng đến hạt nhân?"
Sau đó, Ignatius nhận định: “Chính phủ Obama, sau nhiều lần bị khiển trách vì đã chậm chạp trong công tác ứng phó các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, có vẻ đã rút ra kết luận rằng chiến lược tối ưu nhất của Mỹ là tận dụng ưu thế lớn nhất của mình - công nghệ”.
Ảnh minh họa vũ khí laser.
Theo Ignatius, ý tưởng này gợi nhớ tới sáng kiến “Star Wars” (chiến tranh giữa các vì sao) của Tổng thống Reagan hơn 30 năm trước.
Nga đáp trả thế nào?
Bình luận về bài viết của Ignatius và cái gọi là “vũ khí tương lai kỳ ảo mới” của Lầu Năm Góc, tờ Svobodnaya Pressa của Nga cho rằng, ý tưởng này của Mỹ không có gì hơn… một sự khoác lác.
“Cần nhớ lại rằng, vào tháng 3/1983, Tổng thống Reagan tuyên bố khởi động chương trình dài hạn gọi là “Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI).
Chương trình này nhắm tới mục tiêu phát triển các hệ thống tấn công và phòng thủ trong không gian, vô hiệu hóa các cuộc tấn công bằng tên lửa của Liên Xô nhằm vào Bắc Mỹ.
Trong số các ý tưởng được đề xuất là vũ khí laser, gương vũ trụ, máy phát neutron và các thiết bị khác mà trước đó chỉ được đề cập đến trong những câu chuyện khoa học viễn tưởng” - Svobodnaya Pressa viết.
Ngày nay, theo Svobodnaya Pressa, người ta vẫn triển khai thành công hệ thống phòng thủ tên lửa với nòng cốt là các tên lửa thông thường, có rất ít thiết kế ảo diệu như trong chương trình Star Wars.
“Đối với nhiều chuyên gia”, theo Svobodnaya Pressa, “Reagan đang cố gắng biến một câu chuyện cổ tích thuần túy thành sự thật”.
“Tuy nhiên, giới lãnh đạo Liên Xô, với mong muốn duy trì sự cân bằng với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ không thực tế này, đã bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang”.
Trên thực tế, Mỹ đã thành công tới mức nào trong việc tạo ra những vũ khí kỳ ảo mới? Và liệu Nga có lại rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa nữa hay không?
Để tìm đáp án cho câu hỏi này, Svobodnaya Pressa tìm đến Igor Korotchenko, một chuyên gia quân sự có tiếng của Nga, đồng thời là biên tập tạp chí “National Defense”.
“Cục Tình báo Liên bang và Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga nắm được tất cả các dự án quân sự mà Mỹ đang phát triển. Các cơ quan này luôn đánh giá chặt chẽ những tiến bộ công nghệ của Mỹ (trong lĩnh vực quân sự).
Vì thế, Mỹ không có khả năng tạo ra bất cứ thứ gì đáng ngạc nhiên hay bất ngờ mà Moscow không biết…
Nếu xuất hiện bất kỳ mối đe dọa mới nào với Nga, chương trình trang bị quốc gia, các đơn hàng quốc phòng và bất cứ thông số kỹ thuật nào liên quan đến khoa học quốc phòng sẽ được điều chỉnh” – ông Korotchenko nhấn mạnh.
“Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng sẽ không tham gia chạy đua vũ trang.
Chiến lược của Nga là ngăn chặn và vô hiệu hóa bất cứ mối đe dọa nào, chứ không phải là cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực phát triển công nghệ quân sự.
Không thể có chuyện chúng ra rơi vào tình cảnh mà sáng tỉnh dậy, chúng ta phát hiện ra mình rơi vào thế dễ bị tấn công” – ông Korotchenko nói.
Khi được hỏi tại sao Bộ Quốc phòng Mỹ lại quyết định tăng cường bàn luận công khai về các loại vũ khí kỳ ảo mới, ông Korotchenko cho rằng tất cả điều này là “’chuyện thường ngày ở huyện’ để vận động hành lang phục vụ lợi ích của Lầu Năm Góc".
Theo ông Korotchenko, không nên trông đợi điều gì đó đặc biệt trong những lời nói này. Có thể những bài báo về thứ vũ khí “thần diệu” sẽ được một số nghị sĩ cần đến để sau đó họ bắt đầu bài ca về nhu cầu thiết yếu nhằm đảm bảo ưu thế của quân đội Mỹ.
“Trong bất cứ trường hợp nào”, ông Korotchenko giải thích, “mục tiêu của Washington là giành được một lợi thế rõ rệt trước Trung Quốc và Nga, để họ có thể áp đặt những điều kiện của mình lên phần còn lại của thế giới.
Tình huống này giống như năm 1945, khi Mỹ thử nghiệm bom hạt nhân và 4 năm sau đó, họ hưởng thụ vị thế độc quyền hạt nhân.
Tuy nhiên, Liên Xô lại có đủ khả năng để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ Mỹ bằng cách tăng cường triển khai các đơn vị xe tăng và vũ khí kết hợp, đảm bảo rằng Mỹ không giành được ưu thế, ngay cả khi họ là bên sử dụng vũ khí hạt nhân trước”.
"Ngày nay, khuôn khổ khái niệm có phần khác biệt. Chúng ta sử dụng năng lực tình báo để phát hiện các chương trình quân sự triển vọng của Lầu Năm Góc và đưa ra những đánh giá đúng đắn.
Và nếu phát hiện mối đe dọa thực sự, các biện pháp cần thiết sẽ được triển khai để vô hiệu hóa thách thức. Trong bất cứ trường hợp nào, luôn có một hệ thống kiểm soát tồn tại để giám sát mọi động thái phát triển quân sự của Mỹ”.
Về phần mình, Boris Usvyatsov, người đứng đầu Hội đồng chuyên gia quốc phòng thuộc Quốc hội Nga nhận định, những gì mà các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ không mang ý nghĩa gì khác ngoài một thực tế là “người Mỹ đang bắt đầu một chiến dịch PR khác”.
“Tất nhiên, sở hữu một vài thiết kế đáng kinh ngạc mà không ai có được là một ý tưởng tuyệt vời nhưng thực chất đó là những lời nói rỗng tuếch.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, các hệ thống điện tử và tự động hóa có tầm quan trọng to lớn. Song, con người sẽ luôn là cốt lõi, không gì có thể thay thế cho con người”.