Quân đội Nga đã lại "nổi lên" thành một thế lực lớn như thế nào?

Anh Tuấn |

Sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine, cũng như sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria cho thấy chính sách đối ngoại của Nga đã chủ động hơn trước.

Trong vòng nửa thập kỷ qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành hiện đại hóa và tái cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang Nga nhằm nâng cao khả năng chiến đấu cũng như tinh thần của binh lính.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia phương Tây tin rằng chiến dịch cải tổ của quân đội Nga không mang lại hiệu quả, hoặc thất bại hoàn toàn.


Dưới thời Tổng thống Putin, quân đội Nga đã phát triển vượt bậc.

Dưới thời Tổng thống Putin, quân đội Nga đã phát triển vượt bậc.

Thực tế, đây là những lời chỉ trích thiếu thận trọng, bởi cho dù vẫn còn nhiều vấn đề, chương trình tái cơ cấu và hiện đại hóa quân đội mà ông Putin cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga lúc đó là ông Anatoly Serdyukov thực hiện sau xung đột ở Georgia năm 2008 đã củng cố sức mạnh quân sự của nước này.

Điều này diễn ra đúng vào thời điểm nhiều nước NATO đang phải cắt bớt ngân sách quốc phòng và giảm bớt quân số.

Giờ đây, quân đội Nga được trang bị tốt hơn trước nhiều lần và đủ khả năng tiến hành hoạt động quân sự vào bất cứ thời điểm nào.

Dù vậy, các chuyên gia phương Tây vẫn có nhiều lời chỉ trích. Cụ thể, chương trình phát triển tàu sân bay mới của Nga được cho là sẽ không thể thực hiện mà không có nhà xưởng và thiết bị cần thiết để chế tạo và bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, các dự án chế tạo máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 và hơn 2.000 xe tăng T-14 Armata cũng bị coi là không khả thi.

Về mặt nhân sự, Nga chú trọng giữ lại những binh lính có hợp đồng dài hạn cùng các sĩ quan chuyên nghiệp, và điều này có thể gây ra những vấn đề về quản lý. Với việc giá dầu mỏ và khí đốt giảm, Nga sẽ không thể cải tổ thêm nữa.

Trong khi đó, mặc dù một số thành viên NATO đang dần đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, nhưng trong thập kỷ qua, phần lớn các nước trong khối quân sự đều giảm bớt quân số của mình, mãi đến gần đây xu hướng này mới bắt đầu thay đổi.

Ví dụ, Hà Lan cho ngừng sử dụng các loại xe tăng chiến đấu của mình nhưng sau đó chúng lại tiếp tục được hoạt động. Việc Nga tỏ ra chủ động hơn trong các chiến dịch quân sự đã khiến nhiều chuyên gia phải đánh giá lại, không chỉ khả năng của NATO mà còn của Nga.

Hoạt động quân sự trên biển của Nga, đặc biệt là của lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Phía Bắc của nước này, diễn ra thường xuyên nhất kể từ sau năm 1991, buộc Mỹ phải xây dựng lại cơ sở quân sự ở Keflavik ở Iceland để các máy bay do thám P-8A Poseidon hoạt động.

Các cuộc tập trận quy mô lớn trên biển cũng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh thực hiện.

Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm Nga cũng được đánh giá cao, và tại Syria các chiến dịch phối hợp không - thủy - bộ của họ cũng cho thấy những tiến bộ vượt bậc trong chiến đấu của quân đội nước này.

Nga điều động nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại như Su-24 và Su-35, cùng với hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân nhất của họ.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nga cũng là nước có ảnh hưởng lớn. Nga và Trung Quốc thường xuyên tập trận quân sự và hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Máy bay Nga cũng được cho là xuất hiện gần đảo Guam cũng như Bờ Tây nước Mỹ, và tàu chiến Nga đi qua khu vực biển ở phía Đông nước Úc khi cuộc họp cấp cao G20 đang diễn ra là những minh chứng cho điều này.

Có thể thấy rằng, hoạt động cải tổ quân đội Nga đã mang lại những kết quả rất quan trọng, khi tầm ảnh hưởng của Moscow không chỉ gói gọn ở xung quanh các nước lân cận mà còn ở cả những khu vực trọng điểm trên thế giới.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại