Bắc Cực giàu tài nguyên thiên nhiên, có địa chính trị hết sức quan trọng nên khí hậu cực kỳ lạnh giá vẫn không ngăn cản được sự hiện diện của các lực lượng quân sự.
Ở miền vùng cực này, ngoài sức khỏe phi thường và các kỹ năng sinh tồn, chiến đấu hết sức đặc biệt, người lính cần được trang bị những phương tiện cá nhân cũng hết sức đặc biệt.
Bắc Cực ấm lên vì địa chính trị
Theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực không thuộc về một quốc gia riêng biệt nào nhưng khu vực này có vị trí địa - chính trị quan trọng.
Theo ước tính của Mỹ, có một lượng dầu đáng kể (khoảng 15% lượng dầu còn lại trên thế giới), cùng 30% khí tự nhiên và 20% lượng khí hóa lỏng chưa được khai thác nằm dưới những lớp băng của Bắc Cực.
Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) từng tuyên bố, có khoảng 25% trữ lượng dầu thế giới hiện nằm trong lòng Bắc Cực.
Ngoài ra, tuyến đường Biển Bắc chạy theo bờ biển phía bắc của Nga (gọi là tuyến đông bắc Bắc Cực), nối châu Âu và châu Á là tuyến vận tải thương mại ngắn nhất từ Đông Á đến châu Âu.
Một khi Trái Đất ngày càng ấm lên và băng ở Bắc Cực giảm đi thì tuyến đường này sẽ trở thành tuyến đường chủ đạo.
Hiện nay, điều phối các hoạt động ở Bắc Cực là Hội đồng Bắc Cực (AC) - một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước: Canada, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga.
Các nước này đều ra sức xây dựng các căn cứ, điều động lực lượng để tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực.
Với vị trí địa lý trải dài trên vùng cực Bắc nên Nga là nước đi đầu trong việc thành lập các đơn vị tác chiến ở Bắc Cực. Tuy nhiên, so với thời kỳ Liên Xô thì số lượng căn cứ, con người và trang bị kỹ thuật đã giảm sút đi rất nhiều.
Lược đồ các căn cứ quân sự ở Bắc Cực
Theo đài CBC (Canada): Nga đưa nhiều vũ khí tới vùng cực Bắc của trái đất với số lượng hùng hậu hơn bất kỳ quốc gia nào, gồm 38.000 quân nhân, hơn 50 tàu mặt nước và tàu ngầm, hơn 100 máy bay.
Giá lạnh, hoang vu, mùa đông kéo dài với những cơn bão tuyết và băng dày quanh năm là hình ảnh của Bắc Cực.
Trong điều kiện đó, để tồn tại và cao hơn nữa là chiến đấu, yêu cầu những người lính Bắc Cực phải có sức khỏe bền bỉ, thể lực mạnh mẽ, kỹ năng sinh tồn tốt và có những trang bị đặc biệt. Đây thực sự là thử thách không hề dễ dàng với bất kỳ ai.
Những bóng ma trên tuyết
Điểm dễ nhận biệt nhất của các lực lượng quân sự hoạt động ở một miền giá lạnh như Bắc Cực chính là trang phục trắng toát từ đầu đền chân.
Với bộ trang phục này cùng những kỹ năng di chuyển, ẩn nấp, những người lính Bắc Cực thực sự là “những bóng ma trên tuyết” thoắt ẩn, thoắt hiện.
Để đảm bảo được yêu cầu chống lại giá lạnh lên đến -50 độ C, trang phục của người lính Bắc Cực có cấu tạo hết sức đặc biệt.
Loại vật liệu hay được dùng là sợi aramid với lớp phủ hợp kim có từ tính đặc biệt. Trang phục loại này có thể chịu được tới nhiệt độ -120 độ C. Không đơn giản chỉ có nhiệm vụ hóa trang và chống lại giá rét, các trang phục này còn hỗ trợ rất nhiều khi chiến đấu.
Ví dụ bộ trang bị Ratnik của Nga là một tổ hợp liên kết vũ khí cá nhân hiện đại, các bộ phận bảo vệ hiệu suất cao và phương tiện trinh sát - liên lạc. Ratnik chịu được nhiệt độ từ -50 đến +50 độ°С.
Tùy theo nhiệm vụ tác chiến, Ratnik có các thiết bị định vị, hệ thống nhìn đêm, giám sát trạng thái tâm sinh lý; sử dụng các vật liệu tiên tiến vừa bền, chống chọi với thiên nhiên và đảm nhiệm chức năng giáp bảo vệ.
Những tay trượt điêu luyện
Chỉ trang bị thôi không đủ, những người lính Bắc Cực cần được huấn luyện kỹ năng sinh tồn đặc biệt.
Một trong những kỹ năng sống sót đầu tiên mà binh sĩ được huấn luyện là cách biến tuyết thành nước uống. Kỹ năng quan trọng không kém là nhóm lửa trên tuyết. Lửa giúp giữ ấm cơ thể và nấu thức ăn, nước uống.
Những người lính phải thay những đôi tất ẩm ướt thường xuyên để giữ cho đôi chân luôn khô ráo, tránh cho cơ thể bị mất nhiệt.
Những đôi giày đi trên tuyết là vật dụng quen thuộc hàng ngày. Tuy hơi vướng víu nhưng không có nó thì việc đi lại còn vất vả hơn nhiều.
Giày đi trên tuyết tuy vướng víu nhưng không có nó thì việc di chuyển trở nên hết sức khó khăn
Đó chỉ là những kỹ năng mới giúp họ sống sót, còn để chiến đấu thì đòi hỏi cao hơn nhiều. Đã là người lính Bắc Cực thì chắc chắn phải là một tay trượt tuyết điêu luyện.
Mỗi người lính được trang bị những đôi ván trượt tuyết và đây là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất. Nếu được mục kích cảnh vừa trượt tuyết vừa bắn khiến người ta dễ liên tưởng đến các bộ phim hành động hơn là những người lính Bắc Cực.
Vừa trượt tuyết vừa bắn như trong phim hành động
Từ xe trượt tuyết kéo bằng chó đến những chiếc xe hiện đại
Những chiếc xe trượt tuyết được kéo bằng chó có thể nói là phương tiện rất thô sơ và xuất hiện từ thời rất xa xưa thì hiện nay chúng vẫn là một trong những cách di chuyển hiệu quả.
Xe kéo bằng chó là phương tiện đi lại thô sơ nhưng hiệu quả
Loài chó sử dụng để kéo xe là giống sói Bắc Cực vốn sinh sống ở khu vực có khí hậu lạnh khắc nghiệt ở Alaska, bắc Canada và Greenland. Các quân khuyển có thể kéo xe trượt tuyết với tốc độ 7-8 km/h. Mỗi ngày, chúng có thể chạy quãng đường tới 80 km.
Xe kéo có thể chở 2 binh lính. Mỗi xe sử dụng từ 4 đến 6 cặp chó. Số lượng chó có thể lên tới 18 con trong trường hợp cần kéo hàng hóa có khối lượng lớn.
Những chú “quân khuyển” này được huấn luyện để có kỷ luật cực kỳ cao. Không hề tồn tại những tiếng sủa, tiếng hú khi làm nhiệm vụ mặc dù giữ im lặng là thứ rất khó để huấn luyện ở bất kỳ loài động vật nào.
Ngoài nhiệm vụ kéo xe, “quân khuyển” còn là lực lượng trinh sát và bảo vệ hiệu quả.
Ngoài ra tuần lộc cũng được sử dụng để kéo xe. So với các loại xe chạy bằng động cơ thì dùng chó hoặc tuần lộc không lo việc khó khởi động động cơ, chi phí thấp mà lại không gây ra tiếng động, đảm bảo bí mật.
Tuần lộc cũng được sử dụng để kéo xe
Ngày nay, khi mà khoa học kỹ thuật đã phát triển hơn, những chiếc xe trượt chạy bằng động cơ đốt trong đã bắt đầu phổ biển. Tính cơ động cao, sức kéo lớn mà không phải tốn công huấn luyện và chăm sóc.
Tất nhiên để hoạt động được ở Bắc Cực, chúng có những thiết kế đặc biệt để không bị chết máy hay nứt vỡ vì chênh lệch nhiệt độ như những động cơ thông thường.
Xe trượt tuyết vũ trang dùng cho vùng Bắc Cực
Với sức khỏe được tuyển lựa kỹ càng, những kỹ năng đặc biệt cùng trang bị cũng đặc biệt không kém, những người lính Bắc Cực khiến ta liên tưởng đến hình tượng siêu phàm kiểu như James Bond trên màn ảnh, thay vì thực tế đầy khắc nghiệt.
Xe trượt tuyết vũ trang Taiga-551 cải tiến của Nga:
Trọng lượng khoảng 320kg và được trang bị một động cơ 65 mã lực được làm mát bằng nước. Tốc độ di chuyển 100km/giờ với một bình nhiên liệu 14,5 gallon (khoảng 66 lít).
Bình nhiên liệu bằng thép giống với bình nhiên liệu của máy bay trực thăng. Trang bị một hệ thống làm mát đặc biệt để giúp bảo vệ động cơ không bị quá nóng.
Bộ khung xe đang được gia cố và cải tiến để có thể được thả dù từ trên trực thăng hoặc máy bay vận tải.